Buổi bình minh ở khu căn cứ lõm

LTS:
Buổi bình minh ở khu căn cứ lõm

LTS: Chiến thắng 30-4-1975 đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một mốc son chói lọi. Những câu chuyện về những tháng năm gian khổ chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy ấy cho đến nay vẫn khiến những người trong cuộc bồi hồi mỗi khi nhắc lại, dù đã 34 năm qua. Đại quân giải phóng tiến vào Sài Gòn trong khí thế cờ mặt trận bay khắp phố phường với hàng ngàn người Sài Gòn hân hoan đón chào trên khắp các nẻo phố. Trong niềm vui òa vỡ ấy, có nhiều chuyện cảm động bây giờ mới kể ở khu căn cứ lõm – ngã tư Bảy Hiền...

Anh Hai Nhựt (hiện là Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải) và đồng đội cũ nhớ lại kỷ niệm về lễ mít tinh 1-5-1975. Ảnh: P.TH.
Anh Hai Nhựt (hiện là Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải) và đồng đội cũ nhớ lại kỷ niệm về lễ mít tinh 1-5-1975. Ảnh: P.TH.

Lòng dân khu căn cứ lõm

Khu ngã tư Bảy Hiền chỉ rộng khoảng 1km² nằm lọt thỏm trong vòng vây dày đặc các căn cứ quân sự của Mỹ và chính quyền Sài Gòn gồm: trại Hoàng Hoa Thám, Tiểu đoàn 3 lính dù, Cuộc Cảnh sát Quốc gia Tân Sơn Hòa, đồn nghĩa quân ở Bàu Cát và Hãng RMK (Mỹ).

Từ cuối tháng 3-1975, nhiều cán bộ cơ sở cách mạng tại khu Bảy Hiền đã được về căn cứ ở Tam Hiệp, Châu Thành, Tiền Giang để học tập và tiếp thu sự chỉ đạo về cuộc tổng tiến công và nổi dậy. Qua đó, các cơ sở bí mật và quần chúng cốt cán đều tập trung chuẩn bị cho ngày nổi dậy.

Công việc chuẩn bị tập trung chủ yếu là vận động quần chúng giành chính quyền khi thời cơ đến, chuẩn bị lương thực, thuốc men... để có thể chiến đấu nhiều ngày với quân địch và tập trung nhất là chuẩn bị cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGPMNVN).

Vải cần để may cờ phải 3 màu và được mua nhiều nơi để qua mắt địch, màu xanh mua ở Chợ Lớn, màu đỏ mua tại chợ Ông Tạ, màu vàng mua ở Sài Gòn… Rồi từ đó, hàng đêm cờ MTDTGPMNVN được may liên tục nhiều nơi giữa khu phố Bảy Hiền.

Không chỉ cơ sở cách mạng mà còn có cả người nhà của quân nhân chế độ cũ cũng tham gia may cờ. Lá cờ to nhất mà nhóm anh Ba Lớn kéo trên Bệnh viện Vì Dân (nay là Bệnh viện Thống Nhất) là do vợ của một quân cảnh chế độ Sài Gòn nhận may. Những ngày tháng tư ấy, Bảy Hiền sục sôi như đang ở giữa vùng giải phóng, dù đồn bót vẫn vây quanh.

Ngày 25-4-1975, anh Hai Nhựt là Ủy viên Ban Cán sự quận Phú Tân Sơn (hiện là Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải) từ vùng căn cứ khẩn trương cùng đồng đội theo cánh A di chuyển vào thành phố. Trong căn cứ lõm Bảy Hiền, cơ sở của các đơn vị: quận Phú Tân Sơn, phụ vận, công vận, tuyên huấn đều tập trung lực lượng để chuẩn bị khởi nghĩa và đón đoàn quân giải phóng.

Ngày 29-4-1975, lực lượng ta trong căn cứ lõm bước vào cuộc chiến bằng tinh thần hăng hái với khí thế cách mạng nhất. Sinh hoạt trong khu vực ngã tư Bảy Hiền vẫn có vẻ ngoài bình thản, nhưng trong lòng mỗi người đều đang rất phấn khích cho một “bình minh mới” trên quê hương.

Sáng sớm 30-4-1975, lực lượng cách mạng tại chỗ đã tập trung kéo đến chiếm trụ sở ấp Chí Hòa 2 (khu Bảy Hiền). Lực lượng cách mạng đã tịch thu vũ khí của địch và phân phát cho lực lượng tự vệ của ta. Một số anh chị khác kéo cờ MTDTGPMNVN tại trụ sở ấp. Lực lượng lính dù của địch đóng bên Bệnh viện Vì Dân cách đó 300m đã tập trung hỏa lực bắn vào đội ngũ của ta.

Anh Nguyễn Văn Hồng (đoàn viên Đoàn công tác xã hội Gia Định) và anh Minh Chánh (Đoàn thanh niên Phật tử) là hai cơ sở cách mạng của ta đã anh dũng hy sinh vào những giờ phút cuối cùng của ngày Sài Gòn được giải phóng. Đến 8 giờ sáng, lực lượng cách mạng tại chỗ đã giành được chính quyền, nhân dân Bảy Hiền đã làm chủ toàn khu phố, cờ MTDTGPMNVN che kín các ngả đường. Bọn địch từ ngoài hoảng sợ không dám tấn công vào.

