Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thi hành án hình sự: Áp dụng hình thức xử bắn tự động?

Sáng nay, 24-5, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Thu Ba trình bày trước Quốc hội (QH) Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thi hành án hình sự. Dự án luật này đã được QH cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 6, dự kiến sẽ xem xét và chính thức thông qua vào cuối kỳ họp này.

(SGGPO).- Sáng nay, 24-5, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Thu Ba trình bày trước Quốc hội (QH) Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thi hành án hình sự. Dự án luật này đã được QH cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 6, dự kiến sẽ xem xét và chính thức thông qua vào cuối kỳ họp này.

Hình thức thi hành án (THA) tử hình tiếp tục là một nội dung nhận được sự quan tâm, góp ý của ĐBQH. Đa số ý kiến phát biểu thiên về hình thức thi hành hình phạt tử hình bằng cách tiêm thuốc độc. Đại biểu (ĐB) Nguyễn Hữu Nhơn (Đồng Tháp) đề nghị quy định thêm hình thức tử hình bằng ghế điện và cho phép tử tù được quyền lựa chọn 1 trong 2 hình thức: tiêm thuốc độc hoặc dùng ghế điện.

Tuy nhiên, ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) lại cho rằng, nên duy trì hình thức xử bắn, để đảm bảo tính răn đe cao. ĐB nêu vấn đề: “Tại sao chúng ta không xây dựng trường bắn chung, không nhất thiết địa phương nào cũng phải dành đất cho mục đích này? Còn để giải tỏa tâm lý cho đội ngũ thi hành án thì có thể áp dụng hình thức bắn tự động. Các nước đã áp dụng thành công hình thức này”. Ông Thường cũng đề nghị dự thảo Luật cụ thể hóa trách nhiệm của những cơ quan, cán bộ có liên quan đến THA tử hình với thời hạn rõ ràng để tránh kéo dài thời gian, “đọng” án chưa thi hành được như thời gian qua.

Nâng cao tính giáo dục, răn đe đối với án treo là một ý kiến đáng lưu ý khác. ĐB Lê Văn Hưng (Hưng Yên) chỉ ra rằng, dự thảo luật còn thiếu các hình thức xử lý đối với phạm nhân đang thi hành án treo mà vẫn vi phạm các nghĩa vụ đã nêu trong dự thảo Luật (tuy chưa đến mức phạm tội). “Chế tài phải mạnh mẽ hơn, kể cả đối với phạm nhân vi phạm và cơ quan chịu trách nhiệm quản lý, giám sát họ”, ông Hưng trình bày quan điểm.

Là những cán bộ giàu kinh nghiệm trong ngành Tòa án, các ĐB Trần Văn Độ (An Giang), Lê Thị Nga (Thái Nguyên, Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật của QH) chưa đồng tình với một số quy định trong dự thảo luật về chức năng THA của Tòa án. Hai ĐB trên thống nhất nhận định, chức năng THA, kể cả ra quyết định THA, phải do Tổng cục Thi hành án thuộc Bộ Tư pháp tiến hành.

ĐB Lê Thị Nga và một số ĐB khác còn đề nghị chỉnh lý, bổ sung một số quy định về quyền lợi của người bị phạt tù, đơn cử như chế độ hưởng bảo hiểm xã hội. Theo bà Nga, có những người đã nộp bảo hiểm mấy chục năm nhưng khi đi tù về thì bị cắt hết chế độ bảo hiểm, như vậy không đảm bảo công bằng với họ. 

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục