Mít tinh kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 124 năm ngày Quốc tế Lao động: TPHCM luôn vì sự phát triển bền vững của đất nước

Tối cùng ngày,
Mít tinh kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 124 năm ngày Quốc tế Lao động: TPHCM luôn vì sự phát triển bền vững của đất nước

* TPHCM được tặng Huân chương Sao vàng (lần 2)

(SGGP).- Sáng 30-4, tại Quảng trường Dinh Thống Nhất, Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ TPHCM phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân khu 7 long trọng tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm 35 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2010) và 124 năm ngày Quốc tế Lao động (1-5-1886 - 1-5-2010).

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao tặng TPHCM Huân chương Sao vàng (lần 2). Ảnh: VIỆT DŨNG

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao tặng TPHCM Huân chương Sao vàng (lần 2). Ảnh: VIỆT DŨNG

Tham dự lễ mít tinh có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước: Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang, các Phó Thủ tướng  Trương Vĩnh Trọng và Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh, Bí thư Thành ủy TP Hà Nội Phạm Quang Nghị.
Đến tham dự còn có các đồng chí lão thành cách mạng, mẹ Việt Nam anh hùng, đại diện các quân đoàn, binh chủng từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, lãnh đạo các bộ, ban ngành, đoàn thể Trung ương, các đồng chí nguyên lãnh đạo Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam…
Tham dự lễ kỷ niệm còn có đoàn đại biểu các nước Cuba, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Liên bang Nga, Nhật Bản… Về phía TPHCM và Quân khu 7 tham dự có các đồng chí: Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải, Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBMTTQ  TPHCM Dương Quan Hà; Trung tướng Nguyễn Thành Cung, Chính ủy Quân khu 7, cùng lãnh đạo các sở ngành, quận-huyện, chiến sĩ, đại diện các giới đồng bào, người Việt Nam ở nước ngoài và đông đảo tầng lớp nhân dân TP.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gặp gỡ người dân TP trong lễ mít tinh kỷ niệm 35 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: V.Dũng

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gặp gỡ người dân TP trong lễ mít tinh kỷ niệm 35 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: V.Dũng

Các đồng chí Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, nguyên Chủ tịch nước Võ Chí Công, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đã gửi lẵng hoa chúc mừng.

Đọc diễn văn tại buổi lễ, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải ôn lại những chặng đường đấu tranh anh dũng, gian khổ của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, bè lũ tay sai để đi đến thắng lợi hoàn toàn, thống nhất đất nước ngày 30-4-1975. Đồng chí đã điểm lại quá trình 35 năm xây dựng và phát triển TPHCM với một ý chí và quyết tâm cao của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân TP. Trong mọi khó khăn, thử thách, Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân TP luôn năng động, đoàn kết một lòng vì sự phát triển vững bền của đất nước, vì một TP văn minh, hiện đại và chủ nghĩa xã hội. Tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thay mặt Đảng và Nhà nước trao tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM Huân chương Sao vàng (lần 2) vì đã có công lao to lớn đặc biệt xuất sắc, đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc.

>> Bài phát biểu của Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải

Biểu diễn nghệ thuật tại lễ kỷ niệm. Ảnh: VIỆT DŨNG

Biểu diễn nghệ thuật tại lễ kỷ niệm. Ảnh: VIỆT DŨNG

Tại buổi lễ, Trung tướng Lê Thành Tâm, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TPHCM phát biểu khẳng định lòng trung thành vô hạn của những cựu chiến binh, anh bộ đội Cụ Hồ với Tổ quốc, với dân tộc trong cuộc trường chinh giải phóng dân tộc hôm qua và trong xây dựng phát triển đất nước hôm nay. Thay mặt giai cấp công nhân lao động TP, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM Nguyễn Huy Cận phát biểu bày tỏ niềm tin sắt đá của giai cấp công nhân TP nguyện một lòng theo Đảng, xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh theo con đường chủ nghĩa xã hội.

Bí thư Thành đoàn Nguyễn Văn Hiếu đại diện thế hệ trẻ TP hứa sẽ luôn luôn noi gương lớp người đi trước để quyết tâm phấn đấu trở thành lực lượng đi đầu trong học tập và rèn luyện đạo đức tác phong, chủ động đảm nhận những công trình lớn của đất nước, xung kích tình nguyện xây dựng TP trở thành TP XHCN văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Tiếp theo buổi lễ là phần diễu binh, diễu hành biểu dương khí thế cách mạng của các lực lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân TP, các ngành, các đơn vị, doanh nghiệp… đã không ngừng lớn mạnh trong 35 năm qua.

>> Đông đảo cựu chiến binh, chức sắc tôn giáo, các tầng lớp đồng bào, trí thức, sinh viên, thanh niên và thiếu nhi thành phố tại lễ kỷ niệm. 
Cả gia đình cùng tham dự lễ kỷ niệm. Ảnh: THÁI BẰNG

Cả gia đình cùng tham dự lễ kỷ niệm. Ảnh: THÁI BẰNG

Các đại biểu Phật giáo tại lễ mít tinh.

Các đại biểu Phật giáo tại lễ mít tinh.

Diễu hành mừng chiến thắng.

Diễu hành mừng chiến thắng.

Diễu hành tại lễ mít tinh.

Diễu hành tại lễ mít tinh.

Nụ cười rạng ngời của thiếu nhi TP trong ngày 30-4-2010.

Nụ cười rạng ngời của thiếu nhi TP trong ngày 30-4-2010.

Các nhà báo tác nghiệp (ảnh nhỏ: nhà báo Nick Út).

