Quốc hội thảo luận: Chưa nên mở rộng thẩm quyền trọng tài thương mại

Ngày 24-5, thảo luận về dự án Luật Trọng tài thương mại, một số ĐBQH đề nghị nên mở rộng phạm vi thẩm quyền của trọng tài thương mại, không phân biệt tranh chấp thương mại với dân sự, trừ một số tranh chấp liên quan đến các quyền nhân thân, quan hệ hôn nhân và gia đình, thừa kế, phá sản, bất động sản.

(SGGP).- Ngày 24-5, thảo luận về dự án Luật Trọng tài thương mại, một số ĐBQH đề nghị nên mở rộng phạm vi thẩm quyền của trọng tài thương mại, không phân biệt tranh chấp thương mại với dân sự, trừ một số tranh chấp liên quan đến các quyền nhân thân, quan hệ hôn nhân và gia đình, thừa kế, phá sản, bất động sản.

Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Thu Ba, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, khái niệm “hoạt động thương mại” được quy định tại dự thảo luật có phạm vi tương đối rộng, đã khắc phục được hạn chế về phạm vi thẩm quyền quy định trong Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003. Mặt khác, ở nước ta, phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài chưa phổ biến và chưa được nhiều người quan tâm. Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay chưa nên mở rộng phạm vi thẩm quyền của trọng tài giải quyết cả các tranh chấp về dân sự.

Một số ý kiến cũng không đồng tình việc quy định trung tâm trọng tài phải gửi các phán quyết cho Viện KSND, vì giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thuộc hình thức giải quyết tranh chấp bằng tài phán tư. Hoạt động tố tụng của trọng tài không phải là hoạt động tư pháp nên không thuộc phạm vi kiểm sát của Viện KSND.

Cùng ngày, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thi hành án hình sự. Đa số ý kiến phát biểu thiên về hình thức thi hành hình phạt tử hình bằng cách tiêm thuốc độc. ĐB Nguyễn Hữu Nhơn (Đồng Tháp) đề nghị quy định thêm hình thức tử hình bằng ghế điện và cho phép tử tù được quyền lựa chọn 1 trong 2 hình thức: tiêm thuốc độc hoặc dùng ghế điện.

Nhiều đại biểu chưa đồng tình với một số quy định trong dự thảo luật về chức năng THA của tòa án. Bởi chức năng THA, kể cả ra quyết định THA, phải do Tổng cục Thi hành án thuộc Bộ Tư pháp tiến hành. ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) và một số ĐB khác đề nghị chỉnh lý, bổ sung một số quy định về quyền lợi của người bị phạt tù, đơn cử như chế độ hưởng bảo hiểm xã hội. Theo bà Nga, có những người đã nộp bảo hiểm mấy chục năm nhưng khi đi tù về thì bị cắt hết chế độ bảo hiểm, như vậy không công bằng

A.PHƯƠNG - B.MINH

Thông tin liên quan:

>>Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thi hành án hình sự: Áp dụng hình thức xử bắn tự động?

Tin cùng chuyên mục