Phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020

Giải quyết tận gốc nạn ùn tắc và mất an toàn giao thông đô thị

“TPHCM là trung tâm kinh tế năng động dẫn đầu cả nước, có tác động rất quan trọng đến nền kinh tế đất nước nói chung và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng. Những vướng mắc của TPHCM trong quá trình phát triển cũng chính là vấn đề của cả nước, do vậy phải nhanh chóng xem xét giải quyết”, đó là quan điểm của Bộ GTVT đối với việc hỗ trợ TPHCM trong quá trình phát triển thành phố theo NQ 16-NQ/TW được Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông chia sẻ trong bài trả lời phỏng vấn Báo SGGP chiều 11-9.

- Phóng viên: Xin Thứ trưởng cho biết nhìn nhận của mình về những nỗ lực của TPHCM trong việc cải thiện tình trạng giao thông trong thời gian vừa qua?

Thứ trưởng NGUYỄN NGỌC ĐÔNG: Bộ GTVT đánh giá cao những nỗ lực của TPHCM trong việc thực hiện các biện pháp kéo giảm tai nạn, kẹt xe trên địa bàn với những kết quả khá ấn tượng trong những tháng đầu năm 2012 là tai nạn giao thông (TNGT) giảm cả ba mặt: số vụ, số người chết và số người bị thương. Trong bối cảnh hạ tầng giao thông chưa được cải thiện nhiều như hiện nay, những kết quả trên rất đáng mừng nhưng điều mà chúng ta quan tâm là mức độ bền vững của kết quả này như thế nào. Rõ ràng, mặc dù đã rất nỗ lực song TPHCM vẫn đang phải đối mặt với những vấn đề bất cập giao thông trong quá trình phát triển nóng của mình. TNGT tại TP vẫn đang ở mức cao, tình trạng ùn tắc giao thông vẫn xảy ra, trong đó nhiều vụ ùn tắc kéo dài trên 30 phút do hệ thống hạ tầng bị quá tải so với số lượng phương tiện và mật độ lưu thông thực tế.

- Vậy theo thứ trưởng, để có được kết quả bền vững thì những giải pháp cải thiện hạ tầng giao thông TPHCM đưa ra có ý nghĩa như thế nào?

Hạ tầng giao thông hạn chế, quy hoạch đô thị chưa hợp lý và quản lý quy hoạch chưa tốt được cho là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng ùn tắc, mất an toàn giao thông (ATGT). Việc đưa ra các giải pháp mạnh về cải thiện hạ tầng như xây dựng hệ thống giao thông công cộng sức chở lớn, đường sắt đô thị, phát triển đường vành đai, đường trên cao, đường cao tốc, luồng tàu đường biển, đường sông… là các giải pháp quan trọng, mang tính căn cơ, có thể giải quyết những bất cập của tình hình giao thông hiện nay. Bên cạnh đó, việc quy hoạch các khu đô thị, khu thương mại phải tính đến khả năng đáp ứng của hệ thống hạ tầng giao thông, đảm bảo quỹ đất dành cho giao thông tối thiểu 20% - 25%. Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất đó là nhu cầu nguồn vốn đầu tư luôn vượt quá khả năng nguồn lực. Thời gian tới, Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với TPHCM và các bộ ngành để tìm cách tháo gỡ những vướng mắc về mặt cơ chế, đặc biệt là cơ chế huy động vốn từ tư nhân, đồng thời tạo mọi điều kiện có thể để TPHCM đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông thành phố.

- Được biết, từ năm 2007 đến nay, vốn đầu tư cho giao thông TPHCM chỉ 45.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 5,08% nhu cầu vốn theo Quyết định số 101/QĐ-TTg ngày 22-1-2007 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020. Vậy theo thứ trưởng, cần có giải pháp thế nào để ưu tiên cho phát triển hạ tầng giao thông thành phố trong thời gian tới?

Bộ GTVT đánh giá rất cao việc TP đã chủ động đề xuất những biện pháp tháo gỡ khó khăn trong việc phát triển hạ tầng giao thông. Chẳng hạn như đề xuất cho phép UBND TPHCM được quyền tự quyết định hình thức lựa chọn nhà thầu lập dự án đầu tư và đàm phán hợp đồng đầu tư đối với các dự án xây dựng công trình giao thông có tính cấp bách, theo hình thức BOT, BT, PPP và được quyền chỉ định đơn vị thi công, tư vấn thực hiện công trình và chịu trách nhiệm đối với các quyết định của mình. Việc để cho UBND TPHCM chủ động chịu trách nhiệm quyết định hình thức lựa chọn nhà thầu trên nguyên tắc đảm bảo hiệu quả và quyền lợi của phía nhà nước cũng là một trong các giải pháp. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu ban hành cơ chế ưu đãi đặc thù, minh bạch để thu hút nguồn lực đầu tư tư nhân vào lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng giao thông thành phố, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài.

- Cảng biển được coi là thế mạnh kinh tế của TPHCM. trong thời gian tới, Bộ GTVT quan tâm như thế nào đối với việc đầu tư, hoàn thiện hệ thống cảng biển của TP?

Có thể nói, hệ thống cảng TPHCM với cảng Sài Gòn hiện là cảng biển lớn nhất nước về khối lượng hàng hóa thông qua. Trong những năm tới, hệ thống cảng TPHCM vẫn giữ vai trò quan trọng trong hệ thống cảng biển Việt Nam. Theo quy hoạch được phê duyệt, công suất của hệ thống cảng TPHCM đến năm 2030 sẽ đạt khoảng 160 - 271 triệu tấn/năm. Hệ thống cảng TPHCM nằm trong quy hoạch phát triển nhóm cảng biển số 5, nhóm cảng biển phục vụ cho toàn khu vực Đông Nam bộ và các vùng lân cận như Nam Trung bộ, ĐBSCL.

Với quan điểm phát triển vùng như trên, Bộ GTVT đặc biệt quan tâm đến việc phát triển hệ thống cảng TPHCM nói riêng, nhóm cảng biển Đông Nam bộ nói chung để nhóm cảng này đủ năng lực để cạnh tranh với các cảng biển khu vực Đông Nam Á. Chiến lược tiến ra biển Đông đối với một thành phố như TPHCM là phù hợp xu thế chung. Vấn đề đặt ra là để khai thác hiệu quả cảng biển cần tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư dứt điểm hạ tầng kết nối vào cảng, thực hiện tốt quy hoạch di dời các cảng trên sông Sài Gòn và Nhà máy đóng tàu Ba Son để giảm ùn tắc trong khu vực nội thành và ùn tắc hàng hóa ra vào cảng.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT đang phối hợp với UBND TPHCM triển khai dự án đầu tư nạo vét luồng Soài Rạp (giai đoạn 2) cho tàu biển trọng tải đến 30.000 tấn vào các bến cảng khu vực Hiệp Phước đáp ứng nhu cầu phát triển cảng trong giai đoạn tới. Đồng thời với việc thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng kết nối cảng biển và khuyến khích đầu tư có trọng điểm các cảng biển theo quy hoạch nhằm tránh phân tán nguồn lực gây lãng phí, Bộ GTVT cũng phối hợp với UBND TPHCM thực hiện quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hạn chế tối đa xung đột giữa giao thông kết nối cảng và giao thông đô thị.

Bích Quyên (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục