Bài 4: Chung tay xây dựng nông thôn mới

Làm đơn xin... hiến đất
Bài 4: Chung tay xây dựng nông thôn mới

Từ lời kêu gọi thi đua ái quốc đến những phong trào đột phá

Qua gần 3 năm phát động phong trào thi đua “Cả TPHCM chung sức xây dựng nông thôn mới”, hưởng ứng phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới do Thủ tướng Chính phủ phát động năm 2011, nhân kỷ niệm 63 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, hơn 7.000 hộ dân ở các xã thực hiện nông thôn mới của TP đã hiến khoảng 725.872m² đất với tổng trị giá trên 615 tỷ đồng để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng. Đi qua những con đường mới, chúng tôi đã nghe được rất nhiều câu chuyện dạt dào về tấm lòng của những nông dân chân lấm tay bùn.

Con đường thênh thang được hình thành có sự góp sức hiến đất của ông Nguyễn Văn Hạnh và bà con ấp Lý Hòa Hiệp, xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ. Ảnh: HỒNG HIỆP

Con đường thênh thang được hình thành có sự góp sức hiến đất của ông Nguyễn Văn Hạnh và bà con ấp Lý Hòa Hiệp, xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ. Ảnh: HỒNG HIỆP

Làm đơn xin... hiến đất

Gia đình có một người con út đang mắc bệnh tâm thần, còn nhiều thứ phải lo toan, nhưng đôi vợ chồng già Nguyễn Văn Hạnh ở ấp Lý Hòa Hiệp, xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ đã khiến cho lãnh đạo xã này cũng như bà con chòm xóm bất ngờ khi sẵn sàng ký hiến hơn 11.000m² làm đường. Gia đình ông Hạnh nằm ngay đầu đường. Từ trước đến nay người dân phải men theo con đường ruộng đất đỏ nằm sát nhà ông để đi lại. Không biết bao nhiêu lần ông chứng kiến cảnh các cháu học sinh té nhào xuống ruộng do đường trơn trượt. “Bây cứ làm thủ tục đi, tao hiến!” - câu nói cụt lủn nhưng dứt khoát của ông Hạnh thốt ra trong một buổi cán bộ xã, ấp xuống vận động đã khiến mọi người trong đoàn sướng rơn.

Phần đất của ông Hạnh liên quan đến việc mở rộng nâng cấp 3 công trình trên địa bàn ấp gồm: Công trình xây dựng cầu sản xuất khu vực Doi Tiều, Gốc Tre ông hiến 100% đất với diện tích 10.000m²; công trình nâng cấp đường bờ kè sông Vàm Sát, ông hiến 100% đất với diện tích 343m²; công trình nâng cấp mở rộng đường Doi Tiều Gốc Tre, ông hiến 30% đất với diện tích 763m². “Tổng giá trị đất hiến 11.106m², ước khoảng trên 1,5 tỷ đồng. Diện tích đó cũng tương ứng khoảng hai vuông tôm của ông, cho thu hoạch lãi không dưới 500 triệu đồng/vụ (một năm làm 2 vụ). Tấm lòng của lão nông như ông, chúng tôi không đo đếm nổi”, Chủ tịch UBND xã Lý Nhơn Lê Phước Hồng bộc bạch.

Xã Xuân Thới Thượng huyện Hóc Môn là một xã anh hùng, ở đó cũng không hề thiếu những lão nông bình dị nhưng luôn tự hào và gìn giữ truyền thống đẹp của xã. Ngay khi xã thử vận động, sau một đêm bàn với gia đình, ông Phạm Văn Cáo, ngụ 28/5 ấp 1 trả lời ngay. Kết quả, gia đình ông đã hiến đất mở tuyến Xuân Thới Thượng-41, Xuân Thới Thượng-18 với tổng trị giá gần 1,7 tỷ đồng. Lý do hiến đất được ông giải thích ngắn gọn: “Nhiều đường lầy lội, cây cối um tùm, trẻ em trong đó có con cháu tôi đi bị trơn trượt té thường xuyên nên hiến để Nhà nước đỡ kinh phí, làm nhanh con đường đẹp đẹp chứ có gì to tát đâu. Ở xã này nhiều người cũng hiến như tui mà”.

Gặp ông Nguyễn Văn Tốt vào thời điểm xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh vừa tổ chức tổng kết Đề án thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2012, ông cười tươi rói khoe ngay với chúng tôi: đã hiến gần 500m2 đất để làm đường kênh C, đê bao chống lũ 1 - 2 - 6, trị giá đất gần 250 triệu đồng và “chỉ điểm” cho chúng tôi “mấy ông bà khác hay lắm” - như cách ông nói. Đó là ông Tạ Văn Mười Hai ở ấp 2, đã hiến 2.000m2 đất để nâng cấp, mở rộng đường Ổ Cu - Kiến Vàng, trị giá đất khoảng 1,2 tỷ đồng. Đó là các hộ: bà Hồ Thị Xuân Lan, gia đình ông Đỗ Đồng Đức, gia đình của ông Nguyễn Thành Tâm ở ấp 3, là những người đi đầu trong việc hiến đất mở rộng đường Sáu Oánh. Trong đó, gia đình bà Lan đã hiến 390m² đất, trị giá 234 triệu đồng. Ông Đức và ông Tâm mỗi người đồng thuận hiến 350m² đất với tổng trị giá 420 triệu đồng.

Thành công lớn nhất là lòng dân

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP, tại 5 huyện: Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ đã tổ chức lễ phát động thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” với các chỉ tiêu thi đua cụ thể trên địa bàn huyện và chỉ đạo triển khai, phát động thi đua sâu rộng tại các xã. Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tổ chức hưởng ứng các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và phát động thi đua “Cả TP chung sức xây dựng nông thôn mới”. Kết quả, sau 3 năm triển khai xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới tại 6 xã: Tân Thông Hội, Thái Mỹ (Củ Chi); Xuân Thới Thượng (Hóc Môn); Tân Nhựt (Bình Chánh); Nhơn Đức (Nhà Bè) và Lý Nhơn (Cần Giờ), đã có 7.005 hộ dân hiến đất xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với 725.872m² đất, quy giá trị là 615,617 tỷ đồng.

Ông Lê Thanh Liêm, Giám đốc Sở NN-PTNT TP, Phó Trưởng ban Chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới, cho rằng, mặt đạt được lớn nhất là lòng tin của dân với Đảng. Từ chủ trương xây dựng nông thôn mới và các cơ chế, chính sách xuất phát từ thực tiễn, đã giúp đạt được những thành công ban đầu.

HỒNG HIỆP - MẠNH HÒA

- Bài 3: Cùng nhau thoát nghèo


Những phong trào “bung ra” (1975-1985)

Đất nước thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội. Công cuộc khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh và những nhiệm vụ mới của TPHCM đòi hỏi sức lực trí tuệ, sự hy sinh, cống hiến của mọi người từ nhân dân đến cán bộ, chiến sĩ LLVT… Hàng triệu dân TPHCM đã bắt tay vào công cuộc cách mạng mới với tinh thần yêu nước mới, mở đầu là Phong trào xây dựng vùng kinh tế mới. Lớp lớp thanh niên nô nức đi TNXP, hình thành những Tổng đội TNXP đứng chân trên nhiều vùng khó khăn của Nam bộ đang chờ bàn tay khối óc của “Thế hệ thứ tư”. Xây dựng quan hệ sản xuất mới XHCN, cùng cả nước đi lên sản xuất lớn, ở TPHCM những năm 1976 - 1978, Phong trào Hợp tác hóa trong nông nghiệp ngoại thành, trong tiểu thủ công nghiệp, thương nghiệp, tín dụng ở nội thành được phát động và phát triển rộng khắp. Vừa xây dựng TP, vừa bảo vệ an ninh chính trị và trật tự xã hội. Cũng trong khó khăn bị ràng buộc bởi cơ chế cũ, muốn phát triển và đi lên, lại xuất hiện những nhân tố mới đang “Bung ra”, “Phá rào” ở những nơi tìm cách tháo gỡ khó khăn, Tự cứu mình trong sản xuất kinh doanh và chăm lo cho đời sống người dân.

VÂN ANH (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục