Những thế hệ đảng viên

Đã lâu lắm tôi mới được hưởng một đợt rét đậm đến như thế. Các phương tiện truyền thông liên tục loan báo Lào Cai, Lạng Sơn có nơi xuống dưới 0°C. Hà Nội và các vùng lân cận dưới 10°C, về đêm có thể xuống thấp hơn… Cái rét cuối đông khá bất thường không làm Hà Nội, trái tim của cả nước, nơi vừa tổ chức thành công Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội ảm đạm mà ngược lại vẫn bừng sáng, náo nhiệt, đầy sức xuân khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng khai mạc. Khắp phố phường Hà Nội như khoác thêm áo mới. Nét tự tin, phấn khởi hiện rõ trên khuôn mặt của mỗi con người.Một

Đã lâu lắm tôi mới được hưởng một đợt rét đậm đến như thế. Các phương tiện truyền thông liên tục loan báo Lào Cai, Lạng Sơn có nơi xuống dưới 0°C. Hà Nội và các vùng lân cận dưới 10°C, về đêm có thể xuống thấp hơn… Cái rét cuối đông khá bất thường không làm Hà Nội, trái tim của cả nước, nơi vừa tổ chức thành công Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội ảm đạm mà ngược lại vẫn bừng sáng, náo nhiệt, đầy sức xuân khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng khai mạc. Khắp phố phường Hà Nội như khoác thêm áo mới. Nét tự tin, phấn khởi hiện rõ trên khuôn mặt của mỗi con người.

Một

Mỗi quốc gia đều có quốc ca và quốc thiều. Từ hơn 65 năm nay, bài hát Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu chọn làm quốc ca của đất nước ta. Cùng với lá cờ Tổ quốc, bài hát quốc ca ấy đã thấm đẫm biết bao máu và nước mắt của các thế hệ công dân nước Việt. Mỗi lần quốc ca vang lên, không gian, thời gian như ngừng lại. Đó là giây phút thiêng liêng nhất, thức dậy lòng tự hào dân tộc, niềm thành kính, biết ơn các bậc tiền nhân, anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Tôi đã từng được chứng kiến những phút giây thiêng liêng đó trong những hoàn cảnh, thời khắc khác nhau của lịch sử. Nhưng hôm nay giữa Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, nơi khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI, bản quốc ca và Quốc tế ca vang lên khiến tôi có cảm xúc lạ kỳ. Vì dân vì nước, hơn 80 năm qua lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, biết bao thế hệ người Việt Nam đi theo Đảng, Bác Hồ đã quen thuộc bài Tiến quân ca - Đoàn quân Việt Nam đi… và Quốc tế ca - Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian… này. Bài Tiến quân ca và lá cờ đỏ sao vàng thiêng liêng bởi đã thắm máu biết bao thế hệ người Việt Nam, trước hết là những đảng viên mà cả cuộc đời của họ là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, phẩm chất của người cộng sản.

Cách đây ít lâu, tôi có dịp đến thăm ngôi nhà nhỏ ở số 25 phố Văn Minh, tỉnh Quảng Châu, Trung Quốc, nơi cách đây 86 năm là trụ sở của tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Tại đây, đồng chí Lý Thụy (Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã mở lớp huấn luyện những người cộng sản đầu tiên của Đảng ta. Trong số những cán bộ thuộc lớp tiền bối của cách mạng Việt Nam ngày ấy có Ông Nhỏ - đồng chí Lý Tự Trọng. Lý Tự Trọng hy sinh giữa tuổi 17, sau khi anh bắn chết tên mật thám Legrand trong cuộc mít tinh kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Yên Bái tại Sài Gòn chiều 8-2-1931.

Tôi cũng đã có một đêm không ngủ trên hòn đảo địa ngục trần gian trước đây, nơi kẻ thù giam giữ và tử hình người con gái Đất Đỏ - Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu khi chị chưa đầy 18 tuổi. Cả hai người cộng sản trẻ tuổi này hy sinh khi còn rất trẻ. Họ hiến dâng cả tuổi thanh xuân và sự trinh nguyên cho đất nước. Theo phong tục tín ngưỡng Á Đông, những anh hùng, liệt nữ ấy thật thiêng.

Cũng dịp ra Côn Đảo, tôi đã đến thắp nhang viếng mộ liệt sĩ Vũ Văn Hiếu, người Bí thư Đặc khu ủy đầu tiên của vùng mỏ Quảng Ninh, quê ở xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Vũ Văn Hiếu là một người cộng sản phấn đấu, hy sinh đến hơi thở cuối cùng cho Đảng.

