Quốc hội góp ý sửa đổi Hiến pháp: Xác định rõ khi nào cần trưng cầu dân ý

Tiếp tục thảo luận về sửa đổi Hiến pháp, ngày 16-11, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã tập trung các nội dung như đảm bảo tính độc lập và kiểm soát được quyền lực giữa các nhánh lập pháp, tư pháp, hành pháp; tổ chức cơ quan Nhà nước ở địa phương, thành lập cơ quan bảo vệ Hiến pháp và quyền con người; phân định giữa quyền con người và quyền công dân…

Tiếp tục thảo luận về sửa đổi Hiến pháp, ngày 16-11, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã tập trung các nội dung như đảm bảo tính độc lập và kiểm soát được quyền lực giữa các nhánh lập pháp, tư pháp, hành pháp; tổ chức cơ quan Nhà nước ở địa phương, thành lập cơ quan bảo vệ Hiến pháp và quyền con người; phân định giữa quyền con người và quyền công dân…

  • Kiểm soát chéo các nhánh quyền lực

Nhấn mạnh yêu cầu về một tầm nhìn dài hạn cho Hiến pháp, ĐB Trần Đình Nhã (Thừa Thiên – Huế) đề nghị Ban soạn thảo chú trọng đến nội dung về chiến tranh và hoạt động của QH trong thời chiến. Ông Nhã phát biểu: “Chiến tranh là điều không ai mong muốn, nhưng Hiến pháp cần tiên liệu được mọi trường hợp có thể xảy ra, chẳng hạn như khi chiến tranh xảy ra, QH không họp được thì cơ quan nào sẽ thay thế để đảm đương nhiệm vụ lập pháp và tiến hành các hoạt động khác”? Theo ĐB, cần trao thêm cho Ủy ban Quốc phòng và An ninh một số quyền hạn đặc biệt trong trường hợp xảy ra chiến tranh, song phải báo cáo lại với QH tại kỳ họp gần nhất. Việc sửa đổi quyền hạn của QH về tuyên bố tình trạng chiến tranh và hòa bình chưa đầy đủ, do vậy nên giữ như Hiến pháp hiện hành.

Đưa ra những lý do về sự bất cập trong việc bảo đảm pháp luật được thực thi nghiêm túc, ĐB La Ngọc Thoáng (Cao Bằng) cho rằng, nên quy định thành lập cơ quan bảo hiến, tức Hội đồng Hiến pháp. 

ĐB Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng ủng hộ quan điểm này khi phát biểu: “Tôi đồng ý lập Hội đồng Hiến pháp để kết luận, xử lý các hành vi vi phạm Hiến pháp. Điều đó sẽ tạo khuôn khổ mạnh mẽ để nhân dân bảo vệ quyền lực của mình, bảo vệ cương lĩnh của Đảng, góp phần tăng cường vị thế và sự lãnh đạo”. 

Hướng đến mục tiêu phân định rạch ròi và kiểm soát chặt chẽ hơn các nhánh quyền lực lập pháp, hành pháp, tư pháp, các thiết chế độc lập dự kiến được quy định trong Hiến pháp sửa đổi là Hội đồng bầu cử, Kiểm toán Nhà nước được nhiều ý kiến ĐBQH tán thành. Thậm chí có ý kiến còn đề xuất hiến định cả thiết chế Tổng cục Thống kê như ở một số quốc gia. Một số ý kiến đề xuất tách Thanh tra Chính phủ thành cơ quan Thanh tra Nhà nước độc lập để tăng cường chức năng phòng chống tham nhũng… “Quyền lực Nhà nước là thống nhất. Việc phân công trách nhiệm phải rõ ràng, được kiểm soát và phải có cơ chế kiểm soát có hiệu quả. Chúng ta không chấp thuận tam quyền phân lập và khẳng định quyền lực Nhà nước là thống nhất nhưng có phân công, phân nhiệm rõ ràng”, ĐB La Ngọc Thoáng bình luận.

ĐB Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) đề nghị quyền của Đảng, dân, QH và Chủ tịch nước phải được thể hiện rõ ràng hơn. ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) nói: “Định chế Chủ tịch nước là một trong những định chế để có thể tham gia vào việc điều tiết cân bằng và kiểm soát giữa các quyền. Do đó, tôi đề nghị thiết kế Chủ tịch nước có một số quyền thể hiện được vai trò kiểm soát đó. Trong dự thảo có nêu quyền bãi bỏ văn bản của Thủ tướng Chính phủ, thành viên Chính phủ trái với lệnh, quyết định của Chủ tịch nước. Tôi đề nghị sửa lại là Chủ tịch nước có quyền bãi bỏ văn bản Chính phủ, Thủ tướng, thành viên Chính phủ trái với Hiến pháp và pháp luật”. 

  • Hiến định việc trưng cầu dân ý 

ĐB Hà Hùng Cường phát biểu, một vấn đề quan trọng đã được nói đến trong dự thảo sửa đổi là nguyên tắc: tất cả quyền lực thuộc về nhân dân và sự cần thiết phải hiến định trưng cầu ý dân về Hiến pháp. Cùng với đó là cơ quan bảo vệ hiến pháp chuyên trách để bảo đảm có một bản hiến pháp do dân, vì dân. Dự thảo đã sửa đổi bổ sung theo hướng nhân dân thực hiện các quyền dân chủ trực tiếp đồng thời với dân chủ đại diện. Dự thảo cũng bóc tách quy định quyền của công dân biểu quyết khi nhà nước trưng cầu ý dân thành một điều riêng nhưng vẫn chưa minh định rõ khi nào, điều gì, vấn đề gì nhà nước cần trưng cầu như đã quy định trong Hiến pháp 1946. 

“Tôi nhất trí với quy trình lần này chỉ lấy ý kiến nhân dân cho lần sửa đổi Hiến pháp này. Đồng thời, tôi đề nghị đưa vào Hiến pháp quy định để áp dụng cho những lần sửa Hiến pháp sau này về trưng cầu ý dân. Chỉ một động thái như vậy thôi nhưng thể hiện cao nhất sự kính trọng của QH đối với dân... tạo tiền đề để người dân thể hiện trách nhiệm công dân của mình”, ĐB Hà Hùng Cường phát biểu. 

Liên quan đến vấn đề địa vị pháp lý của chính quyền địa phương, một số ĐB đề nghị, nghiên cứu mô hình chính quyền đô thị của các nước để đưa vào Hiến pháp sửa đổi lần này. Ở nông thôn nên giữ nguyên 4 cấp, nhưng ở đô thị cần giảm bớt đầu mối. Đáng lưu ý, trong khi ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) và một số ĐB khác đưa ra đề xuất bổ sung quy định nhằm khẳng định địa vị pháp lý của chính quyền địa phương thì ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) có quan điểm khác: “Ở nước ta, quan điểm là nhà nước tập trung, đơn nhất, chứ không phải chế độ liên bang, do đó không nên đặt ra vấn đề chính quyền địa phương trong Hiến pháp”. Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Đình Quyền đề nghị bổ sung chế định “Thủ đô được phép ban hành và thực hiện một số chính sách đặc thù”… 

Kết thúc phiên thảo luận về nội dung này, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu khẳng định, ngay sau phiên họp này, Ủy ban Sửa đổi Hiến pháp sẽ chỉ đạo bộ phận giúp việc nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp của ĐBQH, tiến hành trưng cầu ý kiến người dân, hoàn thiện dự thảo trình QH tại kỳ họp thứ 6 (kỳ họp cuối năm 2013). 

A.THƯ - P.THẢO 

Trong phiên họp sáng 16-11, nhân việc QH thảo luận về Hiến pháp mà một trong những nội dung quan trọng nhất là quyền con người, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam Trần Xuân Vinh tâm tư: “Khi QH bàn bạc việc sửa đổi Hiến pháp, trong đó đặc biệt quan tâm đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, thì hôm qua, khu vực thủy điện Sông Tranh 2 đã liên tục xảy ra 2 trận động đất dữ dội, làm rung chấn đến tận TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ngãi, khiến người dân rất không yên tâm. Nếu ta kiên định tư tưởng lấy dân làm gốc mà Đảng và Nhà nước lấy đây làm bài học, phương châm xuyên suốt để lãnh đạo trong quá trình đấu tranh thống nhất và xây dựng đất nước và các ĐB sẽ không vì mục tiêu phát triển kinh tế, với số vốn đã đầu tư vào thủy điện Sông Tranh 2 mà quên đi quyền được sống của người dân đã được Hiến pháp đề cập. Hàng vạn người dân sẽ không còn quyền được sống và mưu cầu hạnh phúc nếu đập Sông Tranh vỡ. Đây không chỉ là nỗi lo, trách nhiệm, niềm trăn trở của chính quyền, đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Nam cũng như các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, mà còn là trách nhiệm và đạo đức của Đảng, của cả hệ thống chính trị”. 

A.THƯ ghi

Tin cùng chuyên mục