Kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống ngành tuyên giáo của Đảng

Những ngày sát cánh cùng miền Nam

Vượt qua thách thức, phát huy sức mạnh toàn xã hội
Những ngày sát cánh cùng miền Nam

Sau chiến thắng Tua Hai của quân giải phóng vào năm 1960, địch biết rõ có lực lượng vũ trang ven đường 22 và khu rừng già mênh mông phía Tây Bắc Tây Ninh. Song điều chúng không thể ngờ rằng, giữa khu rừng ấy là căn cứ của Trung ương Cục miền Nam. Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam nằm phía bên trái và phía bên phải đường 22 có căn cứ Ban Tuyên huấn.

Phóng viên báo Tây Ninh phỏng vấn tù binh Mỹ bị bắt năm 1968. (Nguồn: 50 năm Hội Nhà báo Việt Nam)

Phóng viên báo Tây Ninh phỏng vấn tù binh Mỹ bị bắt năm 1968. (Nguồn: 50 năm Hội Nhà báo Việt Nam)

Năm 1961, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục từ rừng Đông Bắc (phía Đồng Nai) về lập căn cứ ở rừng Tân Biên (Tây Ninh). Ban đầu, Ban Tuyên huấn chỉ có vài bộ phận, trong đó Thông tấn xã Giải phóng ra đời sớm nhất, từ bộ phận nhỏ đặt giữa Sài Gòn rồi chuyển ra chiến khu. Kế đó là Đài phát thanh Giải phóng với máy móc thô sơ.

Ngoài hai đơn vị phát sóng, tại rừng Tây Ninh có một nhà in chữ chì (tipô). Ngay từ đầu, Nhà in Trần Phú có trang bị máy in pê-đan và vận hành bằng máy nổ với chỉ vài chục hộp chữ. Máy in và máy nổ đặt trong hầm dưới lòng đất. Xưởng phim Giải phóng là bộ phận kỹ thuật hoạt động giữa rừng cùng với phòng nhiếp ảnh của Thông tấn xã. Mặc dù hoạt động trong điều kiện khó khăn ở giữa rừng sâu, nhưng ngày 20-12-1964, Báo Giải Phóng đã ra số đầu tiên với khổ lớn in hai màu. Trong những năm địch đánh phá ác liệt, máy in hư hỏng, chữ chì văng tung tóe, báo phải đình bản, song để phục vụ và tạo lòng tin với nhân dân, các bài viết không thể in đều được đọc trên Đài phát thanh Giải phóng.

Bộ phận “ì xèo” nhất dưới tán cây cao là các đoàn văn công. Phần lớn anh em văn công là học sinh, thanh niên từ Campuchia về tham gia kháng chiến, anh em từ Sài Gòn lên. Sau này có thêm nhiều anh chị em vượt Trường Sơn về Nam... Trong nhiều năm, giữa chiến khu, suốt đêm ngày vẫn vang tiếng hát, đàn trống.

Chúng tôi giữ bí mật được các hoạt động trong rừng sâu đến cuối năm 1966, khi có kẻ phản bội chỉ điểm, hoạt động của chúng tôi bị lộ. Khoảng 45.000 quân Mỹ đã mở trận càn Johnson City đánh vào căn cứ Trung ương Cục. Cả khu rừng trở thành chiến trường. Các đội du kích cơ quan được trang bị súng trường, súng chống tăng... bám căn cứ đánh trả quân Mỹ. Cán bộ nhân viên Ban Tuyên huấn nhiều người hy sinh, nhiều người trở thành dũng sĩ. Sát cánh với các đội du kích cơ quan là các đơn vị bộ đội chủ lực của Sư đoàn 9. Trận càn kết thúc, Mỹ đã không bắt được hoặc diệt được ai trong bộ phận lãnh đạo cuộc kháng chiến miền Nam. Chính quyền Sài Gòn và Mỹ cho rằng đã diệt hết căn cứ nên không thấy trở lại. Chỉ một tháng sau, chúng tôi đã khôi phục lại căn cứ, tổ chức cuộc sống bình thường. Thông tấn xã, đài phát thanh vẫn tỏa sóng trên cả nước và thế giới... Chúng tôi lại bắt tay vào việc chuẩn bị tung cán bộ “xuống đường” trong chiến dịch Mậu Thân 1968.

Sang năm 1969, Mỹ và quân đội Sài Gòn liên tục đánh phá căn cứ Ban Tuyên huấn. Năm 1970, Lonnon đảo chính ở Phnôm Pênh, quân Mỹ và quân đội Sài Gòn đưa quân đánh phá căn cứ Tây Bắc Tây Ninh. Cả Ban Tuyên huấn mở cuộc hành quân vượt qua các tuyến bao vây chặn đường của quân Mỹ, tiến sâu vào vùng giải phóng Campuchia do Mặt trận đoàn kết của Hoàng thân Sihanouk quản lý. Trong một khu rừng đại ngàn của đất bạn, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục lại hồi sinh. Anh em vẫn ở trong rừng sâu nhưng được nhân dân Campuchia giúp đỡ nên giữ được bí mật. Nhờ ở gần các phum sóc, đời sống anh em có đỡ hơn, bữa cơm ít độn, có rau xanh, có thịt cá...

Đầu năm 1973, khi Hiệp định Paris sắp được ký kết, quân Mỹ giở trò tàn bạo cuối cùng: chúng cho B52 bay vào đất Campuchia ném bom hủy diệt khu rừng đóng quân của ban. Trước giờ ký kết Hiệp định Paris, lại có thêm nhiều anh em hy sinh. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, chúng tôi trở về căn cứ trên đất Tân Biên - Tây Ninh. Mỹ đã rút, quân ngụy đang lâm vào tình cảnh khốn cùng nên không còn thì giờ điều tra hoặc nhòm ngó Ban Tuyên huấn Trung ương Cục.

Chúng tôi lập căn cứ gần nhà dân, cất nhà gần các trảng trống, khai thác đất trồng rau, nuôi heo. Một số cơ quan đã có xe máy đi công tác, có ô tô chở gạo, chở hàng. Một số cơ quan đã chạy máy phát điện sáng rực. Ban đêm, xe chở vũ khí từ Trường Sơn về Nam đèn sáng trưng cả cung đường... Tân Biên hoàn toàn giải phóng, trở thành thủ phủ của Chính phủ cách mạng lâm thời. Tết 1975, nhân dân Tân Biên cùng cán bộ chiến sĩ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục công khai đón tết giữa nắng tự do, không tiếng bom đạn. Lần đầu tiên, chúng tôi nổi lửa nấu bánh tét, bánh chưng trong đêm, mổ heo bò ăn tết cùng đồng bào vùng giải phóng.

Sáng 28-4-1975, hầu hết cán bộ, phóng viên của Ban Tuyên huấn lên đường tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Sáng 30-4-1975, theo chân bộ đội, cán bộ Ban Tuyên huấn tiến vào Sài Gòn. Các bộ phận Thông tấn xã, đài phát thanh, báo, truyền hình... nhanh chóng chiếm các cơ sở của địch và khẩn trương hoạt động. Đêm 30-4-1975, Đài phát thanh Giải phóng lên sóng. Tối 1-5-1975, Đài truyền hình Giải phóng ra mắt nhân dân.

Chiều 5-5-1975, Báo Sài Gòn Giải Phóng số đầu tiên (do anh em Báo Giải Phóng thực hiện) ra mắt nhân dân Sài Gòn...

Sau 15 năm hoạt động, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam (còn gọi Ban Tuyên huấn R) ra khỏi rừng sâu về hoạt động giữa Sài Gòn giải phóng.

Đinh Phong

Vượt qua thách thức, phát huy sức mạnh toàn xã hội

(SGGP).– Ngày 31-7, tại Nhà hát lớn Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống ngành tuyên giáo của Đảng (1-8-1930 – 1-8-2010). Tham dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, cùng đông đảo các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Về phía Ban Tuyên giáo Trung ương có đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, cùng các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương qua các thời kỳ; lãnh đạo Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành và các thế hệ cán bộ làm công tác tuyên giáo qua nhiều thời kỳ.

Trong diễn văn đọc tại buổi lễ, đồng chí Tô Huy Rứa đã khái quát lại chặng đường vẻ vang 80 năm qua của ngành tuyên giáo. “Trải qua 80 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, ngành tuyên giáo đã đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể của từng giai đoạn cách mạng. Ngay từ khi Đảng mới thành lập và còn hoạt động trong bí mật, Bác Hồ cùng các lãnh tụ của Đảng không chỉ lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên giáo mà còn là những người thầy, người mở đường, người chiến sĩ trực tiếp hoạt động trên mặt trận này. Hôm nay, trong buổi lễ long trọng này, tất cả chúng ta xin kính dâng lên Người và các thế hệ cách mạng tiền bối lòng biết ơn vô hạn và hứa sẽ đi trọn con đường mà Đảng và Bác đã chỉ ra: vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội cho đất nước ta”.

Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã trao tặng bức trướng cho ngành tuyên giáo với nội dung: “Trung thành, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, hiệu quả vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã nhiệt liệt chúc mừng những thành tựu to lớn mà ngành tuyên giáo đã đạt được và biểu dương các thế hệ cán bộ làm công tác tư tưởng, công tác tuyên giáo đã có những đóng góp xuất sắc trong suốt 80 năm qua.

Đề cập tới nhiệm vụ ngành tuyên giáo trong thời gian tới, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng cho rằng, trước yêu cầu nhiệm vụ mới, ngành tuyên giáo cần đi sâu nghiên cứu, tổng kết những bài học kinh nghiệm, vận dụng sáng tạo và phát triển trong điều kiện cụ thể ngày nay, nhạy bén nắm bắt thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội; đồng thời đổi mới về nội dung, phương pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của cách mạng nước ta trong giai đoạn mới.

Tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng thay mặt Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng nhì cho đồng chí Phùng Hữu Phú, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương và đồng chí Vũ Thị Thanh, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.

Trần Lưu

Tin cùng chuyên mục