Bất cập công tác tiếp công dân

Vắng vẻ nơi tiếp công dân
Bất cập công tác tiếp công dân

Theo quy định, tại trụ sở các cơ quan hành chính Nhà nước từ phường - xã - thị trấn đến quận huyện và tỉnh, TP đều bố trí một bộ phận tiếp công dân để tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo. Thế nhưng, thực tế tại những nơi này, rất ít người dân đến phản ánh hoặc gửi đơn thư khiếu nại, tố cáo mà phần lớn đều gửi trực tiếp các cơ quan hành chính hoặc gửi vượt cấp đến những nơi không thuộc thẩm quyền giải quyết, khiến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo gặp nhiều khó khăn.

Tổ tiếp công dân thuộc Văn phòng UBND quận 3 lắng nghe phản ánh của người dân.

Tổ tiếp công dân thuộc Văn phòng UBND quận 3 lắng nghe phản ánh của người dân.

Vắng vẻ nơi tiếp công dân

Đến bộ phận tiếp công dân thuộc Văn phòng UBND quận Bình Thạnh vào một buổi sáng thứ hai đầu tuần, chúng tôi nhận thấy cách bố trí nơi tiếp công dân khá rộng rãi, bàn ghế kê ngay ngắn, thoáng mát, tạo không khí thoải mái cho người dân. Nơi đây luôn túc trực 2 nhân viên tận tình hướng dẫn, giải thích mỗi khi có người dân đến trình bày sự việc. Quan sát trong khoảng hơn 30 phút, chỉ có 2 người dân đến hỏi thủ tục xin cấp giấy chứng nhận nhà, đất. “Tôi muốn gặp lãnh đạo quận phản ánh bức xúc về thủ tục hành chính thì làm sao?”, chúng tôi hỏi. Một nhân viên trả lời: “Anh phải viết giấy yêu cầu nói rõ việc gì, sau đó lãnh đạo quận mới xem xét xếp lịch tiếp được…”. Cuối giờ sáng, quay lại nơi đây và ngồi chờ khá lâu, chúng tôi không ghi nhận thêm trường hợp nào đến bộ phận tiếp công dân đăng ký gặp lãnh đạo hoặc phản ánh vụ việc gì liên quan đến khiếu nại, tố cáo.

Đến UBND quận 5 liên hệ gặp Chánh Văn phòng UBND quận đăng ký làm việc với lãnh đạo, mặc dù chúng tôi đã xuất trình thẻ nhà báo, song một nhân viên vẫn hướng dẫn sang gặp bộ phận… tiếp công dân. Thấy chúng tôi ngạc nhiên, một nữ nhân viên tiếp công dân nói: “Ở đây quy định vậy, bất kể ai đến liên hệ công tác đều phải qua… tiếp dân để xếp lịch gặp”. Chánh Văn phòng UBND quận 5 Nguyễn Thị Minh Phượng xác nhận: “Quận có quy định thêm cho bộ phận tiếp công dân nhiệm vụ hướng dẫn, đăng ký làm việc với các bộ phận khi có nhà báo hoặc cán bộ, công chức ở các cơ quan nhà nước đến liên hệ công tác…”.

Tương tự, tại UBND huyện Bình Chánh, mặc dù lãnh đạo quận đã xếp lịch tiếp chúng tôi, nhưng khi vừa đến cửa đã bị nhân viên bảo vệ từ chối cho vào vì chưa qua bộ phận tiếp công dân. Chỉ đến khi chúng tôi gọi điện thoại lên gặp lãnh đạo huyện và một lúc sau nhận được lệnh, nhân viên bảo vệ mới cho vào. Khi quay trở ra, chúng tôi ghé vào bộ phận tiếp công dân thì không gặp người dân nào, trong khi 3 nhân viên tại đây đang rất rảnh rang ngồi chờ việc.

Tại UBND các phường - xã - thị trấn, công tác tiếp công dân thường được giao cho một nhân viên trực văn phòng. Quan sát tại một số nơi, chúng tôi thấy rất ít người dân đến đăng ký gặp lãnh đạo để phản ánh một việc gì hoặc trực tiếp gửi đơn thư khiếu nại, tố cáo theo luật định.

Đủ kiểu “né”

Vụ Trưởng ấp Đông 1, xã Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn) Nguyễn Minh Hùng nhận 30 triệu đồng để làm ngơ cho một công trình xây dựng trái phép mà chúng tôi phản ánh thời gian qua bị phát hiện do một cựu chiến binh trực tiếp gửi đơn tố cáo lên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Hóc Môn. Ông tên Vũ Đức Nhận, trước khi viết đơn tố cáo đã nhiều lần đăng ký gặp UBND xã Thới Tam Thôn để phản ánh sự việc, nhưng không được xếp lịch gặp. Đến khi ông tố cáo lên cấp trên và báo chí lên tiếng đã bị chính Trưởng ấp Nguyễn Minh Hùng cho rằng dựng chuyện, nói sai sự thật và sau đó còn bị nhiều đối tượng trong ấp đe dọa hành hung. Ông Vũ Đức Nhận bức xúc nói: “Nếu chính quyền lắng nghe phản ánh của dân thì vụ việc đã được phát hiện rất sớm”.

Thực hiện Kết luận 72-KL/TU ngày 29-10-2012 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, thời gian qua lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND đã trực tiếp tiếp công dân để xem xét giải quyết các vụ việc khiếu nại tồn đọng, kéo dài. Trong đó, có trường hợp bà Nguyễn Thị Nem (ngụ xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi). Sau khi nghe các cơ quan chức năng báo cáo, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân nhận thấy, nếu công tác tiếp công dân, tuyên truyền, vận động thực hiện tốt tại cơ sở thì vụ việc đã không kéo dài đến hơn 20 năm.

Theo UBND TPHCM, về tổ chức bộ máy và cán bộ làm công tác tiếp công dân còn nhiều bất cập; cơ quan tiếp dân không rõ địa vị pháp lý trong hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước, thiếu thống nhất về tên gọi, mô hình tổ chức, quy chế, cách thức hoạt động. Từ đó dẫn tới hoạt động kém hiệu quả, người dân thiếu niềm tin khi đến phản ánh, hoặc gửi đơn thư khiếu nại, tố cáo tại các bộ phận tiếp công dân, vì sợ bị… chìm xuồng, bị chuyển đơn lòng vòng và chờ đợi không biết đến bao giờ mới được giải quyết.

Từ đầu năm đến nay, có 16 trường hợp công dân khiếu nại vượt cấp do UBND các quận huyện chậm giải quyết và 28 trường hợp khiếu nại vượt cấp do công dân gửi không đúng thẩm quyền.

Nguồn: Văn phòng Tiếp công dân TPHCM

HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục