Sức mạnh lòng dân

Kỷ niệm 83 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; 45 năm cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968; 40 năm ngày ký Hiệp định Paris, ngày 2-2, Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Bộ Tư lệnh Quân khu 9, UBND TPHCM, UBND TP Cần Thơ, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp thực hiện cầu truyền hình “Bản hùng ca mùa xuân” về cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân - một trong những sự kiện lịch sử đã đưa cách mạng Việt Nam lên một tầm cao mới.
Sức mạnh lòng dân

Kỷ niệm 83 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; 45 năm cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968; 40 năm ngày ký Hiệp định Paris, ngày 2-2, Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Bộ Tư lệnh Quân khu 9, UBND TPHCM, UBND TP Cần Thơ, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp thực hiện cầu truyền hình “Bản hùng ca mùa xuân” về cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân - một trong những sự kiện lịch sử đã đưa cách mạng Việt Nam lên một tầm cao mới.

Tiết mục văn nghệ kỷ niệm 45 năm Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân. Ảnh: LÃ ANH

Tiết mục văn nghệ kỷ niệm 45 năm Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân. Ảnh: LÃ ANH

Cầu truyền hình tổ chức tại 3 đầu cầu: TPHCM - Thừa Thiên-Huế - Cần Thơ với sự tham dự các đồng chí: Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương; Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước; Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND tối cao; Lê Hoàng Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế; Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ... Ngoài ra còn có sự tham dự đông đảo, trực tiếp của nhân dân các tỉnh, thành ở các đầu cầu và người dân cả nước qua truyền hình.

Qua cầu truyền hình, khán giả được gặp gỡ và nghe chính các nhân vật góp phần làm nên sự kiện lịch sử kể về thế trận tuyệt vời ấy. Để giữ Huế trong suốt 26 ngày đêm, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thu, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu IV, kể lại: “Ngoài tinh thần chiến đấu của bộ đội còn có sự giúp đỡ của nhân dân địa phương. Chúng tôi chỉ mang đủ thực phẩm cho mấy ngày nên 26 ngày đêm thì phải dựa hoàn toàn vào dân. Dân cung cấp lương thực, chăm sóc thương binh, chỉ đường...”.

Hiểu hơn ai hết sức mạnh của lòng dân, Trung tướng Nguyễn Thới Bưng, Sư đoàn phó Sư đoàn 9, lực lượng chủ lực của Bộ Tư lệnh Miền tấn công vào Sài Gòn - Gia Định cho rằng: “Làm sao đưa vũ khí vào TP? Làm sao đưa hàng trăm anh em biệt động, đặc công vào ở trong Sài Gòn? Làm sao đem vào hàng tấn vũ khí áp sát Sài Gòn để chuẩn bị hành động ngay? Tất cả đều nhờ đồng bào. Nổi bật nhất trong giai đoạn này là quân và dân cùng chiến đấu. Hàng ngàn thương binh cũng được người dân đưa lần lượt về xã An Tịnh - nơi mà Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã khẳng định là “xã bất hợp tác với địch”. 800 thương binh về đó, dân giấu hết, nuôi hết. Dường như đã có một sức mạnh vô hình không thể kể được”.

Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, Cần Thơ và Vĩnh Long được chọn là 2 trọng điểm tiến công trên chiến trường ĐBSCL. Đất Vòng Cung - cửa ngõ phía Tây của Cần Thơ được chọn làm điểm hẹn bí mật của các lực lượng. Cũng chính nơi đây đã diễn ra các trận chiến giằng co giữa ta và địch ròng rã suốt hơn 2 tháng. Bà Huỳnh Thị Lành, người dân Vòng Cung, nhớ lại: “Tất cả lương thực bà con có đều đem cho bộ đội ăn. Ba, bốn nhà có một cái hầm bí mật, nếu có động, anh em xuống trốn, hễ tĩnh thì 6, 7 giờ sáng lên, bà con tiếp tục chăm sóc”.

Đại tá Võ Tấn Dũng, nguyên Tiểu đội phó Tiểu đoàn Tây Đô 1, kể lại: Nhiều gia đình đào hầm bí mật ngay trong nhà để nuôi chúng tôi. Như An Bình có đến 205 hầm bí mật, 125 gia đình liệt sĩ; nhiều chị em phụ nữ ở Vòng Cung tự nguyện chăm sóc con cho thương binh… “Nếu Huế có dãy Trường Sơn, TPHCM có đất thép Củ Chi thì ở Cần Thơ có địa đạo lòng dân. Chính địa đạo lòng dân đã cưu mang, đùm bọc, che chở cho chúng tôi đến ngày toàn thắng” - đại tá Võ Tấn Dũng nói.

Đạn chen đầu đạn, bom kề hố bom nhưng lạ thay, từ trong xác xơ đổ nát ấy, từ những khu vườn tan hoang ấy, sự sống vẫn tồn sinh. Nhiều gia đình quyết bám đất, cùng bộ đội chiến đấu tới cùng.

Các nhân chứng lịch sử từng tham gia cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 giao lưu với các đại biểu. Ảnh: LÃ ANH

Các nhân chứng lịch sử từng tham gia cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 giao lưu với các đại biểu. Ảnh: LÃ ANH

Thắng lợi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 đã làm lung lay tận gốc ý chí xâm lược của Mỹ, buộc Mỹ phải chịu thất bại hoàn toàn trong chiến lược chiến tranh cục bộ và ngồi vào bàn đàm phán với ta ở Paris. Nhưng đến ngày 18-12-1972, Nixon cho máy bay chiến lược B52 ném bom hủy diệt Hà Nội, Hải Phòng và một số TP, thị xã ở miền Bắc nhằm mục đích đưa Việt Nam về thời kỳ đồ đá. 12 ngày đêm đánh trả sáng tạo và ngoan cường, quân dân ta đã đập tan cuộc không kích dã man và làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ trên không, buộc Mỹ phải chấm dứt ném bom, quay lại đàm phán và đồng ý ký kết Hiệp định Paris theo những điều kiện của ta. Ngày 27-1-1973, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký kết. Từ động lực đó, nhân dân cả nước tiếp tục giương cao ngọn cờ cách mạng dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng, tiến lên giành độc lập, tự do và thống nhất toàn vẹn lãnh thổ.

45 năm đã trôi qua, cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 mãi khắc sâu trong lịch sử dân tộc như một bản trường ca bất tử về một dân tộc anh hùng. 

HỒNG HIỆP

Người dân rất kỳ vọng vào Đảng, là khẳng định của nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan tại cuộc giao lưu trong chương trình Mãi mãi niềm tin theo Đảng, kỷ niệm 83 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra tối 2-2, ở Nhà hát Lớn Hà Nội. Theo đồng chí Vũ Khoan, trong năm 2012 vừa qua, với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về công tác xây dựng Đảng, dưới góc độ của một người dân thường, đồng chí nhận thấy người dân còn kỳ vọng rất nhiều vào Đảng. “Bởi vậy, Đảng cần phải tiếp tục tạo dựng, củng cố lòng tin của người dân với mình bằng những việc làm cụ thể, phù hợp. Lòng tin không chỉ từ kêu gọi, khẩu hiệu mà phải bằng hành động và quyết sách hợp với lòng dân” - đồng chí Vũ Khoan nhấn mạnh.

Chương trình giao lưu nghệ thuật Mãi mãi niềm tin theo Đảng do Tạp chí Cộng sản phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.

TR. BÌNH

Tin cùng chuyên mục