Tăng bội chi ngân sách năm 2014 lên 5,3% GDP

* Đề nghị phê chuẩn ông Vũ Đức Đam và ông Phạm Bình Minh giữ chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ

* Đề nghị phê chuẩn ông Vũ Đức Đam và ông Phạm Bình Minh giữ chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ

Ngày 12-11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2014 và điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước năm 2013. Theo nghị quyết, năm 2014, tổng số thu cân đối ngân sách là 782.700 tỷ đồng; tổng số chi cân đối là 1.006.700 tỷ đồng; mức bội chi là 224.000 tỷ đồng, tương đương 5,3% GDP.

Triệt để tiết kiệm

Tại nghị quyết trên, Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, cơ cấu lại thu, chi ngân sách, phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô; triệt để tiết kiệm chi cho bộ máy quản lý nhà nước và sự nghiệp công; thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ chế khoán chi và bố trí kinh phí theo hiệu quả công việc; cắt giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, chi công tác nước ngoài, chi cho hoạt động lễ hội, lễ kỷ niệm, khởi công, khánh thành, tổng kết và các khoản chi chưa cần thiết khác, không mua xe công (trừ xe chuyên dùng theo quy định của pháp luật); quản lý chặt chẽ để hạn chế tối đa chi chuyển nguồn…

Nghị quyết cũng đưa ra nội dung quan trọng khác là yêu cầu Chính phủ tiến hành thu phần cổ tức được chia năm 2014 cho phần vốn nhà nước của các công ty cổ phần có vốn góp của nhà nước do bộ, ngành, địa phương đại diện chủ sở hữu và phần lợi nhuận còn lại sau khi trích nộp các quỹ theo quy định của pháp luật của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ. Chính phủ hướng dẫn cơ chế thu, phân bổ và quản lý sử dụng có hiệu quả.

Theo Nghị quyết về điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước năm 2013, Quốc hội giao Chính phủ nâng mức bội chi ngân sách để bù đắp số hụt thu ngân sách trung ương nhưng không quá 195.500 tỷ đồng (tương đương 5,3% GDP ước thực hiện). Ngoài ra, Quốc hội cũng đồng ý giao cho Chính phủ cho phép các địa phương không đủ nguồn bù đắp hụt thu ngân sách được sử dụng không quá 70% quỹ dự trữ tài chính để bù vào số hụt thu ngân sách năm 2013.

Cùng ngày, với 89,26% đại biểu tán thành, Quốc hội đã phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Nguyễn Thiện Nhân. Cũng với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua nghị quyết tăng số lượng Phó Thủ tướng lên 5 người. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đọc tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự giữ chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Vũ Đức Đam và ông Phạm Bình Minh; và tờ trình về việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đối với ông Vũ Đức Đam.

Cuối phiên làm việc sáng 12-11, Quốc hội thảo luận tại đoàn về nội dung các tờ trình trên của Thủ tướng Chính phủ. Việc phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng sẽ được thực hiện sáng 13-11.

Hạn chế tai nạn giao thông đường thủy

Chiều 12-11, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa (ĐTNĐ). Theo báo cáo của Chính phủ, hiện nay cả nước có hơn 80.577km sông, kênh, rạch, trong đó có gần 42.000km có hoạt động giao thông vận tải. Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước mới tổ chức, quản lý được hơn 19.000km (chiếm tỷ lệ 45% số kilômét có hoạt động giao thông đường thủy) do khó khăn về kinh phí, đặc biệt đối với các địa phương.

Trong khi đó, trên các sông, kênh chưa được tổ chức quản lý, hoạt động giao thông ĐTNĐ của nhân dân vẫn diễn ra mà không chịu sự điều chỉnh của luật. Vì vậy, khi có tai nạn liên quan đến phương tiện ĐTNĐ xảy ra ở ngoài phạm vi luồng (đối với các sông, kênh, rạch được tổ chức quản lý) và trên các sông, kênh, rạch chưa được tổ chức, quản lý thì các cơ quan quản lý nhà nước gặp khó khăn trong việc xử lý, giải quyết vụ việc do khu vực này không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Giao thông ĐTNĐ năm 2004. Do đó, luật sửa đổi sẽ mở rộng phạm vi điều chỉnh để phù hợp với thực tế trên đây. Dự luật cũng bổ sung quy định về “Cứu nạn giao thông đường thủy nội địa”, “Cứu hộ giao thông đường thủy nội địa” và “Nguyên tắc cứu hộ” để có cơ sở thực hiện, giải quyết vụ việc vì các hoạt động này đang diễn ra trong thực tế, tương tự như quy định tại Bộ luật Hàng hải Việt Nam…

Thẩm tra dự luật trên, Ủy ban Khoa học - Công nghệ và môi trường (KH-CN&MT) của Quốc hội cho biết, sửa luật cần đồng thời tăng cường hơn nữa việc bảo đảm an toàn trong giao thông đường thủy. Đa số ý kiến các thành viên của ủy ban nhất trí với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh. Tuy nhiên, cũng có ý kiến còn băn khoăn trước việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật, trong khi hiện nay “mới tổ chức, quản lý được hơn 19.000km, chỉ chiếm tỷ lệ 45% số kilômét có hoạt động giao thông đường thủy”. Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo có giải trình thêm về vấn đề này. Về đề nghị mở rộng loại phương tiện miễn đăng ký, đăng kiểm, Ủy ban KH-CN&MT nhận thấy sau 8 năm thực hiện, loại phương tiện cần đăng ký chỉ đạt 34% và số phương tiện phải đăng kiểm chỉ đạt 61% là rất thấp. Trong đó có thể có nguyên nhân do quy định về đăng ký, đăng kiểm chưa phù hợp với thực tế cuộc sống, đặc biệt đối với dân cư ở ĐBSCL, nơi phương tiện đường thủy là phổ biến.

“Việc xem xét quy định những loại phương tiện nào cần đăng ký, đăng kiểm phải xuất phát trước hết từ yêu cầu bảo đảm an toàn giao thông, an toàn tính mạng người tham gia giao thông chứ không phải chỉ để giải quyết tình trạng quá tải và những bất cập của công tác đăng ký, đăng kiểm. Do đó, cần phân tích rõ các nguyên nhân của những hạn chế trong việc thực hiện đăng ký, đăng kiểm để điều chỉnh các quy định liên quan nhằm quản lý phương tiện phù hợp với thực tế, bảo đảm an toàn giao thông đường thủy” - Ủy ban KH-CN&MT nhận định.

Chiều cùng ngày, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Nhiều đại biểu đề nghị quy định chi tiết chuẩn công chứng viên theo hướng nâng cao chất lượng của đội ngũ công chứng viên, trong đó có trình độ ngoại ngữ. Vì hiện nay, trình độ của công chứng viên còn hạn chế khiến hoạt động công chứng gặp rất nhiều rủi ro, biểu hiện cụ thể ở chỗ công chứng viên thường không có trình độ ngoại ngữ nhưng phải công chứng các văn bản dịch từ tiếng nước ngoài…

NGỌC QUANG - PHAN THẢO


  • Dự kiến chất vấn 4 bộ trưởng, trưởng ngành tại Quốc hội

Đoàn thư ký kỳ họp thứ 6 của Quốc hội vừa gửi phiếu hỏi ý kiến các ĐBQH về danh sách các bộ trưởng, trưởng ngành sẽ trả lời chất vấn tại kỳ họp này. Danh sách gợi ý gồm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ trưởng Bộ KH-CN, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT và Chánh án TAND tối cao. Từ danh sách gợi ý này cũng như ý kiến của các ĐBQH, sẽ có 4 vị bộ trưởng, trưởng ngành được lựa chọn chính thức để trả lời chất vấn trước Quốc hội. Đoàn thư ký kỳ họp cho biết, tính đến chiều ngày 8-11 đã có 101 văn bản chất vấn của 45 vị đại biểu gửi đến Thủ tướng và 21 vị bộ trưởng, trưởng ngành.

Phiên chất vấn tại Quốc hội dự kiến diễn ra vào tuần sau trong thời gian 3 ngày. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ là người cuối cùng đăng đàn, khép lại phiên đối thoại, trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu tại kỳ họp này.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục