“Lý lịch” của một hiện vật ở Hội trường Thống Nhất

Triển lãm ảnh “Người chiến sĩ hôm nay”
“Lý lịch” của một hiện vật ở Hội trường Thống Nhất
“Lý lịch” của một hiện vật ở Hội trường Thống Nhất ảnh 1

Xe Jeep (bản sao) đưa Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh từ Dinh Độc Lập đến Đài Phát thanh Sài Gòn đọc lời tuyên bố đầu hàng chính quyền cách mạng vào trưa 30-4-1975. Ảnh: LÃ ANH

Trong những ngày tháng Tư lịch sử năm nay, nếu có dịp tham quan Hội trường Thống Nhất (TPHCM), xuống gian trưng bày hiện vật ở tầng hầm sẽ thấy một chiếc xe Jeep của Mỹ vừa mới được đưa ra giới thiệu trong thời gian gần đây. Đây là hiện vật có “lý lịch” khá thú vị mà không phải du khách nào cũng biết.

Hiện vật ấy là chiếc xe Jeep “lùn” đời A2 mang biển số 15788, đã đưa Tổng thống chính quyền Sài Gòn đi từ Dinh Độc Lập sang đài phát thanh để đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện vào trưa 30-4-1975. Cuối tháng 12-2007 vừa qua, được sự cho phép của Bộ Quốc phòng, Cục Quản lý xe máy (Tổng cục Kỹ thuật) và Cục Kỹ thuật Quân khu 7, Trung đoàn 66 (Sư đoàn Vinh Quang – Binh đoàn Hương Giang) đã làm lễ bàn giao chiếc xe ấy cho Hội trường Thống Nhất để phục vụ khách tham quan.

Trước hết, xin nói về “chủ nhân” của chiếc xe này: hạ sĩ lái xe Đào Ngọc Vân của Trung đoàn 66 Quân đoàn 2 cách nay 33 năm. Sau nhiều năm tìm kiếm, những người làm công tác bảo tồn bảo tàng ở Hội trường Thống Nhất mới liên lạc được với anh Vân. Bởi, chỉ có anh Vân - một nhân chứng lịch sử – mới cung cấp thêm được nhiều tư liệu quý về thời khắc trưa 30-4 lịch sử, mới có thể giúp họ “giải tỏa” phần nào trăn trở về một số ý kiến, tư liệu mà đến nay vẫn chưa thống nhất.

Tuy nhiên, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đơn vị của chiến sĩ lái xe Đào Ngọc Vân được điều lên đóng quân ở Lâm Đồng, rồi anh Vân thôi nhiệm vụ lái xe mà trở lại với công việc cũ: phụ trách khẩu đội cối 81. Tháng 6-1977, anh Vân ra quân, chuyển công tác về miền Bắc. Từ đó, số phận của chiếc xe lưu lạc đi đâu thì không còn ai nhớ nữa.

“Lý lịch” của một hiện vật ở Hội trường Thống Nhất ảnh 2

Sau khi ra quân, anh Vân trở về quê hương Thanh Hóa, công tác ở Phòng Địa chính rồi Công ty Môi trường đô thị thị xã Thanh Hóa cho đến ngày nghỉ hưu (giữa năm 2005), về sống tại 26 Ngô Văn Sở, phường Ngọc Trạo, TP Thanh Hóa (điện thoại 037.3723821). Anh Vân sống bình dị, khiêm tốn, ít nói về mình và cũng ít liên lạc với đồng đội cũ, nên không phải ai cũng biết anh là người từng tham gia áp giải Tổng thống Dương Văn Minh đi đọc tuyên bố đầu hàng.

Công việc ấy, đối với anh Vân cũng khá bất ngờ. Khi nhập ngũ (năm 1972), anh là chiến sĩ cối 81. Trong chiến dịch giải phóng Quảng Nam - Đà Nẵng, tháng 3-1975, đơn vị anh từ phía Tây Quảng Đà lật cánh đi dọc sông Thu Bồn tiến về Đà Nẵng. Trên đường hành quân, ngang qua Hiệp Đức, thấy địch sau khi rút chạy để lại cơ man nào là xe cộ, vũ khí, quân trang quân dụng, Ban chỉ huy Trung đoàn 66 liền trưng dụng một chiếc xe Jeep mà địch vứt bỏ bên lề đường và điều anh Vân lái chiếc xe này tiến về giải phóng Đà Nẵng. Sau đó, anh Vân đã chở ban chỉ huy trung đoàn tiếp tục tiến quân trong đội hình Quân đoàn 2 đi dọc các tỉnh ven biển miền Trung và cuối cùng là tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh tháng 4-1975.

Anh Vân kể lại: Bắt đầu từ Hàng Xanh, bà con đứng hai bên đường vẫy cờ đón chào rất nhiều, trong đó có một người dân giúi vào tay anh một lá cờ giải phóng cỡ lớn, còn rất mới và anh đã cầm lá cờ này tiến thẳng vào Dinh Độc Lập. Đến nơi, anh lập tức nhảy xuống xe, lao về phía cầu thang để lên tầng thượng.

Lên đến nơi, anh đang loay hoay tháo dây để hạ lá cờ sọc vàng xuống thì cũng lúc đó trung úy Bùi Quang Thận (do phải tìm người hướng dẫn đi bằng cầu thang máy, nên lên chậm hơn ít phút) cũng kịp có mặt và anh Thận cũng cầm trong tay một lá cờ giải phóng khác. Đây là lá cờ còn bám bụi chiến trường của đơn vị giao cho anh Thận với nhiệm vụ cắm cờ.

Thấy anh Vân định cắm lá cờ mới (của người dân đưa), anh Thận hét: “Không được, ta phải kéo lá cờ Chiến thắng này vì nhuộm biết bao xương máu của cả dân tộc mới đi đến đích ngày hôm nay, mới có ý nghĩa…”. Hay quá, có lý quá, vậy là anh Vân phụ với anh Thận xé lá cờ ba sọc rồi cột và kéo lên lá cờ Mặt trận Giải phóng. Cho đến hôm nay, lịch sử đã ghi nhận: Trung úy Bùi Quang Thận là người đã kéo lá cờ chiến thắng lên nóc Dinh Độc Lập vào trưa 30-4-1975, đánh dấu thời khắc toàn thắng thuộc về ta. Vinh dự này thuộc về anh Thận, dù anh Vân cũng có góp phần.

Anh Vân kể thêm, khi xe tăng của ta tiến vào Dinh Độc Lập lúc 11 giờ thì xe của anh là một trong những chiếc đầu tiên có mặt vào thời điểm ấy, nên sau đó khi có lệnh đưa Tổng thống Dương Văn Minh sang Đài Phát thanh đọc lời tuyên bố đầu hàng là anh nổ máy đi liền. Lúc ấy sung sướng, phấn khởi quá, không kịp suy nghĩ gì cả, thậm chí các anh không biết đường phải nhờ một người dân (cũng không quen biết) ngồi lên xe, dẫn đường qua Đài Phát thanh. Trên xe lúc ấy, ngoài Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu (Thủ tướng chính quyền ngụy Sài Gòn) và người dân dẫn đường, còn có anh Vân (lái xe), đại úy Phạm Xuân Thệ (nay là Trung tướng, Tư lệnh Quân khu 2), đồng chí Thất (thông tin), đồng chí Hoàng (vệ binh).

Phan Gia Hoài

Tin cùng chuyên mục