Ủy ban Thường vụ Quốc hội góp ý về dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi)

Sáng nay, 2-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe và cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi). Đây là dự án Luật dự kiến được trình tại kỳ họp trước của Quốc hội, song đã được lùi lại để đảm bảo sự đồng bộ, tính thống nhất với dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương cùng được trình tại kỳ họp thứ 8 tới đây.

(SGGPO).- Sáng nay, 2-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe và cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi). Đây là dự án Luật dự kiến được trình tại kỳ họp trước của Quốc hội, song đã được lùi lại để đảm bảo sự đồng bộ, tính thống nhất với dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương cùng được trình tại kỳ họp thứ 8 tới đây.

Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, về phạm vi sửa đổi Luật, đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra thống nhất quan điểm cần sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) một cách căn bản, toàn diện, căn cứ trên các quy định của Hiến pháp năm 2013, phù hợp với điều kiện thực tiễn và thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, về phạm vi sửa đổi, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất cơ bản thống nhất với phạm vi sửa đổi theo Tờ trình của Chính phủ, có tính kế thừa những quy định của Luật hiện hành, nhưng yêu cầu thay đổi quy trình xem xét, quyết định dự toán NSNN và phân bổ ngân sách trung ương theo hai bước để bảo đảm thực quyền của Quốc hội và không chồng chéo với thẩm quyền của HĐND.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, phạm vi sửa đổi như Tờ trình của Chính phủ chưa bảo đảm thực quyền của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp trong lĩnh vực NSNN như quy định của Hiến pháp; chưa giải quyết được triệt để những vấn đề còn tồn tại trong việc xem xét, quyết định NSNN; chưa làm rõ việc điều chỉnh các quỹ ngoài NSNN, hoạt động giám sát của cơ quan dân cử trong quá trình thực hiện NSNN. Theo đó, đề nghị Luật NSNN đổi tên là Luật quản lý NSNN và chỉ quy định về quy trình, lịch biểu NSNN, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước các cấp, đồng thời hàng năm khi xem xét, quyết định NSNN, Quốc hội sẽ ban hành Luật Ngân sách thường niên thay vì ban hành Nghị quyết như hiện nay với quy trình ngân sách theo 2 bước.

Bước 1, tại kỳ họp giữa năm, Quốc hội sẽ cho ý kiến về những chỉ tiêu và cân đối lớn (khung ngân sách) như các chính sách lớn về thu, chi NSNN; các ưu tiên và nguyên tắc trong phân bổ NSNN; tổng thu, tổng chi: chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển, chi trả nợ và dự kiến mức bội chi NSNN, số bổ sung của NSTW cho NSĐP. Bước 2, tại kỳ họp cuối năm, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định dự toán NSNN, phân bổ NSTW theo số liệu chi tiết, cụ thể hơn cho từng ngành, từng lĩnh vực. Điều này đảm bảo chất lượng quyết định NSNN của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, tiến dần đến thông lệ quốc tế được nhiều nước áp dụng.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc thực hiện theo phương án này cần cân nhắc mức độ, phạm vi xem xét về những chỉ số lớn khi Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp giữa năm, tránh tình trạng số liệu mang tính hình thức, không sát với thực tế do việc ước thực hiện và đánh giá tình hình kinh tế - xã hội của năm liền kề gặp nhiều khó khăn, khó dự tính được chính xác.

Cho ý kiến về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu ủng hộ loại ý kiến thứ nhất trong cơ quan thẩm tra, tức sửa đổi Luật NSNN trên cơ sở luật hiện hành, chưa ban hành Luật thường niên. Ông nhận xét thêm rằng, dự thảo Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này chưa chú trọng đến cả hai vế thu – chi ngân sách, cụ thể là “nặng thu, nhẹ chi”. “Như thế là chưa đúng với tinh thần Điều 55 của Hiến pháp, theo đó thu – chi NSNN đều phải do luật định. Bên cạnh đó, quyết định ngân sách nhà nước là thẩm quyền hiến định của Quốc hội chứ không phải Ủy ban Thường vụ Quốc hội; trong khi điều hành ngân sách là thẩm quyền của Chính phủ. Cần phải xác định rất rõ phạm vi “quyết định” với “điều hành” cụ thể và tuân thủ đúng Hiến pháp”, đồng chí Uông Chu Lưu yêu cầu.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng chia sẻ quan điểm của Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu. Ông đặc biệt lưu ý đến thẩm quyền quyết định ngân sách của HĐND địa phương và cho rằng nội dung gì phân cấp, hoặc để lại nguồn thu bao nhiêu phải quy định dứt dạt vào luật, không nên nêu ra những phạm trù “tự chủ, năng động, sáng tạo” vì không có tiêu chí cụ thể…

ANH PHƯƠNG 

Tin cùng chuyên mục