Chú Sáu Dân- Người thầy lớn của các nhà báo

Chú Sáu Dân- Người thầy lớn của các nhà báo

Mới đầu giờ sáng 11-6, nhà thơ Thái Thăng Long đã gọi điện báo: “Người áo vải cờ đào” đã đi xa… Tin này quá đột ngột với tôi. Số là, nhân ngày sinh lần thứ 85 của chú Sáu Dân ngày, 23-11-2007, tôi có làm một câu đối tặng chú đăng trên một tờ báo lớn của thành phố: “Áo vải cờ đào, thời thanh xuân là anh hùng cứu nước. Giấy trắng mực đen, tuổi tám lăm thành hào Kiệt của Dân”. Anh Long thích cái tứ “Áo vải cờ đào” và từ đó gọi chú Sáu Dân là người “Áo vải…”.

Chú Sáu Dân- Người thầy lớn của các nhà báo ảnh 1
Chú Sáu Dân và nhà báo Lê Phú Khải

Có lần, vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước, lúc đó là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, chú Sáu Dân đi thị sát công cuộc khai hoang vùng Đồng Tháp Mười, ngủ đêm tại nông trường khai hoang trồng khóm Tân Lập tỉnh Tiền Giang. Sáng dậy, thấy tôi ngồi ở góc bàn ăn điểm tâm cùng các cán bộ tháp tùng chuyến đi, chú Sáu hỏi: Tập phóng sự viết về Đồng Tháp Mười của Phú Khải đã in chưa? Tôi thưa: Còn nằm chờ ở nhà xuất bản ạ! Chú Sáu Dân nheo mắt cười, nói: Hãy đổi tên cho nó là “Hoa hậu Đồng Tháp Mười” là được in liền! Cả bàn ăn lúc đó đã cười rần!

Chú Sáu Dân là nhà lãnh đạo như thế. Với các nhà báo chú luôn cởi mở, vui vẻ, đôi lúc hài hước, hóm hỉnh…

Khi công cuộc khai hoang Đồng Tháp Mười vào giai đoạn cuối, chỉ còn lại những vùng đất hoang khó khai phá nhất, một buổi sớm vừa mở mắt, tôi đã nhận được điện của Giám đốc Cơ quan Thường trú Đài TNVN tại TPHCM… phải lên cơ quan gấp! Thì ra chú Sáu Dân nghe chương trình thời sự của Đài TNVN buổi 6g sáng, có bài của tôi viết về kinh tế trang trại ở đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có nói về trang trại trồng mía của anh Võ Quang Huy, ở huyện Đức Hòa vùng ven Đồng Tháp Mười thuộc tỉnh Long An. Anh Huy đã đại diện cho 6 hộ nông dân trong vùng nhận đất của nhà nước để khai hoang hơn 200ha, với thời hạn 20 năm. Anh Huy đã cùng với 6 hộ đào kênh, đắp đê bao chống lũ, lên liếp rửa phèn toàn bộ 200ha đất được giao…

Đêm trước chú Sáu Dân ngủ tại trang trại của anh Huy. Sáng, trên xe về TPHCM, chú nghe đài có bài viết của tôi về trang trại của anh Huy nên muốn gặp tác giả để trao đổi!... Trên đường đến nhà Cố vấn Võ Văn Kiệt (lúc đó chú Sáu Dân với cương vị Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng) tôi vẫn còn băn khoăn, không biết bài viết của mình có gì sơ suất không (?). Vì lúc đó vừa mới có Hội nghị về kinh tế trang trại do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì ở Bình Dương, trong hội nghị ấy người ta tranh luận rất nhiều, quan điểm trái ngược nhau về vấn đề tích tụ ruộng đất (!). Nhưng vừa bước chân vô phòng khách tôi đã thấy nhẹ người… Vẫn cái nheo mắt cười quen thuộc, chú Sáu Dân biểu tôi: Nghe Phú Khải trên đài nhiều rồi, bây giờ muốn Phú Khải nghe tôi có đặng không? Tôi lấy bút ra ghi chép.

Cuộc làm việc đến hơn tiếng đồng hồ. Chú Sáu Dân nhắc lại những điều có liên quan đến vấn đề ruộng đất và nông dân từng đã nói với tôi trước đây, đại ý, trước kia trong 2 cuộc kháng chiến, ruộng đất là “cái bùa hộ mệnh” của cách mạng đối với nông dân… Nhưng bây giờ, giai đoạn cách mạng đã thay đổi thì tư duy phải thay đổi. Chú đi đến kết luận: Ruộng đất không phải là mục đích cuối cùng mà cách mạng đem đến cho nông dân. Công ăn việc làm, đời sống no đủ, công bằng xã hội mới là mục đích cuối cùng với nông dân. Vì thế chú tán thành tích tụ ruộng đất để có sản xuất lớn, để nông sản hàng hóa Việt Nam đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế nay mai, đồng thời nông dân có việc làm, có thu nhập cao, không nhất thiết mỗi người phải có một mảnh ruộng nhỏ nhưng không đủ sức cạnh tranh, nghèo đói vẫn hoàn nghèo đói…

Cuối cùng chú đề nghị tôi vào một nông trường có tên là Nông trường “Cô Bé Hai”, do một nữ doanh nhân ở quận 4, TPHCM thuê gần 2.000ha đất với thời hạn 20 năm để khai hoang, ở huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Theo chú Sáu, đây là những vùng phèn nặng nhất của Đồng Tháp Mười. Chú đề nghị tôi với tư cách một nhà báo, hãy đến tận nơi để quan sát rồi suy nghĩ cùng chú. Sau này khi vào Nông trường Tân Thanh (tức Nông trường “Cô Bé Hai”) tôi được biết, trước đó Cố vấn Võ Văn Kiệt đã lặn lội vào đây (không có đường xe hơi), ăn cơm cá lóc nướng trui với những người khai hoang.

Như bất cứ nhà hoạt động chính trị có tầm cỡ nào, chú Võ Văn Kiệt quan tâm đến việc tập hợp những người làm thông tin đại chúng, thu hút, thuyết phục họ, hướng ngòi bút của đội ngũ này vào những đề tài nóng bỏng, có tính sống còn của cuộc sống đất nước, để những thông tin từ họ phát đi, phù hợp với lợi ích của đất nước trong hiện tại và cả những lợi ích trong tương lai mà người lãnh đạo sáng suốt sớm nhìn ra….  

Và chính tác giả Võ Văn Kiệt là một nhà báo xuất sắc, là người cầm bút đứng giữa dòng chảy của cuộc sống để viết lên những tác phẩm báo chí có sức lay động lòng người như bạn đọc cả nước đã thấy. Theo tôi thì chưa bao giờ chú là một “cán bộ lão thành” cả, lúc nào con người này cũng trẻ trung tràn đầy nhựa sống.  

LÊ PHÚ KHẢI

Tin cùng chuyên mục