Quốc hội thảo luận dự án Luật Thuế nhà đất: Chỉ nên đánh thuế với người có nhiều nhà đất

“Bàn thế này giá nhà đất còn tăng”
Quốc hội thảo luận dự án Luật Thuế nhà đất: Chỉ nên đánh thuế với người có nhiều nhà đất

Cân nhắc nhiều khía cạnh và qua lấy ý kiến nhân dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã quyết định chưa quy định về thuế đối với nhà ở trong dự thảo Luật Thuế nhà đất; đồng thời sửa tên dự luật thành Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Tuy nhiên, tại phiên thảo luận hôm qua 25-5, đã có nhiều ý kiến khác nhau của đại biểu Quốc hội xung quanh vấn đề này.

ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) phát biểu tại hội trường. Ảnh: MINH ĐIỀN

ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) phát biểu tại hội trường. Ảnh: MINH ĐIỀN

“Bàn thế này giá nhà đất còn tăng”

Nhiều ĐBQH đồng tình với quan điểm của UBTVQH về việc không đánh thuế đối với nhà ở. Theo ĐB Nguyễn Duy Hữu (Đắc Lắc), qua tiếp xúc cử tri, nhân dân rất đồng tình với chủ trương này.

Một số ĐBQH khác phân tích, khi nền kinh tế chưa ổn định, việc áp dụng thuế nhà ở sẽ tác động đến tâm lý và làm tăng thêm nghĩa vụ tài chính đối với một bộ phận người dân. Tuy nhiên, ĐB Vũ Hồng Anh (Hà Nội) nói nếu chỉ đánh thuế đối với đất để chống đầu cơ là chưa thuyết phục. Hiện nay, tình trạng đầu cơ nhà ở, nhất là chung cư cao tầng đang khá phổ biến. Mặt khác, nếu coi nhà ở là tài sản để so sánh với ô tô, máy bay, tàu thủy… thì không ổn.

“Người dân có thể không có các tiện nghi đó nhưng không thể không có chốn nương thân” - ông Anh nhấn mạnh.

Đáng chú ý nhất là ý kiến tranh luận của ĐB Trần Du Lịch (TPHCM). Ông Lịch nói nếu bây giờ đi từ sân bay Nội Bài về Hà Nội sẽ thấy nhiều biệt thự nguy nga mọc lên dọc đường và rất ít người ở. Theo ông, dự án Luật Thuế nhà đất dự kiến không đánh thuế đối với nhà ở, tưởng như vậy là bảo vệ dân nhưng không phải.

“Luật phải là công cụ tài chính đánh vào những người đầu cơ để bình ổn xã hội. Nếu không làm được điều đó thì các mục tiêu đưa ra không đạt được. Chúng ta không nên đánh thuế đối với những người có một nhà đất, mà phải đánh thuế với những người có nhiều nhà đất”.

Vì thế, ông Trần Du Lịch kiến nghị 3 vấn đề. Thứ nhất, không cần đổi tên dự án luật, chỉ cần điều chỉnh một số điều khoản của Pháp lệnh thuế nhà đất hiện hành. Thứ hai, gác lại việc xây dựng dự án Luật Thuế nhà đất, tập trung điều tra tình trạng sở hữu nhà đất hiện nay. Thứ ba là giám sát tình trạng bỏ đất hoang, chiếm cứ đất đai để khống chế thị trường. Đây chính là nguyên nhân đẩy giá đất ở nước ta lên cao bất thường so với mặt bằng kinh tế và thu nhập của người dân.

Đồng tình với quan điểm này, ĐB Lê Quốc Dung (Thái Bình) phân tích: “Nếu mục tiêu của dự luật chỉ là tăng thu ngân sách thì thu thuế đối với đất là đủ. Nhưng điều chúng ta hướng tới là chống đầu cơ và làm hạ giá đất. Nội hàm của dự luật không thực hiện được điều đó. Chúng ta cần rà soát lại mục tiêu, bám vào đó để xây dựng luật. Đây là đạo luật rất quan trọng. Khi chúng ta bàn ở đây thì giá nhà đất đang “nín thở” chờ để điều tiết. Nhưng nếu bàn như thế này thì giá nhà đất sẽ vẫn tăng”.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết một số vấn đề trong dự luật sẽ được gửi phiếu xin ý kiến ĐBQH để hoàn thiện, trước khi trình Quốc hội thông qua.

Sẽ thu thuế đối với đất lấn chiếm

Dự thảo Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp quy định diện tích đất tính thuế là phần diện tích ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhiều ý kiến ĐBQH cho rằng, việc căn cứ vào diện tích trên giấy chứng nhận để tính thuế là không hợp lý vì hiện tượng lấn, chiếm đất hiện nay là khá phổ biến.

UBTVQH cho rằng, quy định diện tích đất chịu thuế nếu chỉ căn cứ vào diện tích ghi trên giấy chứng nhận là chưa chặt chẽ vì trên thực tế không phải mọi trường hợp diện tích ghi trên giấy chứng nhận đều bằng diện tích thực tế sử dụng. Tình trạng lấn, chiếm đất vẫn đang xảy ra. Nhiều trường hợp diện tích đất lấn, chiếm còn lớn hơn diện tích ghi trong giấy chứng nhận.

Mặt khác, theo quy định của pháp luật hiện hành thì Nhà nước vẫn đang thu thuế đối với toàn bộ diện tích đất sử dụng thực tế mà không phụ thuộc vào việc toàn bộ diện tích đất đó có ghi trong giấy chứng nhận hay không.

Vì vậy, dự luật quy định theo hướng: diện tích đất chịu thuế là diện tích sử dụng thực tế; bổ sung quy định về mức thuế suất riêng (0,15%) đối với đất lấn, chiếm do đây là hành vi bất hợp pháp. Tuy nhiên, luật cũng khẳng định rõ việc thu thuế đối với diện tích đất lấn, chiếm không phải là hình thức công nhận tính hợp pháp của diện tích này.

Bảo Minh

Tin cùng chuyên mục