Phiên họp thứ 14 Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân vân về một số mức thuế xuất khẩu

(SGGP).- Tại phiên họp UBTV Quốc hội ngày 22-11, tuy đã thông qua về nguyên tắc Nghị quyết về sửa đổi, bổ sung Biểu khung thuế xuất khẩu và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung biểu khung thuế suất (quy định tại Điều 6) Pháp lệnh Thuế tài nguyên, song Ủy ban Tài chính – Ngân sách và Bộ Tài chính sẽ tiếp tục bàn bạc, thống nhất, trình lại UBTVQH quyết định các mức thuế cụ thể trước cuối tháng này. Đây là hai văn bản pháp quy sẽ có hiệu lực từ 1-1-2009.

Theo Dự thảo Nghị quyết về biểu khung thuế xuất khẩu, khung thuế suất xuất khẩu với gạo, bắp được điều chỉnh từ 0%-3% lên 0%-50%. Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền đều cho rằng, việc tăng thuế suất trần vọt từ 3% lên 50% là “đột biến” và có thể gây ảnh hưởng tới đời sống và thu nhập của nông dân, nhất là với mặt hàng gạo. UBTVQH cũng lo ngại, nâng trần thuế quá cao sẽ hạn chế xuất khẩu mặt hàng này, trong khi gạo Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với gạo của nhiều nước trong khu vực.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh giải thích: “Chủ trương của Chính phủ vẫn là khuyến khích xuất khẩu các mặt hàng này. Lâu nay vẫn áp mức thuế 0%. Vừa qua có nghịch lý là khi giá gạo 500 USD/tấn, nông dân được lãi 70%, 30% thương lái hưởng. Nhưng khi giá lên cao, tỷ lệ phân chia lợi nhuận lại đảo chiều, phần lợi lớn rơi vào tay thương lái. Việc đưa ra biểu khung thuế mới với “phổ” rộng như vậy là để Chính phủ có thể điều hành linh hoạt, điều tiết hợp lý vào ngân sách phần lãi lớn của đối tượng thương lái khi giá gạo lên cao thôi”.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh thừa nhận, e ngại của một số thành viên UBTVQH về việc điều chỉnh tăng thuế có thể làm thương lái “ép lại” nông dân cũng là có cơ sở.

Tuy tán thành quan điểm quy định biểu khung thuế xuất khẩu khá mở để Chính phủ kịp thời quản lý, điều hành, song Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận lại không đồng tình với “phổ” thuế khai thác tài nguyên quá rộng.

Cũng trên quan điểm tiết kiệm tài nguyên, ông Thuận cho rằng, cần có mức sàn thuế suất, đồng thời phân biệt rất rõ các loại tài nguyên chứ không nên chỉ tính theo nhóm. “Cùng là tài nguyên nước, nhưng khai thác nước khoáng để sản xuất nước đóng chai phải chịu thuế suất cao hơn nước khai thác làm thủy điện mới là hợp lý”, ông nói.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Xuân Cường tham dự phiên họp bày tỏ đồng tình: “Khai thác nước khoáng ít nhất phải chịu mức thuế sàn khoảng 4%, cao gấp 2 lần nước cho thủy điện”. Một ví dụ khác nhanh chóng được đại diện Bộ Công thương chỉ ra, đó là “đất hiếm” được xếp cùng nhóm với vàng (có khung thuế suất thuế tài nguyên 3-30%), trong khi “đất hiếm” thực ra không quá hiếm như vàng và không đem lại giá trị kinh tế cao.  

A.PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục