Đồng tình phải có quy hoạch về bảo vệ môi trường

Chiều 25-11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật bảo vệ môi trường sửa đổi.
Đồng tình phải có quy hoạch về bảo vệ môi trường

(SGGPO). - Chiều 25-11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật bảo vệ môi trường sửa đổi. Hầu hết các đại biểu Quốc hội đều cho rằng hành vi vi phạm pháp luật về môi trường ngày càng trầm trọng, đe dọa sức khỏe cộng đồng, ảnh hưởng đến nòi giống, vì thế, cần thiết phải sửa luật để có chế tài nghiêm minh đối với hành vi này.

Đại biểu Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) cho rằng, vi phạm pháp luật về môi trường đang ngày càng trầm trọng, có nhiều nguyên nhân, một phần do công tác thực thi pháp luật chưa đủ mạnh, chế tài chưa đủ răn đe.  “Đề nghị dừng hoạt động, thu hồi giấy phép hoạt động với các cơ sở vi phạm. Đồng thời, phải có cơ chế để tôn vinh những cơ sở, cá nhân có thành tích trong bảo vệ môi trường, bảo đảm thưởng-phạt nghiêm minh, công bằng của pháp luật”, đại biểu Hương nói.

Một góc hệ thống xử lý nước thải tại Cty KINDO. Ảnh: Cao Thăng
Một góc hệ thống xử lý nước thải tại Cty KINDO. Ảnh: Cao Thăng

Đại biểu Đỗ Thị Huyền Tâm (Bắc Ninh) đề nghị về đánh giá tác động môi trường của các dự án do Thủ tướng quyết định, dự thảo luật yêu cầu phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường trong giai đoạn làm dự án tiền đầu tư. Đây là yêu cầu cần thiết. “Từ thực tế các dự án thủy điện bị loại bỏ cho thấy, nếu có đánh giá tác động môi trường sơ bộ ngay trong giai đoạn xây dựng dự án báo cáo tiền khả thi sẽ hạn chế được lãng phí đầu tư cho doanh nghiệp và xã hội. Cần thiết phải quy định điều này”, đại biểu Huyền Tâm nhấn mạnh. Tuy nhiên, cả đại biểu Huyền Tâm, đại biểu Nguyễn Minh Lâm (Long An) cho rằng nếu báo cáo đánh giá tác động môi trường sơ bộ phải có ý kiến Bộ Tài nguyên-Môi trường thì sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp, làm nảy sinh cơ chế xin cho. Vì vậy, chỉ cần quy định báo cáo đánh giá tác động môi trường sơ bộ cũng phải được xem xét cùng với báo cáo tiền đầu tư.

Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) đề nghị bổ sung, làm rõ vai trò của quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, vì hiện nay trách nhiệm quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này còn chồng chéo, kém hiệu quả. Luật cần coi đây là yếu tố nòng cốt. Cùng với đó, phải quy định trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ môi trường, từ khâu quy hoạch, lập dự án.

Đại biểu Trương Văn Vở cũng đồng ý với ý kiến của các đại biểu Quốc hội khác về việc cần có quy hoạch về bảo vệ môi trường. Không thể để tái diễn tình trạng quy hoạch thủy điên, phá rừng tràn lan nhưng trách nhiệm thì không rõ như hiện nay. Ngoài ra, cần có chính sách khuyến khích về ứng dụng công nghệ mới, thân thiện với môi trường. Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho rằng, cần có quy hoạch môi trường, vì hiện nay tình trạng xây dựng tràn lan các nhà máy, khu công nghiệp, thủy điện .. đang gây hệ quả nghiêm trọng cho môi trường. Đại biểu Lê Thị Công (Bà Rịa-Vũng Tàu) đồng tình, cần có quy hoạch bảo vệ môi trường, trên cơ sở đó các địa phương có quy hoạch phát triển nhưng không được vi phạm quy hoạch bảo vệ môi trường mà Chính phủ đã phê duyệt. Điều này sẽ tránh được tình trạng cát cứ trong đầu tư ở địa phương hiện nay đã xâm phạm nặng nề môi trường các lưu vực sông. Đại biểu Nguyễn Minh Lâm (Long An) cũng đồng tình Luật đưa vấn đề quy hoạch bảo vệ môi trường, là cơ sở để các địa phương  thưc hiện quy hoạch phát triển phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường.

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cũng cho rằng, những quan điểm về xã hội hóa trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cần được luật hóa để tránh sự cảm tính, tùy tiện trong ứng xử với môi trường. Cần bổ sung quy định về xã hội hóa về bảo vệ môi trường. Đối với báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược, đại biểu Đỗ Văn Vẻ đề xuất cần thành lập Hội đồng thẩm định độc lập để đánh giá. Cũng theo đại biểu này, ngoài các chế tài, biện pháp xử lý hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường, cần có các công cụ thuế, phí để điều chỉnh hành vi ứng xử đối với bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. “Biến đổi khí hậu đang là vấn đề toàn cầu, cần có Luật riêng chứ không nên gộp vào Luật bảo vệ môi trường”, đại biểu Đỗ Văn Vẻ phát biểu…

Làm rõ trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước về công trình xây dựng

Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) sáng 25-11, đa số các ý kiến đại biểu Quốc hội đều thống nhất về sự cần thiết sửa đổi Luật cho phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay nhằm hạn chế những thất thoát, lãng phí trong xây dựng.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) nhận định, dự thảo Luật cơ bản giải quyết những mâu thuẫn chồng chéo, bảo đảm sự thống nhất với các luật có liên quan khác như Luật Đất đai, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Doanh nghiệp... Đặc biệt, việc sửa đổi lần này đã thể hiện được vai trò và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước; phần nào nâng cao được hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, chống thất thoát, lãng phí theo nguyên tắc tiền kiểm; tập trung kiểm soát kỹ vấn đề quy hoạch, tiêu chuẩn về chất lượng, bảo vệ môi trường...

Ghi nhận việc dự thảo Luật đạt được sự thống nhất trong hoạt động thu hút nguồn lực đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế, nâng cao hiệu quả đầu tư; ông Bảo cho rằng, vừa qua, nhiều dự án có quy mô vốn đầu tư rất lớn, nhưng do không phân rõ chức năng quản lý nhà nước về cấp và loại công trình nên đã nảy sinh nhiều bức xúc như thiếu không gian xanh, đường giao thông, thiếu công trình hạ tầng môi trường... Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả thực thi của Luật, ông Bảo đề nghị “Chính phủ cần sửa đổi Luật Quy hoạch, Luật Nhà ở, Luật Kiến trúc sư để tạo sự đồng bộ quản lý trong ngành”.

Vẫn ông Bảo lưu ý, việc quản lý quy hoạch các tuyến đường cao tốc, hành lang kinh tế chạy qua nhiều địa phương còn nhiều bất cập. Vì vậy, đề nghị Luật phân định rõ trách quản lý nhà nước giữa các đơn vị bộ, ngành trong vấn đề này.

Chia sẻ mối quan tâm về quy hoạch xây dựng, đại biểu Lê Trọng Sang (TPHCM) chỉ rõ, dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) không có quy định nào về tiếp thu ý kiến cộng đồng sau khi lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch xây dựng. Chính điều này làm cho đồ án sau khi được phê duyệt thiếu tính khả thi, dẫn đến quy hoạch treo, gây lãng phí ngân sách, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Đại biểu Lê Trọng Sang yêu cầu ban soạn thảo cần có sự tổng kết, đánh giá thấu đáo về vấn đề này và bổ sung những điều khoản cần thiết để ràng buộc trách nhiệm của các tổ chức liên quan. “Đạt bao nhiêu thì được coi là đồng thuận; không tiếp thu, giải trình thì trách nhiệm thuộc về ai? Bên cạnh đó, cần quy định rõ vai trò các tổ chức quản lý độc lập, cơ quan độc lập thẩm định và phê duyệt quy hoạch xây dựng để bảo đảm tính khách quan, cũng như chất lượng của đồ án quy hoạch xây dựng. Đề nghị Chính phủ xây dựng, ban hành quy chế giám sát quy hoạch xây dựng để bảo đảm quy hoạch xây dựng có tính khả thi; phát hiện nhanh, xử lý kịp thời những quy hoạch xây dựng không phù hợp, kém chất lượng”, ông Lê Trọng Sang nói.

Đại biểu Nguyễn Văn Bình (Hải Phòng) đặc biệt lưu ý đến khâu lập và kiểm soát thiết kế cơ sở -  một nội dung cốt lõi của dự án đầu tư xây dựng. Ông Bình đề nghị ban soạn thảo xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước khi công trình xây dựng kém hiệu quả, chất lượng không tốt, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của nhân dân.

Mặt khác, vẫn theo Đại biểu Nguyễn Văn Bình, công tác thanh tra, kiểm tra của Nhà nước trong quá trình đầu tư xây dựng trước khi đưa công trình vào sử dụng là rất quan trọng, do công trình xây dựng chất lượng kém có thể ảnh hưởng đến sinh mạng cộng đồng. Đề nghị Luật có điều khoản giao cho Bộ Xây dựng chủ trì ban hành quy định thống nhất việc tổ chức thẩm định cho phù hợp với năng lực thực tế ở các bộ ban ngành và địa phương. 

* Chiều 25-11, QH đã biểu quyết thông qua Luật Tiếp công dân. Theo đó, luật quy định các ban tiếp công dân là các đơn vị độc lập để trực tiếp quản lý và hoạt động thường xuyên tại các trụ sở tiếp công dân ở từng cấp. Tại Trung ương, ban tiếp công dân Trung ương trực thuộc Thanh tra Chính phủ. Tại địa phương, ban tiếp công dân ở tỉnh, huyện trực thuộc UBND cấp tương ứng. Luật cũng khẳng định trách nhiệm tiếp công dân của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, trong đó bổ sung và nhấn mạnh trách nhiệm tiếp công dân của các bộ, cơ quan ngang bộ, tổng cục và các tổ chức tương đương, cục, UBND các cấp, cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh, cấp huyện, trong đó có trách nhiệm tiếp dân của người đứng đầu...

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng.

Thông qua Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật

Cũng sáng 25-11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật với đa số phiếu tán thành.

Ngay trước khi thông qua dự thảo Luật, các đại biểu đã đóng góp và cho ý kiến nhằm hoàn thiện các nội dung, quy định cụ thể. Các ý kiến đánh giá cao việc giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, song cũng có một số ý kiến góp ý đề nghị làm rõ hoặc quy định cụ thể hơn nội dung một số điều, khoản trong dự thảo Luật. 

Theo ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, trong số các hành vi bị cấm (Điều 13), có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị trong điều kiện trang thiết bị phân tích của nước ta còn hạn chế thì chỉ nên quy định các cây giống kèm theo đất được nhập khẩu vào một số cửa khẩu nhất định, không nên quy định cấm đưa đất vào Việt Nam.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đất là vật thể có nguy cơ mang sinh vật gây hại cao, việc kiểm dịch và xử lý đối với đất phức tạp, đòi hỏi phải có máy móc, thiết bị có độ chính xác cao... Đối với nước ta, với đường biên giới dài, lượng hàng hóa thực vật trao đổi qua cửa khẩu chính thức lẫn đường mòn biên giới là rất lớn, vì thế việc kiểm soát thực vật mang theo đất là rất khó khăn.

Lô thuốc bảo vệ thực vật lậu bị lực lượng thanh tra nông nghiệp TP Hà Nội bắt giữ hồi tháng 10-2013 tại huyện Ba Vì. Ảnh: TL

Lô thuốc bảo vệ thực vật lậu bị lực lượng thanh tra nông nghiệp TP Hà Nội bắt giữ hồi tháng 10-2013 tại huyện Ba Vì. Ảnh: TL

Để bảo vệ sản xuất nông nghiệp trong nước, chúng ta đã có nhiều cố gắng trong công tác kiểm dịch thực vật, không cho phép các sản phẩm thực vật mang theo đất nhập vào. Vì vậy, dự thảo Luật quy định cấm đưa đất vào Việt Nam, trừ trường hợp được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (như dùng để nghiên cứu khoa học, quà tặng mang tính chất ngoại giao….) là hợp lý.

Về đề nghị bổ sung nội dung không áp dụng hoặc cố tình áp dụng không đúng các biện pháp phòng, chống dịch để sinh vật gây hại lây lan gây hậu quả nghiêm trọng, ông Dũng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, thể hiện lại trong dự Luật.

Liên quan đến việc tiêu hủy thuốc bảo vệ thực vật, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung quy định về kiểm tra chất lượng thuốc bảo vệ thực vật vô chủ trước khi tiêu hủy vì nhiều lô thuốc bảo vệ thực vật vô chủ vẫn còn hạn sử dụng, chất lượng vẫn còn tốt để tránh lãng phí nguồn kinh phí của UBND cấp tỉnh trong việc tiêu hủy lượng thuốc bảo vệ thực vật này.

Tuy nhiên, “trên thực tế thuốc bảo vệ thực vật vô chủ hiện nay chủ yếu là thuốc nhập lậu, không có nguồn gốc xuất xứ, thuốc giả... Nếu quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước là phải kiểm tra chất lượng thuốc bảo vệ thực vật vô chủ trước khi tiêu hủy là không khả thi, vì cơ quan này không có đủ kinh phí, nhân lực và trang thiết bị để thực hiện. Do vậy, không bổ sung quy định nội dung này trong dự thảo Luật để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật”, ông Dũng giải thích.

Theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, thuốc bảo vệ thực vật của Việt Nam chủ yếu là nhập khẩu với lượng sử dụng khoảng 70.000 tấn thuốc thành phẩm/năm; tổng doanh thu khoảng 1 tỷ USD. Tương ứng với lượng thuốc bảo vệ thực vật thành phẩm nói trên là lượng bao gói sau sử dụng khoảng 7.000 tấn/năm (khoảng 10% tổng lượng thuốc bảo vệ thực vật thành phẩm).

Với chi phí xử lý 25 triệu đồng/tấn thì tổng chi phí cho việc tiêu hủy ước tính là gần 200 tỷ đồng/năm. Như vậy, nếu quy định thuế bảo vệ thực vật trung bình khoảng 2% tổng doanh thu bán thuốc thì ngân sách nhà nước sẽ có đủ kinh phí thực hiện việc thu gom và tiêu hủy bao gói sau sử dụng.

Vì vậy, kinh phí thu gom và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật được quy định thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương. Dự thảo Luật cũng đã bổ sung quy định nghĩa vụ của cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân buôn bán thuốc bảo vệ thực vật trong việc thực hiện quy định của pháp luật về thuế bảo vệ môi trường và các quy định khác của pháp luật.

Phan Thảo - Anh Phương

>> Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014

>> Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu: Hiến pháp không quy định đóng tiền thay thế nghĩa vụ quân sự

Tin cùng chuyên mục