Người dân có thể góp ý về mọi nội dung trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp

Bắt đầu từ hôm nay 2-1-2013, đến ngày 31-3-2013, nhân dân toàn quốc được mời đóng góp ý kiến về dự thảo Hiến pháp sửa đổi Hiến pháp 1992. Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Ủy viên Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Trưởng ban Biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã dành cho Báo SGGP cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này. * Phóng viên:

Bắt đầu từ hôm nay 2-1-2013, đến ngày 31-3-2013, nhân dân toàn quốc được mời đóng góp ý kiến về dự thảo Hiến pháp sửa đổi Hiến pháp 1992. Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Ủy viên Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Trưởng ban Biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã dành cho Báo SGGP cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.

* Phóng viên:
Thưa ông, những đối tượng nào được tham gia góp ý vào việc sửa đổi Hiến pháp?

* Ông PHAN TRUNG LÝ: Đối tượng lấy ý kiến về dự thảo Hiến pháp sửa đổi Hiến pháp bao gồm tất cả các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài, các cơ quan, tổ chức ở trung ương và ở địa phương.

* Người dân có thể góp ý kiến về những nội dung nào trong dự thảo Hiến pháp?

* Nội dung lấy ý kiến là toàn bộ dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, bao gồm lời nói đầu; chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế - xã hội, văn hóa - giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ Tổ quốc; bộ máy nhà nước; hiệu lực của Hiến pháp và quy trình sửa đổi Hiến pháp; kỹ thuật trình bày các quy định của Hiến pháp.

* So với bản dự thảo đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 vừa rồi, bản dự thảo lần này có những điểm gì mới, thưa ông?

* Bản dự thảo lấy ý kiến nhân dân lần này đã làm rõ hơn, đầy đủ hơn vai trò, vị trí lãnh đạo của Đảng, tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc, quan điểm về chủ quyền nhân dân theo hướng nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và các cơ quan khác của Nhà nước, bổ sung và phát triển nguyên tắc “quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” theo tinh thần của cương lĩnh.

Liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, dự thảo làm rõ nội dung quyền con người, quyền công dân, trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân; bổ sung một số quyền mới là kết quả của quá trình đổi mới 25 năm qua ở nước ta, phù hợp với các điều ước quốc tế về quyền con người mà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, dự thảo đã thể chế hóa các quan điểm của Đảng được xác định trong Cương lĩnh về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường; làm rõ hơn tính chất, mô hình kinh tế, vai trò quản lý của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chế độ sở hữu và quyền tự do kinh doanh…

Về bảo vệ Tổ quốc, dự thảo khẳng định và làm sâu sắc hơn vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, sự gắn kết giữa nhiệm vụ đối ngoại với quốc phòng, an ninh trong việc xây dựng đất nước, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

* Đề nghị ông cho biết, việc kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước - một trong những vấn đề đã được nhiều vị đại biểu Quốc hội và các chuyên gia quan tâm cho ý kiến - được thể hiện như thế nào trong dự thảo lần này?

* Kế thừa bản chất và mô hình tổng thể của bộ máy nhà nước trong Hiến pháp năm 1992 theo yêu cầu xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, dự thảo làm rõ hơn nguyên tắc phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; xác định rõ hơn chức năng của cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và điều chỉnh lại một số nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan này; bổ sung một thiết chế hiến định độc lập…

* Dự thảo lấy ý kiến nhân dân chỉ đưa ra một phương án chọn, liệu điều này có làm hạn chế quyền bày tỏ ý kiến của người dân hay không?

* Tôi xin nói rõ là Ủy ban dự thảo Hiến pháp đã chỉ đạo tổ chức rất nhiều hội nghị để tập hợp ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân cũng như nghiêm túc tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp Quốc hội vừa rồi. Dự thảo lần này đưa ra một phương án; nhằm khẳng định chính kiến của Ủy ban dự thảo Hiến pháp, nhưng là trên cơ sở đã nghiên cứu, tiếp thu những ý kiến đóng góp đó. Người dân vẫn có thể góp ý về mọi vấn đề trong dự thảo. Những vấn đề mà nhân dân có nhiều ý kiến khác nhau thì Ban soạn thảo sẽ có sự tiếp thu, chỉnh lý phù hợp

* Bằng cách nào người dân có thể gửi ý kiến đóng góp của mình về dự thảo sửa đổi Hiến pháp?

* Người dân có thể góp ý về dự thảo thông qua nhiều hình thức: hoặc góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản gửi đến các cơ quan, tổ chức mà mình là thành viên để tổng hợp báo cáo Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; gửi ý kiến đóng góp trực tiếp bằng văn bản đến Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, số 37 Hùng Vương, Ba Đình, Hà Nội. Người dân cũng có thể đóng góp bằng email đến hộp thư điện tử ubdtsdhp@qh.gov.vn; đóng góp qua trang thông tin điện tử http://duthaoonline.quochoi.vn; hoặc tham gia thảo luận tại các hội nghị, hội thảo, tọa đàm do các cơ quan và tổ chức tổ chức; cũng như qua các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức phù hợp khác. 

ANH PHƯƠNG thực hiện

Tin cùng chuyên mục