Đổi mới toàn diện hoạt động tiếp dân

“Phân vai” thật rõ trong hoạt động tiếp dân

Dự án Luật Tiếp công dân đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến trong phiên họp sáng qua 19-3. Chiều cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.

“Phân vai” thật rõ trong hoạt động tiếp dân

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự án Luật Tiếp công dân gồm 10 chương, 71 điều, quy định về việc tổ chức công tác tiếp công dân của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công chức tiếp công dân; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc tiếp công dân; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của trụ sở tiếp công dân; quản lý công tác tiếp công dân; điều kiện bảo đảm hoạt động tiếp công dân; khen thưởng và xử lý vi phạm trong công tác tiếp công dân.

Qua thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, nhiều ý kiến trong ủy ban cho rằng dự án Luật Tiếp công dân do Chính phủ trình lần này thực tế mới chỉ pháp điển hóa một phần các quy định hiện có về công tác tiếp công dân (chủ yếu là việc tiếp công dân tại các cơ quan hành chính nhà nước). Quy định như vậy sẽ là không toàn diện vì công tác tiếp công dân là công việc thường xuyên của hầu hết các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Đồng thời, việc giao UBTVQH, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Văn phòng Chủ tịch nước... quy định riêng về việc tiếp công dân trong cơ quan, tổ chức mình sẽ tiếp tục tạo ra sự thiếu đồng bộ, thống nhất trong công tác này.

Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ tiếp tục đầu tư nghiên cứu, hoàn thiện dự án luật để có thể giải quyết một cách thấu đáo hơn các vấn đề như: trách nhiệm tiếp công dân, sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong công tác tiếp công dân, trách nhiệm phối hợp tiếp và xử lý trường hợp các nội dung khiếu nại, kiến nghị, phản ánh liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, cơ chế phối hợp cung cấp thông tin... và nhất là cơ chế, mô hình tổ chức, hoạt động tiếp công dân của QH, HĐND và một số cơ quan nhà nước khác.

Phát biểu tại phiên họp, nhiều thành viên UBTVQH tán thành quan điểm của cơ quan thẩm tra. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của nhân dân vừa qua vẫn chưa đạt yêu cầu. Chủ tịch QH yêu cầu các cơ quan soạn thảo và thẩm tra cần làm rõ, khi dự án luật được ban hành, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân có những bước tiến mới không, có tốt hơn, hiệu quả hơn hiện tại hay không. Theo Chủ tịch QH, dự án luật cần làm rõ được sự khác nhau giữa tiếp công dân để giải quyết vấn đề và tiếp công dân để giám sát. Những quy định về tiếp công dân như trong dự án luật giữa các cơ quan hành pháp, tư pháp và cơ quan dân cử chưa có sự khác nhau nhiều, cần phải thể hiện cho được sự khác nhau này.

Từ góc nhìn khác, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng cần bổ sung quy định nghĩa vụ của người đi khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cần đến đúng các địa điểm tiếp dân theo quy định; tránh tình trạng khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị tràn lan, vượt cấp, có lúc gây áp lực không đáng có tới các cơ quan hành chính, mặc dù các vụ việc đã được giải quyết đúng người, đúng việc…

Quy định cụ thể trách nhiệm người đứng đầu trong PCCC

Chiều cùng ngày, UBTVQH đã nghe và cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy (PCCC). Theo Tờ trình của Chính phủ về vấn đề này, một nội dung sửa đổi quan trọng trong dự án luật so với hiện hành là quy định cụ thể hơn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức và trách nhiệm của chủ gia đình trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC; trong đó bổ sung trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức do thiếu trách nhiệm để xảy ra cháy, nổ phải bồi hoàn chi phí chữa cháy. Nếu gây thiệt hại cho cá nhân, cơ quan, tổ chức khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, bổ sung nội dung về phòng cháy đối với công trình cao tầng, công trình trên mặt nước, công trình ngầm, đường hầm và công trình khai thác khoáng sản, nhà khung thép mái tôn theo hướng quy định cụ thể về điều kiện an toàn PCCC đối với loại công trình này; bổ sung các quy định quan trọng, cốt lõi về PCCC nhằm đảm bảo điều kiện thoát nạn, cứu người, tài sản, chữa cháy đối với nhà cao tầng, siêu cao tầng, công trình trên mặt nước, công trình ngầm, đường hầm, công trình khai thác khoáng sản. Các chợ và trung tâm thương mại bắt buộc phải có lối thoát nạn bảo đảm theo quy định; phải trang bị hệ thống báo cháy, chữa cháy, giải pháp chống cháy lan phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động.

Anh Thư

Tin cùng chuyên mục