Công khai chỉ số tín nhiệm các chức danh

(SGGP).- Liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội (QH), cuối tuần qua Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đã trao đổi với báo giới bên lề kỳ họp. Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết:

(SGGP).- Liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội (QH), cuối tuần qua Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đã trao đổi với báo giới bên lề kỳ họp. Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết:
 
“Lấy phiếu tín nhiệm là để thăm dò sự đánh giá của dư luận đối với tín nhiệm của người giữ các chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn. Nhưng tất cả các chức danh QH bầu thì tính ra hơn 400 người, một kỳ họp như thế, lấy phiếu tất cả dễ dẫn đến dàn trải, hình thức, không tập trung được vào các chức danh có vị trí chủ chốt, có những quy định rõ ràng trong pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của họ. Vì thế dự thảo Tờ trình của Ủy ban Thường vụ QH vừa qua đưa ra 2 phương án để QH lựa chọn.
 
Còn về bỏ phiếu tín nhiệm, theo Hiến pháp, thực chất là bất tín nhiệm. Có ý kiến đề nghị chỉ bỏ phiếu tín nhiệm với cơ quan hành pháp, nhưng ở các nước thì lập pháp, hành pháp, tư pháp độc lập với nhau, còn ở nước ta QH bầu ra tất cả các chức danh chứ không phải chỉ có cơ quan hành pháp, cho nên bây giờ quy định chỉ bỏ phiếu tín nhiệm với cơ quan hành pháp thôi cũng chưa hẳn đúng. Những chức danh do QH bầu ra còn có cả tư pháp, như Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, tới đây còn có cả Tổng kiểm toán. Các đồng chí Chủ tịch QH, Phó Chủ tịch QH hay Chủ tịch nước… cũng đều do QH bầu ra, thực hiện chức trách nhiệm vụ do dân ủy thác, vì vậy cũng cần được đánh giá tín nhiệm.
 
Hiện nay Ban Tổ chức Trung ương cũng đang xây dựng một đề án lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh trong Đảng và các chức danh khác không thuộc phạm vi lần này Ủy ban Thường vụ QH trình. Như vậy tới đây chúng ta sẽ có nghị quyết của Đảng về lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng nữa và nghị quyết này cũng sẽ có hiệu lực từ năm tới để cùng thực hiện đồng bộ. Chỉ số tín nhiệm sẽ được công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng; tạo cơ sở để thực thi bỏ phiếu tín nhiệm khi cần thiết”.

Hôm nay 29-10, kỳ họp thứ 4 Quốc hội (QH) khóa XIII bước vào tuần làm việc thứ 2. Trong ngày làm việc đầu tuần, QH tiếp tục nghe trình bày về nhiều dự án luật quan trọng, đặc biệt là dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Bên cạnh đó là các dự án Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai; Luật Hòa giải cơ sở; Luật Phòng, chống khủng bố; Luật Giáo dục quốc phòng - an ninh.
 
Các phiên thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 tại hội trường sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp.

A.THƯ

Tin cùng chuyên mục