Gần trưa 30-4, quân giải phóng vào khu ngã tư Bảy Hiền mà không gặp bất kỳ sự kháng cự nào bởi lực lượng tại chỗ đã làm chủ tình hình từ trước đó.

Buổi bình minh

Khoảng 15 giờ ngày 30-4, lực lượng của anh Hai Nhựt, anh Tư Vũ (Nguyễn Thế Thông) và các đồng chí khác đã về đến Bảy Hiền. Nơi đây bà con đã tập trung rất đông để chào đón những đứa con giải phóng. Bữa mì Quảng mà bà con đãi các anh hôm ấy bây giờ nhớ lại anh Hai Nhựt vẫn cho rằng đó là tô mì rất ngon và cảm động nhất vì tình cảm và tấm lòng của đồng bào dành cho cán bộ cách mạng không thể nào lột tả hết trong những giờ phút ấy!

Tại trụ sở tạm đặt ở xưởng hồ nhuộm Phạm Sanh trên đường Hồ Tấn Đức (nay là đường Võ Thành Trang), anh Hai Nhựt triển khai ngay kế hoạch tổ chức lại lực lượng, giữ vững an ninh trật tự và khẩn trương chuẩn bị xây dựng chính quyền cách mạng.

Khoảng 10 giờ đêm hôm đó, một cuộc họp dã chiến, chớp nhoáng được triệu tập, anh Hai Nhựt chỉ đạo: “Chúng ta phải tập trung mọi sức lực, chỉ đạo quyết liệt nhất để tổ chức cho được cuộc mít tinh mừng Chiến thắng 30-4 và mừng ngày Quốc tế Lao động 1-5 ngay vào sáng mai”.

Ngoài lực lượng của quận Phú Tân Sơn với các anh Hai An (Lâm Văn Tiếp), Ba Lớn (Võ Chí Thanh), Tư Vũ... còn có sự phối hợp của các cơ sở khác như lực lượng tuyên huấn, phụ vận, Thành đoàn… Tất cả đều tập trung sức để chuẩn bị cho cuộc mít tinh.

Chỉ trong mấy tiếng đồng hồ chuẩn bị, sáng 1-5 giữa bãi đất trống của Hãng RMK đã có hàng ngàn người tập trung với rợp màu cờ và ảnh Bác Hồ. Chỉ trong một đêm mà bà con đã vẽ xong nhiều tấm ảnh Bác Hồ bằng sơn dầu rất đẹp, có những bức ảnh (1 x 2m) và hàng trăm lá cờ được may mới, hàng chục khẩu hiệu đỏ rực với nội dung “Tinh thần ngày chiến thắng 30 tháng 4 bất diệt”, “Hồ Chí Minh muôn năm”, “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “Tinh thần Quốc tế Lao động ngày 1 tháng 5 bất diệt”...

6 giờ sáng. Những con đường của ngã tư Bảy Hiền bừng sáng trong ảnh Bác Hồ và rừng cờ rợp trời trong những tiếng hò reo vang dội. Cuộc mít tinh biến thành cuộc diễu hành mừng chiến thắng.

Theo dự kiến ban đầu của anh Hai Nhựt, đoàn diễu hành đi từ ngã tư Bảy Hiền đến ngã ba Ông Tạ thì kết thúc, nhưng càng đi bà con tham gia càng nhiều và cứ thế đoạn đường diễu hành càng dài thêm. Đoàn diễu hành đông đến hàng chục ngàn người vẫn kéo đi trong trật tự với tiếng hô vang dội phố phường và cuộc diễu hành đi đến ngã sáu Sài Gòn mới kết thúc.

Đây là cuộc diễu hành quần chúng mừng Chiến thắng 30-4 có đông người tham gia và sớm nhất tại thành phố Sài Gòn ngay sau ngày được giải phóng.

“Ngày 30-4 là ngày vui lớn, chấm dứt những đêm dài nô lệ trong chế độ thống trị của thực dân đế quốc, thu giang sơn về một mối. 34 năm đã đi qua, hôm nay ngồi ôn lại kỷ niệm những ngày đầu tiếp quản và xây dựng chính quyền - với trăm ngàn công việc..., thật là dấu ấn sâu sắc không thể nào quên trong cuộc đời làm cách mạng của mỗi người. Những ngày ấy thật vất vả nhưng cũng thật hạnh phúc bởi sự ấm áp từ tấm lòng nhân dân khu ngã tư Bảy Hiền nói riêng và đồng bào thành phố nói chung. Từ việc này, cho chúng ta bài học - tất cả mọi việc nếu dựa vào sức dân thì sẽ thành công. Bài học lấy dân làm gốc là bài học không bao giờ cũ” - anh Hai Nhựt nói khi chia tay chúng tôi.  

PHẠM THỤC

Tin cùng chuyên mục