Sinh thời, đồng chí Lê Duẩn, cố Tổng Bí thư của Đảng ta kể lại: Năm 1940 tại một nhà trọ ở Sài Gòn, các đồng chí Lê Duẩn, Nguyễn Văn Cừ, Vũ Văn Hiếu bị địch bắt đày ra Côn Đảo. Biết các đồng chí ấy là cán bộ chủ chốt của Đảng, Vũ Văn Hiếu đã nhận mình là người giữ các tài liệu mật của Đảng. Vì lẽ đó, ông bị địch tra tấn rất dã man bằng đủ loại cực hình. Nhưng đồng chí không hề khai báo, không hề chào cờ địch. Biết mình không qua khỏi, trước khi hy sinh Vũ Văn Hiếu đã cởi tấm áo còn lành của mình trao cho đồng chí Lê Duẩn và dặn rằng: Tôi sắp đi xa, đồng chí hãy mặc áo này, giữ sức khỏe để sống và tiếp tục lãnh đạo cách mạng… Nghĩa cử cao cả của người đảng viên Vũ Văn Hiếu với đồng chí, đồng đội đã là tấm gương sáng cho các bạn tù. Sau này nhà thơ Tố Hữu đã viết: Chết còn trút áo cho nhau. Miếng cơm dành để người sau ấm lòng…

Mặt trời đứng bóng giữa nghĩa trang Hàng Dương linh thiêng, chúng tôi thắp nhang viếng người chiến sĩ cách mạng tiền bối, người đồng hương lớn Vũ Văn Hiếu. Kỳ diệu thay, cũng như khi thắp nhang viếng chị Võ Thị Sáu nửa đêm hôm trước, bát nhang bùng cháy như chưa bao giờ cháy thế. Các cụ ta dạy rằng, như thế là người đi xa đã chứng giám, ghi nhận tấm lòng của người đang sống. Chính cái phút giây linh thiêng ấy, tôi nghe văng vẳng bên tai mình bài hát Quốc ca và Quốc tế ca. Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian… Đoàn quân Việt Nam đi chung lòng cứu quốc…

Hai

Tiếp bước những người cộng sản tiền bối của Đảng ta, hơn 80 năm qua đã có biết bao thế hệ đảng viên bằng sự hy sinh, cống hiến của mình xây nên truyền thống và bản lĩnh chính trị của Đảng. Cứ mỗi kỳ đại hội, truyền thống ấy, bản lĩnh ấy lại được đắp bồi, làm cho Đảng ta thêm vững mạnh đủ sức hoàn thành sứ mạng vẻ vang với dân, với nước.

Trước Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, tôi có dịp trở lại mảnh đất miền Trung, một trong những nơi máu xương của những người đảng viên và đồng bào ta đổ nhiều nhất cho độc lập tự do của Tổ quốc. Không chỉ ở Quảng Nam mà cả nước hướng về Điện Bàn bùi ngùi, tiếc thương tiễn đưa bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ về nơi an nghỉ cuối cùng. Trong mấy cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, mẹ Thứ đã hiến dâng cho đất nước 13 người thân yêu gồm chồng, con và các cháu.

Tôi cũng đã đi dọc dài con đường Trường Sơn huyền thoại, nơi đồng bào các dân tộc qua mấy cuộc kháng chiến đã đi theo cách mạng, giờ đây cuộc sống vẫn còn chật vật, khó khăn lắm…Chứng kiến cảnh ấy, có mặt trong lễ khai mạc Đại hội Đảng lần thứ XI này, tôi nghĩ Đảng ta có thêm sứ mạng mới: Làm sao đưa đất nước ta đến năm 2020 trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Làm sao để mọi người dân, đặc biệt đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến cũ được ấm no, hạnh phúc. Làm sao để đất nước của con Rồng cháu Tiên, với 4.000 năm lịch sử chủ động hội nhập quốc tế mà vẫn giữ được bản sắc, cốt cách Việt Nam... Những đảng viên ưu tú đại diện cho trên 3,6 triệu đảng viên về dự đại hội lần này, đặc biệt các đồng chí được đại hội tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, có trách nhiệm nặng nề ấy.

Trong cái lạnh dưới 10°C giữa thủ đô Hà Nội tôi vẫn thấy ấm áp khi gặp gương mặt bừng sáng, tự tin của các đại biểu về dự đại hội. Tôi nghe tiếng quân nhạc hùng tráng và giọng hát quốc ca, Quốc tế ca như dàn đại hợp xướng vang lên giữa thủ đô ngàn năm văn hiến, anh hùng mà thấy lòng ấm lại. Điều đó là chắc chắn - tôi nghĩ thế - những thế hệ đảng viên hôm nay sẽ bước tiếp con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lớp đảng viên đi trước, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, giàu mạnh.

Hướng về Đại hội Đảng lần thứ XI, Hà Nội và cả nước đang náo nức vào xuân.

Hà Nội, đêm 12-1-2011 

Tùy bút của TRẦN THẾ TUYỂN

Tin cùng chuyên mục