Làm tuyên giáo phải hiểu được ý Đảng, lòng dân

(SGGP).- Kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống tuyên giáo của Đảng, tối 1-8, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM phối hợp với Đài Truyền hình TPHCM tổ chức chương trình “80 năm chặng đường vẻ vang”.

Tham dự có đồng chí Trần Trọng Tân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương; Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM cùng lãnh đạo Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận Thành ủy TPHCM và đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí, các đồng chí làm công tác tuyên giáo qua các thời kỳ. Chương trình cũng kết nối với đầu cầu tại Hà Nội với sự tham gia giao lưu của nhà báo Hữu Thọ và nhà báo Hà Đăng.

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập mang đến chương trình kỷ niệm sâu sắc về những ngày tháng đấu tranh của học sinh sinh viên Sài Gòn: “Tháng 9-1971, có cuộc xuống đường rất lớn do Tổng hội Sinh viên Sài Gòn tổ chức, phát động. Khi chúng tôi hát vang bài hát Lên đàng, cuộc đấu tranh lên đến cao trào, chính quyền Sài Gòn đàn áp dữ dội. Trên trời, giặc thả hỏa tiễn; dưới đất, cảnh sát ném lựu đạn cay. 179 học sinh sinh viên bị bắt. Vào tù, chúng tôi tiếp tục đấu tranh bằng cách tuyệt thực. Đến ngày thứ 3, chúng tôi tổ chức một đêm văn nghệ ngay tại nhà giam. Tôi còn nhớ, khi chúng tôi bắt đầu diễn kịch, đọc thơ rồi cất cao lời ca tiếng hát, từ các phòng giam khác vang lên tiếng vỗ tay càng ngày càng lớn. Cảnh sát Sài Gòn ôm súng đứng vây buồng giam. Trưởng ty cảnh sát quận 1 lúc đó đã trực tiếp đến trại giam và nói lớn: “Các anh muốn làm gì thì làm, không được hát”. Khi đó, chúng tôi hiểu khi lời ca tiếng hát đã đi vào quần chúng và lay động được quần chúng nhân dân thì bài ca trở thành vũ khí”.

Nhà báo Đinh Phong, Trưởng ban Liên lạc Truyền thống Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam đồng tình: “Trong cuộc đấu tranh giải phóng đất nước, nhà văn, nhà báo, nhạc sĩ, nhà nhiếp ảnh, nhà làm phim… là những người gắn bó mật thiết với cuộc chiến. Họ giữ vai trò làm cầu nối, làm công tác tuyên truyền và đóng góp công sức vào thắng lợi vẻ vang của cả dân tộc. Nếu không có nhạc sĩ Hoàng Việt - chúng ta sẽ không có Nhạc rừng, không biết đến một miền Đông gian lao mà anh dũng. Không có Nguyễn Thi, chúng ta không biết một Người mẹ cầm súng. Không có Lê Anh Xuân, cả nước sẽ không biết một Dáng đứng Việt Nam…”.

Nói về vai trò của báo chí cách mạng và vị trí, nhiệm vụ của người làm báo trong thời đại ngày nay, nhà báo Trần Thế Tuyển, Tổng biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng, chia sẻ: “Từ năm 1949, trong lá thư gửi các đồng chí của lớp báo chí Huỳnh Thúc Kháng, Bác Hồ đã xác định rất rõ vai trò của báo chí là phải tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể, tổ chức tập thể. Ngoài ra, Người luôn quan tâm đến vấn đề: Viết cho ai, viết để làm gì và viết như thế nào. Tôi cho rằng hiện nay, trong giai đoạn mới của cuộc cách mạng, báo chí vẫn luôn phải thực hiện chức năng định hướng và tạo sự đồng thuận xã hội. Người làm báo phải viết như thế nào cho thật giản dị, gần gũi, dễ hiểu và dễ đi vào cuộc sống”.

Trả lời câu hỏi: “Phải chăng, trong những giai đoạn khó khăn của đất nước thì chúng ta dễ dàng vượt qua những trở ngại khó khăn còn trong giai đoạn hòa bình thì dễ mắc phải sai lầm?”, đồng chí Phan Xuân Biên, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM cho rằng, đó là một thực tế đã từng xảy ra. Tuy nhiên, thực tế đó không mang tính chất quy luật. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do khi tính chất, nhiệm vụ của cuộc cách mạng đã chuyển sang một giai đoạn mới thì chúng ta chưa kịp chuyển đổi về tư duy lý luận. Đó là một bài học cho những người làm công tác tuyên giáo”.

So sánh về tính chất công việc của người làm công tác tuyên giáo trước đây và hiện nay, các đại biểu khách mời đều có chung nhận định là dù trong thời điểm, giai đoạn nào, người làm tuyên giáo cũng phải thấu hiểu được ý Đảng, lòng dân. Phải làm cho người dân hiểu được những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, từ đó tạo sự đồng thuận, tạo ra một phong trào cách mạng sâu rộng. Người làm tuyên giáo phải biết lắng nghe dân nói, phải làm cho Đảng hiểu dân bằng cách chuyển tải được mong muốn của dân đến Đảng. Đặc biệt, người cán bộ tuyên giáo luôn phải rèn luyện đạo đức cách mạng, chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị để thực sự là một tấm gương sáng đối với quần chúng nhân dân.

M. HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục