Đề án thí điểm chính quyền đô thị TPHCM - Cần lấy ý kiến rộng rãi

Ngày 10-8, HĐND TPHCM tổ chức hội nghị cho các đại biểu (ĐB) nghe báo cáo đề án thí điểm  xây dựng chính quyền đô thị TPHCM. Hầu hết ý kiến ủng hộ cần một mô hình quản lý mới phù hợp với đặc thù đô thị TPHCM, giúp TP phát triển tăng tốc. Tuy nhiên, không ít ý kiến bày tỏ băn khoăn về tính khả thi của đề án...

Ngày 10-8, HĐND TPHCM tổ chức hội nghị cho các đại biểu (ĐB) nghe báo cáo đề án thí điểm  xây dựng chính quyền đô thị TPHCM. Hầu hết ý kiến ủng hộ cần một mô hình quản lý mới phù hợp với đặc thù đô thị TPHCM, giúp TP phát triển tăng tốc. Tuy nhiên, không ít ý kiến bày tỏ băn khoăn về tính khả thi của đề án...
 
Theo Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm, điều quan trọng nhất đòi hỏi sự cấp thiết phải xây dựng đề án này là đổi mới cơ chế quản lý cho TP để giải quyết các vấn đề rất căn bản, mục đích cuối cùng vẫn là vì lợi ích thiết thực của nhân dân.
 
Các ĐB cho rằng, đề án cần làm rõ thêm hiệu quả kinh tế - xã hội khi áp dụng mô hình chính quyền đô thị so với chính quyền hiện nay; đặc biệt là chứng minh rõ đề án phục vụ tốt hơn cho dân như thế nào. Phải cân nhắc thêm tính lợi ích của cái mình đã có, cái mình bỏ và cái mình muốn có; đồng thời xem xét, tính toán chi phí xây dựng các TP mới, người dân sẽ hưởng lợi như thế nào? Người dân được lợi gì trong cải cách hành chính, phúc lợi công cộng? Mô hình mới thúc đẩy và tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế như thế nào? Theo các ĐB đây là những vấn đề quan trọng cần phải tính đến. Phó Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM Trần Du Lịch giải thích thêm để làm rõ một số thắc mắc của các ĐB.

Theo ông Trần Du Lịch, việc thí điểm không tổ chức HĐND quận - huyện - phường vừa rồi, không phải là hình thành chính quyền đô thị. Nếu ta không tái lập, không tổ chức lại chính quyền cơ sở thành cấp chính quyền đầy đủ có HĐND thì đi ngược xu hướng dân chủ. Chính quyền đầy đủ phải có cơ quan dân cử. Việc thí điểm không tổ chức HĐND quận - huyện - phường hiện nay là đi một bước lùi để tiến một bước mạnh hơn thiết chế chính quyền dân chủ thực sự của dân”.

Về chi phí xây dựng, đổi mới về thể chế và cơ chế quản lý, nếu không thực hiện thí điểm thì cũng phải làm. Nếu tổ chức thành 4 đô thị thì quá trình thực hiện đô thị hóa, xây dựng hạ tầng theo quy hoạch sẽ nhanh hơn nhiều so với cách quản lý hiện nay. ĐB Trần Du Lịch dẫn chứng: “Thay vì TP lo từng dự án như hiện nay, trong tương lai khi trao cho cơ chế tự chủ thì tốc độ sẽ nhanh hơn. Còn giờ cấp TP đang quản hết”. Điều mà TP vướng nhất hiện nay là ngân sách thì sắp tới Quốc hội sẽ sửa đổi luật này theo hướng phân cấp mạnh hơn cho địa phương. Lúc đó TPHCM sẽ tự chủ về tài chính.
 
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh: Chính quyền đô thị là một mô hình mới và TPHCM đang gấp rút hoàn thiện bước cuối cùng để trình Chính phủ và Chính phủ trình Quốc hội. Tuy nhiên, không vì thế mà nóng vội, TP cần tổ chức lắng nghe nhiều ý kiến sâu rộng hơn. Cần tập trung lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, nhà khoa học, các ĐB HĐND TP và lắng nghe ý kiến của nhân dân để hoàn thiện đề án.

VÂN ANH

Tin cùng chuyên mục