Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Đất nước chậm phát triển có yếu tố tham nhũng

Sáng 17-10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị số 1 tiếp xúc với cử tri quận 1, TPHCM. Hội nghị “nóng” lên với các vấn đề tham nhũng, sai phạm đất đai, giám sát tối cao của QH…
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Đất nước chậm phát triển có yếu tố tham nhũng

Sáng 17-10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị số 1 tiếp xúc với cử tri quận 1, TPHCM. Hội nghị “nóng” lên với các vấn đề tham nhũng, sai phạm đất đai, giám sát tối cao của QH…

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp nhận kiến nghị của cử tri quận 1, TPHCM. Ảnh: Việt Dũng

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp nhận kiến nghị của cử tri quận 1, TPHCM. Ảnh: Việt Dũng

Muốn củng cố lòng dân, phải diệt trừ tham nhũng

Cử tri Trần Minh Quang phát biểu: “Nạn tham nhũng còn đáng sợ hơn nạn ngoại xâm, nếu không giải quyết sẽ mất nước. Hiện nay chúng tôi thấy tình hình tham nhũng vô cùng phức tạp, khó khăn, không biết sẽ chống như thế nào?”. Theo ông Quang, vừa qua cả Bộ Chính trị và các tỉnh, TP đều nghiêm túc kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 nhưng qua báo chí chưa thấy nói ai sẽ bị kỷ luật.

Hiện nay là thời đại công nghệ thông tin nên bất cứ lãnh đạo nào người dân cũng biết những ưu - khuyết điểm và thái độ đối với dân như thế nào. Vì vậy, thông tin cần công khai chứ “càng giấu chừng nào càng mất uy tín, càng dễ mất nước chừng đó”. “Tôi đề nghị, về vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm, cần quy định rõ nếu dưới 50% phiếu tín nhiệm phải cách chức và nếu dưới 30% phải kiểm điểm, khai trừ ngay khỏi Đảng”, ông Quang thẳng thắn.

Cùng trăn trở với nạn tham nhũng, cử tri Nguyễn Thị Nguyệt đặt vấn đề: “Đời sống người dân mỗi ngày mỗi khá hơn, TP nói riêng và đất nước nói chung đẹp hơn. Người dân chúng tôi thấy sự tiến bộ vượt bậc đó nhưng tại sao lòng dân chưa yên? Lòng dân chưa yên là do nạn tham nhũng hiện nay đã tràn lan quá rồi. Chúng tôi thấy báo chí đưa tin rất nhiều nhưng không thấy xử ai. Chính điều này làm người dân rất bức xúc!”.

Ở góc độ khác, cử tri Lê Văn Minh cho rằng, vai trò giám sát tối cao của QH trong công tác phòng chống tham nhũng cực kỳ quan trọng. Nếu nói phát triển bền vững mà không đẩy lùi được tham nhũng thì không thể nói là phát triển bền vững. QH cần có nghị quyết riêng để đẩy lùi tham nhũng; xây dựng các thiết chế hỗ trợ phòng chống tham nhũng. Trước mắt, cần nâng cao vai trò phát hiện ngăn ngừa, chống tham nhũng của các ĐBQH. Một trong những giải pháp cực kỳ quan trọng khác là ĐBQH giữ mối quan hệ mật thiết với cử tri. Với tình trạng tham nhũng chưa được đẩy lùi như hiện nay cần thực hiện biện pháp toàn diện, huy động toàn hệ thống chính trị, nhân dân vào cuộc.

Cử tri Nguyễn Kiên Cường góp ý: Nghị quyết của Trung ương có nhiều nội dung rất đúng nhưng việc tổ chức thực hiện ở các cấp chưa đồng bộ với chủ trương của Đảng và Nhà nước. Hơn nữa công tác thanh tra, giám sát trong lĩnh vực này cũng chưa tốt. Cử tri Phạm Bá Lữ cho rằng ngoài cách tiếp xúc cử tri truyền thống như hiện nay (tiếp xúc tập trung tại một địa điểm do Ủy ban MTTQ quận, huyện bố trí trước và sau kỳ họp QH - PV), “cử tri chúng tôi muốn các ĐBQH, nhất là các ĐB chuyên trách nên xuống tận khu phố, phường, xã để gặp gỡ người dân, lắng nghe nhiều hơn các ý kiến phản ảnh và cả tâm tư, nguyện vọng của người dân”.

Cử tri Lương Minh Nguyệt nói: “Chúng tôi đặt hàng tổ ĐB là Hội nghị Trung ương 6 đã nghiêm túc kiểm điểm như vậy thì bước tiếp theo là gì, biện pháp xử lý ra sao để người dân đặt niềm tin vào Đảng. Sai phạm hàng loạt của hệ thống ngân hàng vừa qua sẽ được xử lý như thế nào để người dân yên tâm”.

Dũng cảm vạch mặt, chỉ tên kẻ xấu len lỏi trong Đảng

Trước hàng loạt phản ánh của cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tâm tư: “Kết quả hội nghị Trung ương 6 bàn 9-10 chủ đề nhưng bà con cô bác chủ yếu nhắc về kết quả Nghị quyết Trung ương 4. Tôi ngẫm nghĩ hay là các chủ đề khác, quý vị thỏa mãn rồi như vấn đề tình hình kinh tế - xã hội đất nước, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đất đai, thành lập ban chỉ đạo trung ương…?”. Nhiều lần Chủ tịch nước khẳng định, công cuộc xây dựng Đảng, tự phê bình và phê bình là khâu hết sức quan trọng nhưng không phải là khâu duy nhất. Đồng thời, kết quả Hội nghị Trung ương 6 lần này chỉ mang tính bước đầu và không chỉ duy nhất mà còn rất nhiều việc phải làm, đối với toàn Đảng, với Trung ương và bản thân Bộ Chính trị.

“Tại sao Bộ Chính trị đề xuất với Trung ương tự nhận hình thức kỷ luật về mình? Tại sao một đồng chí trong Bộ Chính trị đề xuất Trung ương nhận kỷ luật về mình? Có lý do cả. Ngoài khẳng định ưu điểm ra, cũng đều đã nêu rất rõ những khuyết điểm chủ yếu mà mình đề xuất với Trung ương. Trung ương đã xem xét, cân nhắc lợi hại trong thời điểm hiện nay và quyết định là không thi hành kỷ luật. Điều này không có nghĩa Bộ Chính trị không có lỗi, không có nghĩa cá nhân đồng chí đó không có lỗi”, Chủ tịch nước giải thích.

Bàn sâu về vấn đề chống tham nhũng, theo Chủ tịch nước, kỳ họp QH tới đây sẽ sửa Luật Phòng chống tham nhũng. Thay thế Ban chỉ đạo Nhà nước để Đảng trực tiếp lãnh đạo chỉ đạo vấn đề này. Từ nay đến cuối năm sẽ hình thành tổ chức này và đi vào hoạt động. Người đứng đầu ban này sẽ là Tổng Bí thư. Tuy nhiên, theo đồng chí Trương Tấn Sang, đây cũng chỉ mới là quyết tâm chính trị, còn vấn đề dân và Đảng đang đòi hỏi là hành động.

“Chúng tôi hiểu được vấn đề cuối cùng là hành động chứ không phải bằng đó mà thỏa mãn. Chúng tôi sẽ nỗ lực hơn nữa nhưng tôi mong mọi người hãy phát huy sức mạnh của toàn dân, những gì biết được hãy gửi thư đến cơ quan chức năng. Tôi hiểu được hiện nay nhiều người sợ sẽ bị trù, bị úm. Nhưng nếu vì những sợ sệt đó mà cứ để những kẻ xấu len lỏi trong Đảng, trong Nhà nước làm những điều sai trái, làm phương hại đến lợi ích quốc gia, phương hại đến toàn dân, chế độ thì thử hỏi toàn dân tộc này, toàn Đảng này, toàn quân này chấp nhận được không? Chắc chắn là không thể chấp nhận”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi của cử tri tại sao đất nước có nhiều thuận lợi nhưng phát triển chậm hơn các nước? Theo Chủ tịch nước, có nhiều lý do nhưng có vấn đề tham nhũng. “Đây là một sự thật không thể né tránh được, mặc dù nói ra điều này hết sức đau lòng. Việc xây dựng một mét cầu hay một mét đường đắt hơn gấp đôi Thái Lan và Trung Quốc nhưng nói mãi, kiểm tra mãi vẫn chưa ra. Điều này dẫn đến nợ công, nợ dân tăng lên rất cao. Chắc chắn một điều trong đó có yếu tố tham nhũng”, Chủ tịch nước khẳng định.

Chiều cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng 2 ĐBQH Trần Du Lịch và Hoàng Hữu Phước tiếp xúc với đông đảo cử tri quận 3. Trong không khí dân chủ thẳng thắn, cử tri góp ý về nội dung các dự án luật mà QH sắp thông qua trong kỳ họp sắp tới. Cử tri Võ Văn Thôn, ngụ phường 3, quận 3 cho rằng: Nhiều dự thảo luật còn chưa phù hợp thực tế, câu chữ còn chưa chuẩn, nhiều nội dung còn dư thừa không cần thiết và mang tính mệnh lệnh, khó khả thi… Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ghi nhận các ý kiến của cử tri và hứa sẽ đề đạt QH quan tâm giải quyết.

 Dưới góc độ là một doanh nghiệp, ông Đặng Quốc Hùng (Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận 1) đề xuất QH có giải pháp cụ thể hơn trong việc giải cứu doanh nghiệp. Vướng mắc doanh nghiệp cần tháo gỡ hiện nay là lãi suất quá hạn của ngân hàng. Vừa qua doanh nghiệp đã phải chịu đi vay với lãi suất quá cao giờ lại chịu quá hạn là khó khăn chồng thêm khó khăn. Ngoài ra, giá đất và tiền thuê đất - doanh nghiệp có mặt bằng để sản xuất kinh doanh, mặc dù chức năng sản xuất không thay đổi nhưng địa phương nói giá đất tăng nên doanh nghiệp lại phải chịu thêm vấn đề này. Đơn cử như Đồng Nai, giá đất tăng 8 lần, Bình Định tăng 3,5 lần…

 Nhóm PV

Tin cùng chuyên mục