Khi đề cử bí thư không nằm trong quy hoạch chức danh bí thư

Hỏi:

° Hỏi: Vừa qua, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã chọn 10 Đảng bộ quận, huyện và Đảng bộ cấp trên cơ sở tại TPHCM để tổ chức thí điểm đại hội bầu trực tiếp bí thư cấp ủy nhiệm kỳ 2010-2015. Vậy bầu trực tiếp có gì khác so với bầu gián tiếp, nếu nhân sự đại hội đề cử khác với phương án nhân sự đã được cấp ủy cấp trên trực tiếp đồng ý mà nhân sự này lại không nằm trong quy hoạch chức danh bí thư cấp ủy khóa 2010-2015 thì giải quyết ra sao? (Nguyễn Trung Thành, quận 7)

° Đáp: Theo Hướng dẫn 34-HD/BTCTƯ của Ban Tổ chức Trung ương, sau khi đại hội bầu và công bố kết quả bầu cử BCH Đảng bộ mới, đoàn chủ tịch đại hội tổ chức lấy ý kiến bằng phiếu của đại biểu dự đại hội giới thiệu nhân sự bí thư cấp ủy trong số các đồng chí vừa trúng cử vào BCH khóa mới. Sau khi có kết quả kiểm phiếu, cấp ủy khóa mới họp, tiếp thu ý kiến cấp trên về nhân sự bí thư cấp ủy, nghiên cứu danh sách cán bộ được quy hoạch chức danh bí thư và phương án nhân sự bí thư khóa mới rồi tiến hành thảo luận, giới thiệu bí thư cấp ủy (bằng phiếu kín).

Trong phần ứng cử, đề cử chức danh bí thư tại các đoàn đại biểu đại hội, đại diện cấp ủy khóa mới thông báo với đoàn đại biểu một số nội dung để các đại biểu tham khảo như: Ý kiến cấp ủy cấp trên trực tiếp về phương án nhân sự, kết quả giới thiệu của các đoàn đại biểu, phương án nhân sự do cấp ủy khóa mới giới thiệu. Sau đó, các đại biểu trong đoàn trao đổi ý kiến và tiến hành đề cử, ứng cử. Đoàn chủ tịch tập hợp danh sách ứng cử, đề cử từ các đoàn đại biểu, thông báo kết quả với cấp ủy khóa mới.

Đến phần đại hội tiến hành bầu bí thư cấp ủy, tùy từng trường hợp mà xử lý. Trường hợp danh sách đề cử, ứng cử chức danh bí thư cấp ủy của đại hội Đảng bộ quận - huyện và cấp trên cơ sở đúng với phương án đã được cấp ủy cấp trên trực tiếp đồng ý hoặc trường hợp đa số đại biểu dự đại hội (trên 50% tổng số đại biểu được triệu tập) đề cử nhân sự khác với phương án nhân sự đã được cấp ủy cấp trên trực tiếp đồng ý nhưng nhân sự này nằm trong quy hoạch chức danh bí thư cấp ủy khóa mới thì đại hội tiến hành bầu bí thư cấp ủy mà không cần xin phép cấp trên.

Nhưng trường hợp đa số đại biểu dự đại hội (trên 50% tổng số đại biểu triệu tập) đề cử nhân sự khác với phương án nhân sự đã được cấp ủy cấp trên trực tiếp đồng ý mà nhân sự này lại không nằm trong quy hoạch chức danh bí thư cấp ủy khóa 2010-2015 thì cấp ủy khóa mới họp, biểu quyết bằng phiếu kín. Nếu đa số cấp ủy khóa mới vẫn không đồng ý với nhân sự đại hội giới thiệu thì báo cáo cấp trên trực tiếp.

Khi đại hội tiến hành bầu cử, trường hợp lần thứ nhất bầu không có ai trúng cử thì đại hội thảo luận, tạo sự thống nhất trước khi bầu lần 2. Nếu bầu lần 2 vẫn không có đồng chí nào trúng cử chức bí thư Đảng bộ thì việc đại hội có bầu tiếp hay giao lại cho ban chấp hành khóa mới tổ chức bầu bí thư theo quy chế bầu cử trong Đảng là do đại hội quyết định.

Để tổ chức thành công, Ban Chỉ đạo Đại hội Đảng của Thành ủy TPHCM cho biết, đây là chủ trương mới, cần có sự chuẩn bị và tổ chức thực hiện chu đáo, thận trọng. Cấp ủy Đảng ở 10 đơn vị cần lãnh đạo tốt công tác tư tưởng, tạo sự thống nhất nhận thức trong cán bộ, đảng viên. Dự kiến trong tháng 7-2010, tất cả 10 Đảng bộ quận - huyện và Đảng bộ cấp trên cơ sở ở TPHCM sẽ tiến hành thí điểm đại hội bầu trực tiếp bí thư cấp ủy nhiệm kỳ 2010-2015.

TUẤN SƠN (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục