Thiếu cơ chế phối hợp giải quyết khiếu nại

Thiếu cơ chế phối hợp giải quyết khiếu nại

Phục vụ báo cáo chuyên đề cho kỳ họp HĐND TP vào đầu tháng 12-2013, Ban Pháp chế HĐND TP đã tổ chức đoàn giám sát tại 6 quận huyện và 4 sở ngành TP về tình hình tiếp nhận, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Kết quả đợt giám sát này là cơ sở để HĐND TP có nghị quyết chuyên đề về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới.

* PV: Ông có đánh giá gì về kết quả của đợt giám sát này?

* Ông PHẠM VĂN BÁ: Qua giám sát cho thấy, hầu hết các quận huyện đều có quy chế tiếp công dân và tổ chức tốt lịch tiếp dân hàng tuần. Qua đó, tạo điều kiện để người dân có nơi đến phản ánh, kiến nghị giải quyết những bức xúc của mình về các chính sách pháp luật liên quan. Nhiều nơi tổ chức tốt việc đối thoại, giải quyết các vụ việc khiếu nại, góp phần kéo giảm đơn thư khiếu nại tồn đọng quá hạn so với cùng kỳ.

* Thế nhưng, tại các quận huyện hiện nay, tình trạng vi phạm các quy định pháp luật về giải quyết khiếu nại còn nhiều, thưa ông?

* Theo tôi, phổ biến nhất hiện nay là tình trạng chậm trễ giải quyết đơn thư khiếu nại. Hầu hết các nơi đều có vi phạm về thời hạn giải quyết khiếu nại của công dân. Luật Khiếu nại quy định thời hạn chỉ có 30 ngày (khiếu nại lần đầu) và 45 ngày (khiếu nại lần 2), nhưng tôi thấy phổ biến là trễ hạn 5-6 tháng, nhiều nơi có vụ việc trễ hạn đến 2-3 năm. Điều này khiến người dân bức xúc, dẫn đến khiếu nại vượt cấp, khiếu nại đông người.

* Nhiều nơi, người dân khiếu nại gay gắt, kéo dài nhưng chậm được các cấp xem xét, giải quyết thấu đáo. Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?

* Chủ yếu các quận huyện có nhiều dự án đầu tư, xây dựng đã xảy ra tình trạng khiếu nại gay gắt, kéo dài. Khiếu nại phần lớn là về đơn giá đền bù, tái định cư, chậm triển khai dự án. Mặt khác, theo tôi, cũng có một phần nguyên nhân do chính sách pháp luật của chúng ta có những thay đổi qua các thời kỳ, dẫn đến cách giải quyết mỗi nơi, mỗi thời điểm khác nhau, khiến dân bức xúc, không đồng ý với các quyết định giải quyết khiếu nại.

Cán bộ UBND quận 3 (bìa phải) tiếp dân, giải quyết các vụ việc khiếu nại liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Cán bộ UBND quận 3 (bìa phải) tiếp dân, giải quyết các vụ việc khiếu nại liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

* Vừa qua, người dân phản ánh tình trạng ở nhiều nơi còn đùn đẩy, né tránh trách nhiệm giải quyết khiếu nại của công dân. Qua đợt giám sát, ông có thấy điều này?

* Tình trạng này là có ở nhiều nơi, trong đó phổ biến là chuyển đơn lòng vòng hoặc nhận đơn nhưng không giải quyết, tìm cách trả lại người dân. Mặt khác, qua giám sát, chúng tôi thấy sự phối hợp giữa TP với các cơ quan trung ương, giữa quận huyện với các sở ngành TP là rất yếu. Có vụ việc khiếu nại mà sở ngành phải làm văn bản hỏi UBND xã, rồi nửa năm sau mới có văn bản trả lời. Như vậy làm sao mà dân không bức xúc. Ở đây tôi muốn nói đến cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan từ trước đến nay không có, nên khó quy trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, đơn vị vi phạm các quy định pháp luật về giải quyết khiếu nại của công dân.

* Nhiều cán bộ, công chức ở các cơ quan hành chính Nhà nước vi phạm Luật Khiếu nại, nhưng không thấy xử lý được ai?

* Giám sát tại một số nơi chúng tôi thấy cũng có một vài trường hợp vi phạm các quy định pháp luật về giải quyết khiếu nại bị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm. Tới đây, chúng tôi sẽ kiến nghị HĐND TP phải kiên quyết vấn đề này, không thể để cho cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, vô cảm trước những bức xúc của dân, không giải quyết đúng pháp luật theo thẩm quyền được phân công.

Về việc này, UBND TP cũng rất bức xúc và đang soạn thảo quy định xử lý trách nhiệm đối với những cán bộ, công chức tại các cơ quan hành chính vi phạm các quy định pháp luật về tiếp nhận, giải quyết đơn thư khiếu nại của công dân. Vi phạm lần đầu có thể nhắc nhở, nếu làm sai hết lần này đến lần khác thì phải xem xét chuyển công tác hoặc nặng phải xử lý kỷ luật theo đúng quy định.

"Tổng hợp các vụ việc khiếu nại ở các quận huyện cho thấy nhiều khiếu nại của người dân về đất đai là đúng. Người dân đúng có nghĩa bộ máy chúng ta làm sai. Từ cái sai trong bộ máy dẫn đến một loạt cái sai khác về quy hoạch, quản lý đất đai, đền bù, giải tỏa, tái định cư… cũng cần phải xem lại để giải quyết thỏa đáng, đúng pháp luật cho dân. Mặt khác, tôi thấy nhiều quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu ở cấp quận huyện chưa ổn, dẫn đến đơn khiếu nại trùng, vượt cấp, không đúng thẩm quyền còn nhiều…"

Ông Phạm Văn Bá

HOÀI NAM (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục