Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Cuộc lội ngược dòng lịch sử

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Cuộc lội ngược dòng lịch sử

Sáng 30-6, kỷ niệm 95 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1-7-1915 - 1-7-2010), Thành ủy TPHCM đã tổ chức cuộc tọa đàm “Đồng chí Nguyễn Văn Linh với Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TPHCM”. Tham dự có đồng chí Võ Trần Chí, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM, các đồng chí lão thành cách mạng, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, đại diện Thành ủy - HĐND - UBND TPHCM, đại diện lãnh đạo các quận huyện và các tổ chức đoàn thể của TP. Đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM chủ trì tọa đàm.

Lửa thử vàng
 
Ông Lâm Tư Quang, nguyên thành viên Ban Hoa vận TPHCM mang đến tọa đàm câu chuyện về những ngày TPHCM xé rào làm kinh tế: “Năm 1981, khi đồng chí Nguyễn Văn Linh trở về TPHCM làm Bí thư Thành ủy thì kinh tế TP đã xuống đến tận đáy vì không còn tư liệu để sản xuất. Biết tôi có mối quan hệ với một số nhà tư bản người Hoa, anh Mười Cúc phân công tôi đi liên hệ để tìm cách nhập sợi về cứu ngành dệt TP. Bước đầu, chúng tôi nhờ các thương nhân người Hoa mua một số hàng như sợi thuốc lá, sợi dệt, xăng dầu, sau đó đi thu gom các mặt hàng như mực khô, tôm khô, đậu phộng, đồ thêu, sơn mài... để đổi. Giá cả đều tính ra USD và trao đổi bằng hiện vật. Lúc đó, TPHCM là nơi duy nhất của cả nước có USD. Có thể nói, nếu không có sự bảo trợ mạnh tay của lãnh đạo TP mà đứng mũi chịu sào là anh Mười Cúc thì TPHCM khó có thể tháo gỡ được “cơn đói” nguyên liệu sản xuất”.

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Cuộc lội ngược dòng lịch sử ảnh 1

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải trao đổi cùng các đại biểu dự tọa đàm về cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Ảnh: Việt Dũng

Ông Quang kể tiếp: Có sợi, ngành dệt TP khởi sắc, hơn 20.000 công nhân dệt có công ăn việc làm. Đến nước này thì mọi chuyện đã động tới “thiên đình” vì va chạm mạnh với cơ chế bao cấp. Tháng 3-1983, Bộ Tài chính tổ chức một đoàn thanh tra vào TP.

Dư luận ở TP lúc đó xôn xao với thông tin: Chắc chắn sau đợt thanh tra sẽ là cuộc “thay máu” lãnh đạo TP. Lúc đó, tôi đang là giám đốc Công ty Đirecximco - đơn vị bị yêu cầu thanh tra toàn diện. Trước ngày làm việc với đoàn thanh tra, anh Mười Cúc và anh Năm Xuân (đồng chí Mai Chí Thọ - lúc đó là Chủ tịch UBND TP) gọi tôi lên và hỏi:

- Trong ban giám đốc mình có ai tư túi hay làm điều gì sai trái không?

- Tôi xin đảm bảo từ ban giám đốc cho tới cán bộ, nhân viên không ai dám lấy một cây kim, sợi chỉ.

Nghe tới đây, anh Mười quay sang tôi dặn:

- Khi đoàn thanh tra vào, chú phải hết sức bình tĩnh, giữ vững quan điểm và thật sự cầu thị. Phải nói hết được những gì chúng ta đang làm nhưng cũng phải khiêm tốn, biết lắng nghe và đáp ứng hết những yêu cầu của đoàn thanh tra.

Đợt đó, đoàn thanh tra gồm 28 người đã làm việc gần 100 ngày, đi tới tất cả các cơ sở, nhà xưởng, kiểm tra hơn 50 mặt hàng xuất khẩu và tất cả các địa phương trên cả nước có quan hệ làm ăn với TPHCM. Cuối cùng, đoàn thanh tra kết luận: TPHCM có 1 công và 7 sai phạm: Có công trong việc xây dựng cơ sở sản xuất, phát triển phong trào sản xuất. 7 sai phạm còn lại chủ yếu là vi phạm cơ chế bao cấp của nhà nước.

Tuy nhiên, điều đáng nói là đoàn thanh tra không phát hiện ra một tì vết tiêu cực nào. Tinh thần dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm và luôn luôn bình tĩnh đón nhận, xử lý tất cả mọi chuyện là một đức tính mà chúng tôi nhận thấy rất rõ ở anh Mười Cúc”.

Đồng chí Lâm Tư Quang phát biểu tại tọa đàm về cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Ảnh: Việt Dũng

Đồng chí Lâm Tư Quang phát biểu tại tọa đàm về cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Ảnh: Việt Dũng

“Trong cuộc đời mình, tôi chưa từng thấy vị lãnh đạo nào dám lội ngược dòng chính trị, ngược dòng lịch sử - lội ngược mà không chìm như anh Nguyễn Văn Linh” - ông Võ Trần Chí nhận định.

Ông dẫn chứng: Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, đang nằm trong Bộ Chính trị thì đến cuối nhiệm kỳ, anh Linh đã xin rút rồi được phân công trở về làm Bí thư Thành ủy TPHCM vào đúng thời kỳ cam go nhất. Anh đã vực dậy kinh tế TP, trở lại tham gia Bộ Chính trị rồi trở thành Tổng Bí thư. Mọi biến động, thăng trầm trong cuộc đời làm cách mạng, làm chính trị đi ngang qua anh và anh đón nhận tất cả với một thái độ bình thản đến lạ lùng.

“Nhân dân đang nghĩ gì và chúng ta phải làm gì?”
 

Phải hiểu được nỗi đau của dân

Bà Nguyễn Thế Thanh kể: “Sau giải phóng, TPHCM tiến hành cải tạo tư sản. Lúc đó, tôi là phóng viên Báo Phụ nữ nên có nhiệm vụ đi theo đoàn công tác để đưa tin. Một lần, đoàn công tác đến kiểm tra chợ Bến Thành. Ở đó, có một tiểu thương bị phát hiện đang cất giấu 2 cần xé hột vịt. Tôi về tòa soạn, viết ngay một bài báo có tựa đề “Trứng vịt biết nói…”, với nội dung phê phán hành động của người tiểu thương kia.

Mấy ngày sau, gặp tôi, đồng chí Nguyễn Văn Linh nói: “Con đi làm báo, việc đưa tin, viết bài là nhiệm vụ của con phải làm. Nhưng con cũng nên nghĩ rằng 2 cần xé hột vịt đó sẽ chẳng lời lãi được bao nhiêu, mà biết đâu người ta phải làm vậy để nuôi con cái ở nhà. Phải hiểu được nỗi đau của dân. Con viết như vậy cũng không sai nhưng sẽ làm người ta đau lắm!”. Tôi - lúc đó là một nhà báo trẻ mới tròn 23 tuổi - đứng chết lặng. Bài học đó, mãi mãi tôi không thể nào quên.

“Năm 1967, khi đang làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã có một quyết định chấn động: Giải tán trường Đảng và yêu cầu cán bộ giảng viên phải liên hệ với các tỉnh ủy để xin về làm bí thư chi bộ ở các xã”- ông Tô Bửu Giám nhớ lại. Ông kể tiếp: “Lúc đó, tôi đang là ủy viên Ban Tuyên huấn Trung ương Cục và cũng phải chấp hành mệnh lệnh. Anh Mười bảo rằng: Các anh giảng thì hay nhưng chỉ giỏi lý luận mà còn thiếu thực tiễn. Phải trở về trong dân để hiểu dân thì bài giảng mới sinh động. Quả thực, sau khi về làm bí thư chi bộ ở xã tôi mới thấm thía những vất vả của một cán bộ làm công tác ở cơ sở”.
 
Bà Nguyễn Thế Thanh, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin TP chia sẻ: Thời kỳ đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Bí thư Thành ủy, cánh báo chí rất hay được chú Mười gọi lên để hỏi thăm. Không cần họp, chú chỉ cần gọi chúng tôi đến gặp vào đầu buổi sáng, vào cuối giờ trưa hay đến ăn với chú một bữa cơm chiều. Chú cần gặp chúng tôi chỉ để hỏi: Về vấn đề đó, sự việc đó, chủ trương đó, người dân đang nghĩ gì, tụi bay (các phóng viên- PV) nghĩ gì và nếu dân nghĩ như thế thì chúng ta phải làm gì? Đó là câu hỏi thường trực mà đồng chí Nguyễn Văn Linh, cho dù đang giữ trọng trách, cương vị nào cũng luôn đau đáu tự đặt ra và ráo riết đi tìm câu trả lời.

Ông Phạm Quang, nguyên Phó ban Tuyên huấn Thành ủy TPHCM, kể: “Thời gian tôi làm công tác tuyên huấn, có lần, sau khi tôi nộp một bản đề cương tuyên truyền, đồng chí Nguyễn Văn Linh đọc qua rồi nói: Chú làm đề cương rất tốt, rất chi tiết. Thế nhưng làm đề cương xong rồi, chú hãy thử đi xuống một cuộc họp dân, một buổi họp của công nhân nhà máy để xem họ đang nghĩ gì, đang làm gì. Chỉ khi hiểu được những điều đó thì công tác tuyên huấn mới đi vào chiều sâu, ý Đảng mới thâm nhập vào lòng dân được”.  

Kết thúc tọa đàm, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải phát biểu: “Cuộc tọa đàm đã thể hiện sự quan tâm, sự trân trọng và tình cảm sâu đậm với đồng chí Nguyễn Văn Linh, người luôn gắn bó máu thịt với Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TPHCM. Chúng ta hoàn toàn khẳng định và hết sức tự hào về đồng chí Nguyễn Văn Linh”.

Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải nhấn mạnh: Đảng bộ và nhân dân TP luôn học tập và noi gương đồng chí Nguyễn Văn Linh, tấm gương sáng về nhiều mặt, nhất là phẩm chất đạo đức cách mạng và những bài học kinh nghiệm quý báu. Những ý kiến trong buổi tọa đàm hôm nay đều phản ánh tinh thần phải học tập, noi gương đồng chí Nguyễn Văn Linh là cần thiết, nhất là tinh thần đổi mới, phát huy dân chủ. Chúng ta phải có trách nhiệm noi theo gương đồng chí để tiếp tục giữ vững và phát triển vị trí, vai trò của TPHCM hiện nay và sắp đến - xây dựng TPHCM phát triển bền vững…


MAI HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục