35 năm công tác tư tưởng của Đảng bộ TPHCM: Củng cố niềm tin, tạo nên những đột phá

35 năm công tác tư tưởng của Đảng bộ TPHCM: Củng cố niềm tin, tạo nên những đột phá

LTS: Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng, Báo SGGP xin trích đăng bài viết của đồng chí Phan Xuân Biên, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, Tổng biên tập website Thành ủy TPHCM.

Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải chung vui cùng các thế hệ cán bộ làm công tác tuyên giáo TPHCM. Ảnh: Việt Dũng

Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải chung vui cùng các thế hệ cán bộ làm công tác tuyên giáo TPHCM. Ảnh: Việt Dũng

35 năm qua là thời kỳ lịch sử hết sức sôi động của TPHCM năng động, sáng tạo. TP được giải phóng gần như nguyên vẹn đã đem lại bao niềm vui khôn xiết, song cũng từ đó mà khó khăn và tiềm ẩn bất ổn cũng không nhỏ. 10 năm đầu sau giải phóng là thời kỳ đặc biệt vừa phải ổn định tình hình, khôi phục xây dựng TP trong điều kiện đối mặt với những thách thức hết sức gay gắt: địch họa, thiên tai dồn dập, kinh tế kiệt quệ, khủng hoảng trầm trọng, đời sống nhân dân xuống thấp một cách tệ hại. Trong điều kiện, bối cảnh đó, TP đã giữ vững bản lĩnh chính trị, đánh giá đúng bản chất cách mạng và sức mạnh to lớn của nhân dân, từ đó có những bước đột phá, tạo tiền đề đổi mới…

Sau khi Đại hội VI của Đảng khởi xướng đường lối đổi mới, Đảng bộ TP đã sớm quán triệt, triển khai thực hiện và giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, vững vàng đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đó là kết quả của sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của khối đại đoàn kết toàn dân, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của công tác chính trị tư tưởng của Đảng bộ.
 
Công tác tư tưởng phải và đã đưa lại niềm tin cho cán bộ, đảng viên, cho toàn thể nhân dân trong mọi tình huống, nhất là lúc thử thách hết sức khốc liệt, hiểm nghèo. Sau ngày đất nước được giải phóng, trong một thời gian dài, do nhiều nguyên nhân mà niềm tin ở thắng lợi của công cuộc xây dựng CNXH, niềm tin cộng sản bị thử thách nghiêm trọng và ở một bộ phận không nhỏ đã bị lung lay, phai nhạt. Thực tiễn đó được thể hiện khá rõ ở TPHCM sau 1975, nhất là từ 1978 trở đi. Hai năm đầu giải phóng, do thắng lợi vang dội của đại thắng mùa xuân, do nguồn dự trữ nguyên vật liệu còn khá, sản xuất, đời sống còn chưa xáo động nhiều, nên niềm tin tất thắng của cách mạng Việt Nam đều thấm sâu vào nhận thức tình cảm mọi người. Song sang năm 1978 – 1979, tình hình kinh tế sa sút nghiêm trọng, sản xuất, dịch vụ đều giảm; giá cả thị trường tăng vọt, tiền lương không đủ ăn, lần đầu tiên trong lịch sử, dân Sài Gòn phải ăn bo bo, độn sắn… Các thế lực thù địch, các phe phái phản động ngấm ngầm ngóc đầu dậy, tội phạm gia tăng, an ninh trật tự xã hội bị đe dọa. Lại thêm sự thách thức hiểm nghèo – chiến tranh biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc xảy ra. Cùng với những sai lầm trong quản lý kinh tế, tình trạng trên đây đã gây nên tâm lý bất an trong các tầng lớp xã hội.

 Trước tình hình đó, Công tác tư tưởng của Đảng bộ phải tập trung giải quyết những vấn đề nảy sinh từ cuộc sống; vừa phát huy tinh thần, sức mạnh của nhân dân để trấn áp, trừng trị tội phạm, vừa tích cực tháo gỡ khó khăn, giữ vững, củng cố, nuôi dưỡng và nâng cao niềm tin, trước hết là trong Đảng, trong hệ thống chính trị, trong các đoàn thể xã hội rồi lan tỏa rộng rãi trong nhân dân. Đây là giải pháp phát huy bài học trong thời kỳ chiến tranh cách mạng.
 
Công tác tư tưởng phải được toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị và cả toàn dân thực hiện. Lực lượng tiên phong là cấp ủy, đảng viên; lực lượng nòng cốt là đội ngũ chuyên trách công tác tư tưởng; chủ lực quân là nhân dân. Công tác tư tưởng phải gắn với đời sống của dân, tất cả vì dân, có vậy mới được nhân dân ủng hộ bằng cả tinh thần, sự đồng thuận và cả sự tham gia với những hoạt động thiết thực; không có sự hưởng ứng và tham gia của nhân dân thì mọi hoạt động tư tưởng đều không thành công. Khi TP lâm vào thời kỳ khó khăn thử thách, Thành ủy đã đánh giá đúng bản chất cách mạng và sức mạnh to lớn của nhân dân, dựa vào dân, nghe dân, nên đã có những giải pháp phù hợp, được dân đồng tình. Ngược lại, nơi nào xa dân, dân gọi cán bộ bằng “ông” này “ông” nọ, thì nơi đó phong trào gặp khó khăn, kể cả giải quyết những việc cụ thể.
 
Công tác tư tưởng phải luôn bám sát thực tiễn, phát hiện cái mới, ủng hộ cái mới, tuyên truyền cho cái mới, tạo phong trào học tập cái mới, làm cho cái mới trở thành xu hướng chủ đạo của sự phát triển. Trước giải phóng thì phải “gan lì” (gan dạ, kiên trì), “chống ì” (chống cầu an, co thủ), “chống ẩu” (chống chủ quan, manh động), nay thì dám nghĩ, dám làm, biết làm và dám chịu trách nhiệm. Kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy TPHCM là khi khó khăn phải bình tĩnh giữ vững bản lĩnh, động viên mọi sức lực, nguồn lực làm hết sức mình để thực hiện chủ trương chính sách của Trung ương. Phải bám sát đường lối, chủ trương chung. Làm hết mình, cái gì thành công là thể hiện chủ trương đúng, tiếp tục đẩy mạnh hơn. Trong đó công tác tư tưởng, công tác tuyên truyền rất quan trọng, vừa đi trước một bước, làm nhiệm vụ định hướng, đồng thời luôn đồng hành, cổ vũ khích lệ, tạo động lực hình thành sức mạnh ý chí và vật chất. 10 năm đầu sau giải phóng miền Nam, biết bao khó khăn chồng chất.

Công tác tuyên truyền có thời đã đi theo hướng sáo mòn, nói suông, khác với chiều vận hành của thực tiễn cuộc sống nên đã có rất nhiều hạn chế. Khi có chủ trương của Thành ủy phải bám sát thực tế để tìm cách tháo gỡ khó khăn ách tắc trong sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống cho nhân dân, vẫn tồn tại những trở lực khá lớn, tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” khá phổ biến; đấu tranh giữa cái mới và cái cũ bất phân thắng bại. Trong điều kiện đó, công tác tư tưởng phải thể hiện tính chiến đấu, bám sát thực tiễn, lấy mục đích phục vụ dân lên trên hết mới có giải pháp hợp lý. Trong đợt suy thoái kinh tế vừa rồi, TP quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các quyết sách của Trung ương, các nhóm giải pháp của Chính phủ, trong đó có nhóm giải pháp về tuyên truyền, về tư tưởng, động viên mọi sự nỗ lực của các cấp, các ngành và đã góp thêm ý chí, nghị lực và trí tuệ để thoát khỏi khủng hoảng và suy thoái.

Xây và chống luôn xoắn quyện trong mọi nhiệm vụ của công tác tư tưởng ở TPHCM, và đó cũng là sự thể hiện tính chiến đấu của công tác tư tưởng. TPHCM có vị trí chính trị quan trọng, là địa bàn có sự nhạy cảm trên nhiều lĩnh vực, nơi giao lưu quốc tế rộng rãi. Những luồng văn hóa tư tưởng từ nhiều phương tác động bằng nhiều chiều ảnh hưởng khác nhau đến đời sống văn hóa tư tưởng là dĩ nhiên. Sài Gòn trước đây, một TP chịu sự thống trị của chủ nghĩa thực dân lâu nhất (115 năm), nên nơi đây đã diễn ra cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa chống chủ nghĩa thực dân và các loại văn hóa ngoại nhập độc hại một cách liên tục và quyết liệt nhất. Cuộc đấu tranh đó đã diễn ra song song với cuộc đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang trong quá trình đấu tranh giành độc lập của dân tộc ta. Cuộc đấu tranh đó đã bảo vệ và phát triển chủ nghĩa yêu nước Việt Nam trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa; đấu tranh bảo vệ và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc ta; đấu tranh bảo vệ nhân phẩm trên lĩnh vực tư tưởng và văn hóa, chống chủ nghĩa thực dân và các loại hình văn hóa phản dân tộc. Nhờ vậy mà Sài Gòn, đầu não của kẻ địch qua bao thời gian vẫn là Sài Gòn cách mạng, TP anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng.

Sau giải phóng cũng như hiện nay, TPHCM luôn được các thế lực thù địch xác định là địa bàn trọng điểm để thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” bằng mọi thủ đoạn, từ kích động tư tưởng hận thù, bất mãn, ly khai đến tạo dựng ngọn cờ, phát động phong trào đấu tranh cho “tự do, dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo”, tung hô thành lập đảng đối lập, gây rối, phá hoại… Chúng tăng cường phối hợp trong – ngoài, kết hợp sử dụng vật chất với các phương tiện thông tin hiện đại, nhất là mạng Internet, blog tấn công vào nền tảng tư tưởng và sự lãnh đạo của Đảng, vào những yếu kém, tiêu cực, bức xúc của xã hội, xâm nhập vào mọi lĩnh vực, từ giáo dục, khoa học công nghệ, văn học nghệ thuật đến các hoạt động của các tổ chức, đoàn thể…

Trong bối cảnh đó, công tác tư tưởng của TP luôn chủ động, trang bị những vốn liếng kiến thức cần thiết, củng cố nền tảng tư tưởng mác xít cùng tầm văn hóa của dân tộc để làm hệ quy chiếu, tiêu chí chắt lọc, tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời gạt bỏ những yếu tố không phù hợp. Trong đó việc đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, đặc biệt là âm mưu “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng được coi là nhiệm vụ thường xuyên.

Nhờ vậy, dù TP luôn nhộn nhịp, sôi động, là đầu mối giao lưu quốc tế, có sự hội nhập mạnh và sâu trên các lĩnh vực, song 35 năm qua TP vẫn giữ vững ổn định chính trị, giữ được sự ổn định tư tưởng, sự yên ổn xã hội, sự an lành của nhân dân, tạo mọi động lực để xây dựng TP ngày càng khang trang hơn, đóng góp cho đất nước ngày càng nhiều hơn. Đó là một thành tựu quan trọng của công tác tư tưởng của Đảng bộ TPHCM trong 35 năm qua.

PGS-TS PHAN XUÂN BIÊN


Toàn văn bài viết của đồng chí Phan Xuân Biên, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, Tổng biên tập website Thành ủy TPHCM.

Tin cùng chuyên mục