Sân bay Long Thành có thể phá vỡ an toàn nợ công

Như Báo SGGP đã đưa, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã thừa nhận, dự án sân bay Long Thành là rất cần thiết nhưng bàn thảo trong bối cảnh nợ công đang tăng nhanh hiện nay là không thuận lợi. Ngày 22-10, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, các ý kiến của ĐBQH đều có chung quan điểm: phải hết sức tính toán để bảo đảm không gây ảnh hưởng đến nợ công.
Sân bay Long Thành có thể phá vỡ an toàn nợ công

Như Báo SGGP đã đưa, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã thừa nhận, dự án sân bay Long Thành là rất cần thiết nhưng bàn thảo trong bối cảnh nợ công đang tăng nhanh hiện nay là không thuận lợi. Ngày 22-10, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, các ý kiến của ĐBQH đều có chung quan điểm: phải hết sức tính toán để bảo đảm không gây ảnh hưởng đến nợ công.

* ĐBQH Cao Sĩ Kiêm: Ủng hộ nếu bảo đảm nguồn huy động vốn khả thi

Dự án sân bay Long Thành là cần thiết phải làm để phục vụ cho nhu cầu phát triển trong tương lai, khi sân bay Tân Sơn Nhất đã gần quá tải, tắc nghẽn; sân bay Biên Hòa thì có vấn đề về môi trường. Vì vậy, sân bay Long Thành phải làm thôi, xét về tính hợp lý và cần thiết.

Tuy nhiên, điều kiện làm thì đúng là có vấn đề. Thứ nhất là tiền đâu? Thứ hai là làm dự án chạm tới ngưỡng an toàn của nợ công thì giải quyết thế nào. Về vấn đề tiền, nếu Bộ GTVT giải quyết được vấn đề tự vay tự trả thì có thể có tiền để làm. Nhưng kể cả Bộ GTVT tự vay tự trả thì phải bảo đảm không chạm nợ công.

Ngoài ra, với dự án sân bay Long Thành, tôi cho là Chính phủ phải có quyết tâm thông tin chính xác hơn nữa. Hiện nay thông tin ngay trong Bộ GTVT cũng đã khác nhau, rồi ý kiến từ TPHCM cũng khác nhau. Ngay trong ngành hàng không mà có người nói không thể mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, có người nói hoàn toàn có thể mở rộng. Thông tin không thống nhất như vậy khiến người dân, đại biểu Quốc hội rất băn khoăn, lo ngại. Vì vậy, với dự án này, tôi có quan điểm ủng hộ để Chính phủ làm ngay nhưng phải bảo đảm nguồn huy động vốn khả thi, tự vay tự trả. Như vậy mới giải quyết được vấn đề ngân sách cũng như nợ công.

* ĐBQH Trần Hoàng Ngân: Chậm lại để tạo sự đồng thuận lớn hơn

Dự án này đang có nhiều quan điểm rất khác nhau, vì vậy theo tôi sự chậm lại là cần thiết. Cần có những hội thảo khoa học với sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài để họ có ý kiến. Đặc biệt, trong điều kiện hiện nay khi mà tình hình nợ công cuối năm 2015 đã lên 64% GDP thì chỉ cần nhích thêm 40.000 tỷ đồng nữa nợ công sẽ lên 65% - đụng mức trần giới hạn của Quốc hội cho phép. Dự án này có số vốn rất cao, đầu tư rất lớn nên khi chúng ta chấp nhận dự án sân bay Long Thành vào thời điểm này là chấp nhận phá vỡ mức pháp định đối với nợ công. Do đó, tôi đề nghị chúng ta nên chậm một bước để việc thẩm định rõ ràng hơn, minh bạch hơn, sự đồng thuận lớn hơn thì việc tiến hành dự án sẽ nhanh chóng hơn. Về thời điểm phù hợp để bàn về dự án này, tôi cho là nên để đến năm 2016.

* ĐBQH Nguyễn Hữu Quang: Cần thiết nhưng phải cân nhắc thời điểm

Tôi cho rằng trong tương lai, Việt Nam phải có sân bay trung chuyển tầm cỡ quốc tế. Tôi không phản đối làm sân bay Long Thành. Nhưng trong bối cảnh hiện nay thì cần phải cân nhắc làm dự án này vào giai đoạn nào cho phù hợp với nhu cầu của chúng ta, nguồn lực của chúng ta cũng như cân đối được với các nhu cầu khác.

PHAN THẢO ghi

Tin cùng chuyên mục