Từ lời kêu gọi thi đua ái quốc đến những phong trào đột phá. Bài 3: Cùng nhau thoát nghèo

Trả nghĩa dân
Từ lời kêu gọi thi đua ái quốc đến những phong trào đột phá. Bài 3: Cùng nhau thoát nghèo

“Làm cách mạng trường kỳ đều nhờ dân nuôi, dân đùm bọc. Vậy mà, sang những năm 1990, gần 20% tổng số hộ dân TPHCM vẫn nghèo đói. Yêu nước là yêu dân, nhưng người dân - ân nhân của mình, còn cơ cực như thế thì mình phải làm gì để thay đổi chứ…” - ông Phạm Văn Thanh, một trong những người đầu tiên đề xuất và tiên phong thực hiện xóa đói giảm nghèo ở TPHCM, cắt nghĩa về khởi nguồn chương trình Xóa đói giảm nghèo.

Chủ tịch UB MTTQ TPHCM Dương Quan Hà tặng quà bà con nghèo xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, TPHCM. Ảnh: VŨ ANH HOÀNG

Chủ tịch UB MTTQ TPHCM Dương Quan Hà tặng quà bà con nghèo xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, TPHCM. Ảnh: VŨ ANH HOÀNG

Trả nghĩa dân

Đầu năm 1992, TP có gần 122.000 hộ nghèo, chiếm 17% tổng số hộ dân. Riêng 6 huyện ngoại thành có hơn 57.000 hộ đói nghèo, trong đó có 9.000 hộ phải cứu trợ thường xuyên. “Chúng tôi không mời người dân tập hợp ở một điểm nào đó để tặng quà mà đến tận nhà, thăm và tặng quà người dân. Nhưng nhiều người đã khóc. Họ không muốn nhận (trợ cấp - PV) mãi đâu, họ muốn tự mình sống bằng cái họ có” - ông Phạm Văn Thanh, nguyên Phó ban Nông thôn Thành ủy TPHCM nhớ lại.

Cùng với viên gạch đầu tiên được đặt trước đó tại huyện Củ Chi - mô hình xã hội giúp đỡ hộ nghèo, bà con giúp đỡ lẫn nhau: người này thiếu con giống, cây giống được người khác cho mượn; nhà nào neo người được bà con xóm giềng làm giúp - chương trình “Từng bước thu hẹp và xóa hộ nghèo đói ở nông thôn” (tiền thân của chương trình Xóa đói giảm nghèo) ra đời. Phân ban Nông thôn Thành ủy TPHCM được giao nhiệm vụ là cơ quan thường trực chương trình này, áp dụng tại 6 huyện và 4 quận vùng ven. Ngay từ lúc khai sinh, chương trình đã thay đổi phương thức chăm lo cho người nghèo, từ trợ cấp, cứu trợ chuyển sang trợ giúp để người nghèo tự vươn lên. Các địa phương thành lập các ban chỉ đạo chương trình với nhiều giải pháp như cho hộ nghèo vay vốn tự tạo việc làm, giao đất sản xuất, giải quyết việc làm… Nhưng, ngân sách có hạn (vốn ban đầu có 2,8 tỷ đồng), lấy tiền ở đâu để cho người nghèo mượn? Gặp khó, ló giải pháp: TP kêu gọi, huy động nguồn lực toàn xã hội, nhất là các doanh nghiệp, mạnh thường quân cùng chung tay giúp người nghèo. Chỉ trong 5 tháng (từ tháng 4 đến tháng 9-1992), chương trình đã nhận được hơn 1 tỷ đồng, gần 15.000USD và nhiều hiện vật.

Sang tháng 10-1992, phong trào được chính thức triển khai toàn TPHCM với tên gọi Chương trình Xóa đói giảm nghèo.

