Kết thúc Hội nghị Thành ủy TPHCM lần thứ 13, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải:

Đưa kinh tế TPHCM phát triển nhanh, bền vững, hội nhập quốc tế có hiệu quả

Đưa kinh tế TPHCM phát triển nhanh, bền vững, hội nhập quốc tế có hiệu quả

“Phát huy vai trò, vị trí, tính năng động sáng tạo của TPHCM trong thực hiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, từ đó giúp Trung ương điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp, thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, hội nhập quốc tế có hiệu quả, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa” - đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM nói về Chương trình hành động của Thành ủy tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, mở đầu phần kết luận Hội nghị Thành ủy TPHCM lần thứ 13 vào chiều 15-10.

Đưa kinh tế TPHCM phát triển nhanh, bền vững, hội nhập quốc tế có hiệu quả ảnh 1

Sau khi khẳng định tầm quan trọng trong việc thực hiện Chương trình hành động tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN theo nghị quyết của Trung ương, đồng chí Lê Thanh Hải quán triệt 4 đặc trưng cơ bản của nền kinh tế này, trong đó nhấn mạnh: phát triển kinh tế phải gắn với tiến bộ và công bằng xã hội trong từng giai đoạn phát triển, từng chủ trương, chính sách, qua đó làm giảm khoảng cách giàu nghèo, nâng cao mức sống của người dân. Vấn đề đặt ra là mọi người cần hiểu rõ, tôn trọng để từ đó vận dụng đúng quy luật khách quan của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

  • Thanh niên  - một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp

Nói về Chương trình hành động Thành ủy TPHCM về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên, đồng chí khẳng định, nhiều lớp cán bộ lãnh đạo của TPHCM qua các thời kỳ đều trưởng thành từ phong trào Đoàn TNCS. Nhưng có thời gian, không ít cấp ủy chưa quan tâm đúng mức đến công tác thanh niên.

Đồng chí phân tích: Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thanh niên phải được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Chăm lo, phát triển thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định và phát triển vững bền của đất nước. “Nói cách khác, xây dựng Đoàn TNCS vững mạnh là nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, là xây dựng Đảng trước một bước!” - Bí thư Lê Thanh Hải đúc kết.

Do vậy, nhiệm vụ của hệ thống chính trị là cần phải xây dựng lớp thanh niên có trí tuệ, đạo đức, lý tưởng, có hoài bão, ước mơ, có thể lực, tay nghề và việc làm ổn định. Đồng chí yêu cầu các cấp ủy mà đứng đầu là bí thư và thủ trưởng đơn vị phải tin tưởng, giao nhiệm vụ và tạo mọi điều kiện cho thanh niên có môi trường cống hiến.

Đối với chỉ tiêu “cuối năm 2010 phải đạt tập hợp 55% thanh niên vào tổ chức Đoàn TNCS (hiện nay hơn 30%), 55% thanh niên được đào tạo nghề và 70% đảng viên mới là đoàn viên TNCS Hồ Chí Minh”, đồng chí cho rằng, đó là những chỉ tiêu phấn đấu cần sự nỗ lực cao nhất của cả hệ thống chính trị.

  • Di dời cơ sở ô nhiễm: Không phải đưa ô nhiễm ra ngoại thành!

“Nói nông nghiệp TPHCM chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong cơ cấu GDP từ đó coi nhẹ nông nghiệp là một sai lầm” - Bí thư Lê Thanh Hải đặt vấn đề. Hãy đặt nông nghiệp TPHCM ở vị trí TPHCM là trung tâm kinh tế, trong đó có trung tâm khoa học kỹ thuật của cả nước, gắn với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thì mới thấy tầm quan trọng của nông nghiệp TPHCM. Với diện tích 1.600km2 đất nông nghiệp và hơn 1 triệu nông dân-tương đương với số dân một tỉnh thì mới thấy nông nghiệp-nông dân-nông thôn TPHCM là vấn đề hệ trọng.

Đồng chí cho rằng, những yếu kém và những tồn tại ở các huyện ngoại thành của TPHCM chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân chủ quan. Yêu cầu đặt ra cho TPHCM cần sớm hoàn thành quy hoạch các vùng nông thôn, quy hoạch cây-con gắn với quy hoạch các vùng sinh thái, mảng xanh đô thị.

Đồng chí lưu ý, việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm từ nội thành ra các khu công nghiệp ở ngoại thành phải đặt ra yêu cầu cho các doanh nghiệp đổi mới trang thiết bị tiên tiến, công nghệ hiện đại, đồng thời tuân thủ nguyên tắc bảo vệ môi trường. Đây là yêu cầu bắt buộc và làm kiên quyết để bảo vệ môi trường sống cho nhiều thế hệ mai sau. “Việc di dời các cơ sở ô nhiễm không có nghĩa là chúng ta đưa ô nhiễm cho bà con nông dân gánh chịu!” - Bí thư Lê Thanh Hải nói dứt khoát.

  • Tăng cường đối thoại với trí thức

Khẳng định sự đóng góp to lớn của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp phát triển của TP và coi đây là “lực lượng  nòng cốt sáng tạo đặc biệt”, đồng chí Lê Thanh Hải nhấn mạnh mục tiêu đến năm 2020, TPHCM phải xây dựng đội ngũ trí thức lớn mạnh, đạt chất lượng cao, số lượng và cơ cấu hợp lý; bảo đảm sự phát triển TPHCM theo hướng phát triển các lĩnh vực khoa học công nghệ cao, tiếp cận nền kinh tế tri thức, gắn bó vững chắc giữa Đảng và chính quyền với trí thức. “Thời gian qua, nhiều người hiểu chưa đúng vai trò của trí thức và dường như nhiều người ngại tiếp xúc với trí thức!” - đồng chí Lê Thanh Hải nói.

Đồng chí yêu cầu lãnh đạo TP sắp tới thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, tăng cường đối thoại với các nhà khoa học, đồng thời UBNDTP nhanh chóng thể chế hóa hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, từ đó tạo điều kiện để đội ngũ trí thức phát huy vai trò trách nhiệm, góp sức vào sự nghiệp đổi mới của TP. Đồng chí đề nghị các đơn vị thống kê đội ngũ trí thức; đánh giá công tác đào tạo, bố trí, sử dụng đội ngũ trí thức, về môi trường làm việc, chính sách đãi ngộ vật chất đối với trí thức, để từ đó có chính sách, giải pháp phát huy tiềm năng dồi dào của họ.

  • Nâng mức tiêu chí thu nhập bình quân người nghèo: 12 triệu đồng/người/năm

Nói về đề án “Chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá giai đoạn 2009-2015”, Bí thư Lê Thanh Hải nhất trí nâng mức chuẩn nghèo của thành phố theo tiêu chí thu nhập bình quân 12 triệu đồng/người/năm, đồng thời lưu ý đến yếu tố trượt giá và sự biến động dân cư, để từ đó phân kỳ thời gian thực hiện cụ thể.

Đồng chí lưu ý các cấp ủy, chính quyền khi thực hiện đề án phải phát huy tính chủ động vượt khó vươn lên của các hộ nghèo và không ỷ lại chờ cứu trợ của xã hội. Trước những diễn biến giá cả tiêu dùng biến động, đời sống của các hộ nghèo-người nghèo đang gặp nhiều khó khăn, có nguy cơ tái nghèo, chính quyền các cấp và các ngành cần có những giải pháp thiết thực để hỗ trợ đắc lực giúp hộ nghèo-người nghèo; thực hiện các chính sách an sinh xã hội…


TUẤN SƠN

Tin cùng chuyên mục