Hội thảo về sửa đổi Hiến pháp 1992

Kiểm tra chéo quyền lực bộ máy nhà nước

Hội thảo “Mô hình tổng thể bộ máy nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo dự thảo Hiến pháp (sửa đổi)” đã được Bộ Tư pháp tổ chức ngày 27-12, tại Hà Nội.

(SGGP).– Hội thảo “Mô hình tổng thể bộ máy nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo dự thảo Hiến pháp (sửa đổi)” đã được Bộ Tư pháp tổ chức ngày 27-12, tại Hà Nội.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu quan tâm đến yêu cầu về kiểm soát quyền lực bộ máy nhà nước. TS Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) cho rằng, dự thảo Hiến pháp sửa đổi phải được thể hiện theo hướng bộ máy nhà nước có thể kiểm soát quyền lực lẫn nhau. Có cùng quan điểm, TS Nguyễn Minh Đoan (Đại học Luật Hà Nội) đề nghị, để đảm bảo nguyên tắc tất cả các cơ quan nhà nước, kể cả Quốc hội, đều phải chịu sự giám sát, kiểm soát việc thực hiện quyền lực Nhà nước thì Hiến pháp phải xác định lại vị trí, tính chất của Quốc hội, Chính phủ và TAND, Viện KSND để các cơ quan nói trên có thể kiểm soát chéo nhau trong việc thực hiện quyền lực Nhà nước.

Theo đó, Hiến pháp nên xác định: “Quốc hội là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, thực hiện quyền lập pháp; Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp; Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. Các cơ quan nhà nước kiểm soát lẫn nhau và chịu sự kiểm soát của nhân dân trong việc thực hiện quyền lực Nhà nước”.

Luật sư Lưu Tiến Dũng (Công ty Luật YKVN) cho rằng, nên quy định Quốc hội có thẩm quyền bổ nhiệm, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm và bãi nhiệm, miễn nhiệm các thành viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao - cơ quan cao nhất thực hiện quyền tư pháp. Chủ tịch nước có thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm và bãi nhiệm thẩm phán của tất cả tòa án các cấp chứ không nên để Chánh án TAND tối cao bổ nhiệm thẩm phán tòa án địa phương như hiện nay. Quy định này nhằm bảo đảm Chủ tịch nước với tư cách người đứng đầu Nhà nước trao quyền tư pháp cho thẩm phán - những người sẽ nhân danh Nhà nước thực thi công lý. Việc này đồng thời nâng cao vị thế của thẩm phán, bảo đảm kiểm soát quyền lực của tư pháp; tránh sự khép kín trong công tác bổ nhiệm thẩm phán tòa án địa phương bởi Chánh án TAND tối cao - điều được coi là có khả năng ảnh hưởng đến tính độc lập, khách quan trong xét xử của tòa án địa phương.

Anh Phương

Tin cùng chuyên mục