Các nhà báo tác nghiệp (ảnh nhỏ: nhà báo Nick Út).

Tối cùng ngày, tại Khu di tích đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, tỉnh Quảng Trị đã diễn ra chương trình nghệ thuật đặc sắc mang tên “Bài ca thống nhất” - điểm nhấn của “Lễ hội thống nhất non sông”. Chương trình được xây dựng theo hình thức bán sử thi bằng ngôn ngữ và hình tượng nghệ thuật tổng hợp của các loại hình ca, múa, nhạc và hình ảnh phim tư liệu. Tất cả được kết nối liền mạch với 3 chương: Nỗi đau chia cắt, Đường giải phóng và Bài ca thống nhất.

V.Thắng

Ngạc nhiên trước sự đổi thay quá lớn

Từ hơn 3 giờ sáng, dòng người từ khắp nơi đã đổ về các tuyến đường xung quanh Dinh Thống Nhất để xếp thành các đội hình diễu hành. Đội hình những cựu chiến binh thu hút sự chú ý của nhiều người nhất bởi trên ngực và sắc áo của những người lính năm xưa lấp lánh những tấm huân, huy chương. Trong số họ, nhiều người đã từng có mặt trong đoàn quân tiến vào giải phóng Sài Gòn của 35 năm về trước.

Nhưng có lẽ đông nhất trong hàng chục ngàn người có mặt trong buổi lễ trọng đại này là đội hình những người trẻ tuổi, lực lượng tiên phong trong công cuộc xây dựng và bảo vệ TP hôm nay.

Cô sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Đinh Thị Hoa với bộ bà ba đen, khăn rằn quấn cổ trong đội hình quần chúng tái hiện lại không khí nổi dậy của nhân dân Sài Gòn - Gia Định, vui vẻ nói: “Ba mẹ tôi đều tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Là thế hệ lớn lên trong hòa bình, chúng tôi thấu hiểu ý nghĩa của ngày chiến thắng 30-4-1975”.

Còn ông Nguyễn Thế Hùng đã vượt gần 2.000km từ Nam Định đến TPHCM từ 2 ngày trước để tham gia các hoạt động kỷ niệm. Ông cho biết, đây là lần đầu tiên ông trở lại Sài Gòn và vô cùng ngạc nhiên trước sự đổi thay quá lớn. 35 năm trước, cũng vào ngày này, ông có mặt trong đội hình của Quân đoàn 2 từ phía Đông tiến vào giải phóng Sài Gòn.

“Đồng đội tôi ngày đó, người còn người mất. Nhưng ký ức về những trận đánh ác liệt ở Xuân Lộc, Hố Nai, cầu Sài Gòn thì tôi còn nhớ mãi”, ông Hùng bùi ngùi nhớ lại.

Lễ hội kỷ niệm ngày chiến thắng năm nay có gần 100 nhà báo đến từ 42 hãng thông tấn của 12 nước trên thế giới đến đưa tin. Trong số đó, có nhà báo Tim Tage, phóng viên của Hãng AP - người từng có mặt ở hầu hết các chiến trường ác liệt tại Việt Nam. Ông nói: “Tôi luôn yêu mến Việt Nam vì ở đó đã lưu giữ một phần sự nghiệp và cuộc đời của tôi”.

Nhà báo Nick Út (Huỳnh Công Út), phóng viên Hãng thông tấn AP - người chụp bức ảnh Nguyễn Kim Phúc bị cháy do bom napalm gây xúc động khắp thế giới, cũng đã có mặt tại lễ kỷ niệm. Ông nói: “Đây là lần trở về đặc biệt nhất đối với tôi vì đã được gặp nhiều phóng viên chiến trường của các nước trên thế giới có mặt trong cuộc chiến tranh hơn 35 năm trước. Họ là những phóng viên đã từng quay phim, chụp ảnh, viết báo về cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Nhiều người hiện nay đã bước sang tuổi 70, 80 nhưng ai nấy đều rất có cảm tình và yêu mến Việt Nam. Chúng tôi thường nói đùa với nhau, đến dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng Sài Gòn chắc trong chúng tôi sẽ chẳng mấy ai còn sống.

Tại buổi lễ trọng đại hôm nay, tôi muốn chụp thật nhiều những tấm ảnh sống động, vui tươi của đồng bào TPHCM để giới thiệu ra thế giới về một nước Việt Nam đang trên đà hội nhập và phát triển mạnh mẽ. Tôi cũng có dịp tiếp xúc nhiều thế hệ cựu chiến binh Việt Nam hiện còn sống tại nhiều địa phương. Tôi rất ấn tượng về họ, nhất là những cựu chiến binh đã đi qua con đường Hồ Chí Minh huyền thoại để giải phóng dân tộc. Gặp lại họ, tôi càng khâm phục sự hy sinh quả cảm của họ cho nền độc lập của Việt Nam hôm nay”.

Trên các tuyến đường ở trung tâm TP, mặc cho cái nắng nóng đổ lửa của những ngày cuối tháng tư, dòng người và du khách vẫn không ngớt đổ ra đường reo hò và tận hưởng cái không khí tưng bừng, cờ hoa rợp trời như cách đây 35 năm.

Minh Đức

Clip buổi lễ Mít tinh kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 124 năm ngày Quốc tế Lao động: TPHCM luôn vì sự phát triển bền vững của đất nước ảnh 13mit tinh. Nguồn: VTV

Hoài Nam
Ảnh: T.Bằng -  V.Dũng - Tr.Nghi

Thông tin liên quan

>> Tại lễ mít tinh kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Vượt qua khác biệt, chung lòng xây dựng Tổ quốc

Tin cùng chuyên mục