Đổi mới trên quê hương anh hùng Lý Tự Trọng

Người dân ở xã Việt Xuyên, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh ra sức đẩy nhanh phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, tổ chức dọn dẹp các đường làng, ngõ xóm, treo cờ Tổ quốc, băng rôn khẩu hiệu… trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh anh hùng, liệt sĩ Lý Tự Trọng - một người con ưu tú của quê hương Việt Xuyên (20-10-1914 - 20-10-2014).
Đổi mới trên quê hương anh hùng Lý Tự Trọng

Người dân ở xã Việt Xuyên, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh ra sức đẩy nhanh phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, tổ chức dọn dẹp các đường làng, ngõ xóm, treo cờ Tổ quốc, băng rôn khẩu hiệu… trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh anh hùng, liệt sĩ Lý Tự Trọng - một người con ưu tú của quê hương Việt Xuyên (20-10-1914 - 20-10-2014).

Di ảnh anh hùng Lý Tự Trọng trước bàn thờ tại Khu tưởng niệm Lý Tự Trọng (ở thôn Tân Long, xã Việt Xuyên, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh).

Khang trang khu tưởng niệm

Vừa qua, rất nhiều tổ chức, đoàn thể, cơ quan, trường học trong và ngoài tỉnh Hà Tĩnh đã về Khu tưởng niệm Lý Tự Trọng (ở thôn Tân Long, xã Việt Xuyên, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh), thành kính dâng nén hương thơm tưởng niệm 100 năm ngày sinh anh hùng, liệt sĩ Lý Tự Trọng - người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên.

Khuôn viên Khu tưởng niệm Lý Tự Trọng quy hoạch rộng 5,16ha được xây dựng gắn kết với phần đất của gia đình, nằm ở vị trí thuận lợi, cao ráo và thoáng đãng. Hiện tại, các hạng mục, như: phần mộ, đài tưởng niệm, nhà văn hóa truyền thống, thảm cỏ xanh, nhà tưởng niệm, nhà tả vu - hữu vu, nhà dịch vụ, hệ thống sân, vườn cảnh quan, cây xanh… (có tổng mức đầu tư 83 tỷ đồng, do Tỉnh đoàn Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội tư vấn thiết kế, được khởi công ngày 20-10-2011) đã hoàn thành.

Ông Nguyễn Tiến Sơn, Trưởng ban Quản lý Khu tưởng niệm Lý Tự Trọng cho biết, Ban quản lý đã phối hợp với chính quyền, các đoàn thể, trường học ở huyện Thạch Hà và chính quyền xã Việt Xuyên huy động nhân lực, vật lực tổ chức ra quân quét dọn vệ sinh môi trường sạch đẹp, trồng mới thêm nhiều cây xanh quanh khu tưởng niệm, đồng thời tổ chức giao lưu văn hóa văn nghệ, thể thao và hội thi cắm trại, trưng bày các hiện vật sách, báo, tạp chí có liên quan đến cuộc đời hoạt động cách mạng của Lý Tự Trọng và tuổi trẻ Việt Nam để giới thiệu đến đông đảo du khách, nhân dân khắp mọi miền Tổ quốc khi về đây dâng hương tưởng niệm...

Quê hương đổi mới

Về xã Việt Xuyên hôm nay thật phấn khởi bởi chúng tôi được trực tiếp chứng kiến bộ mặt nông thôn mới của quê hương anh hùng Lý Tự Trọng đã đổi thay rõ nét, các đường làng, ngõ xóm, cơ sở hạ tầng điện, trường học, kênh mương nội đồng được xây dựng khang trang, nhiều nhà cao tầng, nhà mái ngói mới kiên cố. Đặc biệt, cuộc sống của người dân nơi đây đang được nâng lên, các phương tiện đi lại như xe gắn máy, ô tô cho đến các vật dụng phục vụ trong sinh hoạt gia đình như tivi, tủ lạnh… ngày một nhiều hơn.

Ông Trần Sỹ Anh, Bí thư Đảng ủy xã Việt Xuyên, phấn khởi cho biết, nếu như năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo toàn xã Việt Xuyên là 18% thì nay chỉ còn lại 8,06%; năm 2010 thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 7,5 triệu đồng/người/năm, năm 2013 đạt 14,7 triệu đồng/người/năm thì dự kiến hết năm 2014 đạt 15,9 - 17 triệu đồng/người/năm… Phấn đấu đến năm 2019 xã sẽ hoàn thành xây dựng nông thôn mới (dự kiến cuối năm 2014 sẽ xong 11 tiêu chí), nâng cao mức thu nhập bình quân lên 18-20 triệu đồng/người/năm.

Ông Phan Quang Hợi, Chủ tịch UBND xã Việt Xuyên, cho biết thêm, tổng diện tích toàn xã là 609ha, có 872 hộ dân với 3.484 nhân khẩu (trên 80% là sản xuất nông nghiệp), thu ngân sách hàng năm đạt trên 800 triệu đồng, sản lượng lúa hơn 2.100 tấn/năm, gần 100% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, tỷ lệ nghe nhìn thông tin đại chúng đạt 100%. Trong 2 năm trở lại đây, ngoài thâm canh độc nhất cây lúa, nhiều người dân ở Việt Xuyên đã mạnh dạn đầu tư vốn phát triển các mô hình trang trại vườn - ao - chuồng, kinh doanh buôn bán, mở xưởng sản xuất đồ gỗ, bánh kẹo góp phần nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi. Điển hình trong đó có hộ ông Hoàng Thắng (47 tuổi, ở thôn Tùng Lang) với mô hình vườn - ao - chuồng cho thu nhập lãi ròng trên 200 triệu đồng/năm, ông Nguyễn Viết Sơn (48 tuổi, ở thôn Tân Long) mở xưởng mộc, Nguyễn Trọng Thắng (30 tuổi, thôn Trung Trinh) mở cơ sở sản xuất bánh kẹo cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm và tạo công ăn việc làm thường xuyên cho trên 10 lao động địa phương…

DƯƠNG QUANG

Tin cùng chuyên mục