Sáng tạo và quyết liệt

Được đánh giá là chủ trương sáng tạo không kém phần táo bạo và quyết liệt, sau 21 năm, TP đã chủ động 6 lần điều chỉnh mức chuẩn nghèo. Kiên trì, liên tục thực hiện, TP đã từng bước nâng dần mức sống, điều kiện sống và chất lượng sống của người nghèo, hộ nghèo và vùng nghèo TP. Từ giai đoạn 2, chương trình không chỉ dừng lại ở việc chăm lo cái ăn, chỉ tính nghèo đơn thuần về mặt thu nhập mà đã mở rộng, chăm lo một cách toàn diện trên các lĩnh vực đời sống thiết yếu của người nghèo. Từ năm 2009, TP quyết tâm nâng chất chương trình lên một bước đột phá mới với tên gọi mới là “Chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá”, với mục tiêu không còn hộ thu nhập dưới 12 triệu đồng/người/năm. Mỗi năm, TPHCM đào tạo nghề bình quân cho 11.000 lao động nghèo, giải quyết việc làm cho khoảng 34.000 lao động nghèo; miễn giảm học phí và các khoản đóng góp cho gần 60.000 con em hộ nghèo; cấp hơn 270.000 bảo hiểm y tế…

Từng tận mắt thấy cảnh mẹ phải đôn đáo qua nhà người quen vay tiền cho 4 anh em ăn học, từng bế tắc khi đứng trước nguy cơ phải nghỉ học là kỷ niệm buồn nhất với chị Lưu Mỹ Phụng (28 tuổi, ngụ đường Bình Qưới, quận 11). Giữa lúc khó khăn ấy, chị Phụng được cấp học bổng suốt những năm cấp 3 và đại học. “Sự trợ giúp kịp thời ấy như một tia sáng giữa không gian mịt mù tối tăm, vừa là niềm vui lớn, vừa là niềm động viên khích lệ tôi. Có những lúc, tưởng chừng như bản thân tôi và gia đình sẽ quỵ ngã thì đã được mọi người chung tay đỡ lấy để tôi tự tin đứng dậy. Tôi và gia đình càng trở nên mạnh mẽ hơn trong quyết tâm của mình” - chị Lưu Mỹ Phụng xúc động kể. Nhờ đó, chị đã hoàn thành chương trình đại học và được tín nhiệm giữ lại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch làm giảng viên.

Những năm qua, trong số 1.600 tỷ đồng được huy động chăm lo cho người nghèo, có 1.100 tỷ đồng là đóng góp của nhân dân trong và ngoài nước. Chương trình đã phát huy được sức mạnh nội lực của cộng đồng và toàn xã hội, tạo thành phong trào sôi nổi, rộng khắp, chung tay chăm lo cho người nghèo.

MẠNH HÒA - HỒNG HIỆP

- Bài 2: Sức trẻ xây dựng thành phố

  • Theo dòng lịch sử:

Làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt (1954-1975)

Trong khoảng 10 năm đầu (1954-1965), miền Bắc đi lên xây dựng CNXH, hình thành hậu phương lớn cho miền Nam trong cuộc chiến chống các chiến lược chiến tranh thực dân mới. Nổi lên các điển hình như Đại Phong, Duyên Hải, Ba Nhất, Bắc Lý…, theo đó là phong trào thi đua “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”.

Chống Mỹ cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng của cả dân tộc. Ở hậu phương quân và dân miền Bắc hành động “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, đẩy mạnh các phong trào thi đua trên tất cả các lĩnh vực “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”, “Tay cày, tay súng”, “Tay búa, tay súng”.

Tại miền Nam, thi đua yêu nước trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã phát triển mạnh mẽ trên cơ sở chủ nghĩa anh hùng cách mạng và đã làm xuất hiện nhiều anh hùng, dũng sĩ. TP cũng đã xuất hiện nhiều tấm gương nổi bật. Tại các Đại hội Anh hùng dũng sĩ thi đua toàn miền lần thứ I (1965) và lần thứ II (1967), Đại hội Dũng sĩ thi đua Khu Sài Gòn - Gia Định 1973, Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam “Tuyên dương công trạng” quân và dân Sài Gòn - Gia Định và tặng thưởng 3 Huân chương Quân công giải phóng hạng nhì, 5 Huân chương quân công hạng ba, 4 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất, 8 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì. Đặc biệt là Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam đã 2 lần tặng thưởng Huân chương Thành đồng hạng nhất cho quân và dân Sài Gòn - Gia Định.

VÂN ANH (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục