Kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20-8-1888 – 20-8-2008): “Sung sướng nhất đời tôi là làm thợ Ba Son và hoạt động cách mạng”

Kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20-8-1888 – 20-8-2008): “Sung sướng nhất đời tôi là làm thợ Ba Son và hoạt động cách mạng”

Tháng 6 năm 1952, khi được bảo vệ, phục vụ đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, dẫn đoàn ra Việt Bắc để báo cáo tình hình miền Nam với Trung ương và Bác Hồ, đoàn chúng tôi được gặp Bác Hồ và Bác Tôn. Sau này, khi hòa bình lập lại, trên đất Bắc tôi lại có dịp mừng sinh nhật Bác Tôn 72 tuổi tại Hà Nội ngày 20-8-1960. Nhưng sâu đậm và đáng nhớ là sau chiến thắng 30-4-1975, Bác Tôn mấy lần vào Sài Gòn, nghỉ lại nhà khách T78. Sáng sớm một ngày đẹp trời, tôi đến nhà nghỉ nơi Bác Tôn ở, Bác nói với tôi: “Tôi sung sướng và cảm thấy như mình trẻ lại”. Không biết Bác Tôn thức giấc từ lúc nào, Bác đã tập thể dục xong.

Kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20-8-1888 – 20-8-2008): “Sung sướng nhất đời tôi là làm thợ Ba Son và hoạt động cách mạng” ảnh 1

Chủ tịch Tôn Đức Thắng (ảnh chụp năm 1970).

Mới một hai ngày, mà cứ tưởng Bác ở đây đã lâu, Bác vận động thân thể và tự làm cho mình các việc cá nhân đã thành thói quen hàng ngày. Có điều hôm nay tôi cảm thấy Bác như đang nôn nao bồi hồi. Bác rất vui và như trẻ lại. Chốc chốc Bác lại coi đồng hồ. Tôi thầm nghĩ: “Bác đang chờ đợi cái giờ phút mà Bác đang hằng mong đợi bấy lâu nay đến với Bác...”. Rồi Bác lại nhìn đồng hồ, như nhắc nhở chúng tôi, chú ý đến thời gian và bảo đảm thực hiện tốt mọi việc chuẩn bị để Bác về thăm lại Ba Son. Mấy ngày nay, anh Ba Lê Duẩn, anh Mười Cúc đã từng dặn dò chu đáo, Bác Tôn cũng bảo chúng tôi chuẩn bị đơn giản, không ồn ào, không làm tốn kém thời gian, công sức của cơ sở. Phải thực hiện theo lời Bác thế nào? Sao vẫn có gì đó làm tôi hết sức trân trọng và cảm động.

Đã gần 50 năm xa cách, nay Bác mới có dịp về thăm lại Ba Son, nơi Bác đã từng sống làm việc và hoạt động cách mạng. Bác đã từng nói: “Sung sướng nhất đời tôi là làm người thợ Ba Son và hoạt động cách mạng”. Tôi không những chia sẻ tình cảm đó của Bác, mà chính tôi cũng bồn chồn, rạo rực vì hôm nay mình cũng được vinh dự đi cùng với Bác. Đây là lần đầu tiên tôi đến Ba Son, một cơ sở công nghiệp ra đời sớm nhất ở nước ta, là cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam.

Nhớ lại giữa năm 1952, đoàn đồng chí Lê Duẩn từ miền Đông Nam bộ ra chiến khu Việt Bắc đến Văn phòng Trung ương Đảng đúng ngày 20-11-1952. Đoàn chúng tôi - những đứa con Nam bộ, sau thời gian vượt Trường Sơn ra đến Việt Bắc, vinh dự được gặp Bác Hồ và Bác Tôn. Bác Hồ đã dành riêng thời gian gặp đoàn chúng tôi và trong cuộc gặp đó, Bác ân cần bảo: “Các cháu đến chào và gặp Bác Hai của các cháu đi” - (tức Bác Tôn Đức Thắng).

Thật là vô cùng sung sướng và hạnh phúc, đoàn chúng tôi được gặp Bác Hồ và gặp cả Bác Tôn, một cuộc gặp có một không hai này đã gây ấn tượng chúng tôi nhớ đến bây giờ. Chúng tôi xúm xít vây quanh Bác Tôn, dưới ánh mắt lấp lánh niềm vui của Bác Hồ. Thật gần gũi biết bao khi nghe Bác Tôn giới thiệu mình là “thợ Ba Son”. Ngồi bên Bác Tôn, chúng tôi ngước lên nhìn Bác với tất cả tấm lòng tôn kính, yêu mến và ngưỡng mộ. Bác Tôn đã bước qua tuổi sáu mươi tư, người gầy, má hóp, tóc đã bạc..., nhưng tinh thần rất phấn chấn thoải mái, thái độ chân tình mộc mạc. Bác bảo chúng tôi, các cháu ra đây, thời tiết thay đổi bất thường, không như thời tiết ở Nam bộ, phải giữ gìn sức khỏe để làm nhiệm vụ và học tập thật tốt. Đến khi nước nhà độc lập, Bác cháu ta cùng về làm việc tại Ba Son. Lúc bấy giờ, mỗi chúng tôi có ai biết Ba Son như thế nào đâu? Nhưng ai cũng tin là đất nước sẽ độc lập và lời Bác Tôn sẽ thành sự thật.

Nay thì sự thật đó đã đến rồi, đúng vào sáng hôm nay, ngày 19-1l-1975, không bao lâu sau khi Sài Gòn giải phóng, chúng tôi được thực hiện lời Bác Tôn năm nào. Bác về với Ba Son không phải với danh nghĩa người thợ, mà là Chủ tịch nước, nhưng Người vẫn coi mình là thợ Ba Son. Bác nói: “Sung sướng nhất đời tôi là được làm thợ Ba Son và hoạt động cách mạng”.

Bác về thăm lại Ba Son, mang nặng tình cảm người lãnh tụ giai cấp công nhân, xuất thân từ công nhân Ba Son, vừa như người ông, người cha bao nhiêu năm xa cách, nay có dịp về sum họp đông đủ với con cháu cùng giai cấp công nhân. Hôm ấy, nhiều cán bộ công nhân lớn tuổi chào đón Bác. Bác Tôn thì mừng rỡ, nhưng cũng có nhiều người xúc động, khóc. Đó cũng là kết quả của mấy mươi năm công nhân Ba Son cùng chung vai với quân dân cả nước chống lại kẻ thù. Bác đã dành nhiều thời gian đi lại, nhìn tận mắt từng dãy nhà, góc xưởng, ụ cầu tàu. Khi đến xưởng cơ khí, Bác kể: “Khi Bác còn làm thợ ở đây, nơi này là bãi đất ướt, chỉ có vài thanh sắt với vải bạt che tạm, nắng cũng như mưa, anh em thợ phải đứng gò lưng làm việc suốt ngày”.

Tôi càng nghĩ càng thương Bác, người đã trên sáu mươi năm hoạt động cách mạng, với mười bảy năm bị tù đày khổ sai, nếm đủ mọi cực hình dã man, nhất là tại nhà tù Côn Đảo. Giờ tuổi Bác đã cao, sức yếu... Lúc đó, tôi cũng như các đồng chí công tác tại Ba Son, không ai nghĩ đây là lần cuối cùng Bác về thăm nơi này. Rồi Bác Tôn đi xa, may mắn và hạnh phúc biết dường nào khi lần ấy Bác Tôn đã ghi vào sổ vàng của Ba Son còn lưu lại đến nay, với tất cả tấm lòng của mình: “Sau nửa thế kỷ xa cách, hôm nay có dịp về thăm Xí nghiệp Ba Son, nơi trước đây làm thợ và hoạt động cách mạng, tôi sung sướng và cảm thấy mình trẻ lại. Công nhân và cán bộ Ba Son hãy phát huy vai trò làm chủ nhà máy của giai cấp công nhân, ra sức khắc phục mọi khó khăn, hăng hái thi đua sản xuất, thực hành tiết kiệm... góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Tôi nghĩ đó là những lời vàng ngọc của Bác Tôn để lại cho giai cấp công nhân Việt Nam.

Bác Tôn là tổng hợp của chất hài hòa Nam bộ, chất kiên cường của tài năng sáng tạo Việt Nam, chất cách mạng của người yêu nước. Cuộc đời Bác Tôn là bài học lớn về chủ nghĩa nhân đạo cộng sản, thương dân, gần gũi dân, tin dân và luôn phấn đấu vì hạnh phúc của nhân dân.

Nguyễn Văn Hoành (Nguyên Phó Cục trưởng
Cơ quan T78 thuộc Văn phòng Trung ương Đảng)

Tin cùng chuyên mục