Cơ sở giáo dưỡng vắng vẻ, trong khi người nghiện lại tự do tung hoành

Chiều 25-10, Quốc hội tiếp tục thảo luận về Báo cáo công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; Báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Báo cáo về công tác thi hành án.
Cơ sở giáo dưỡng vắng vẻ, trong khi người nghiện lại tự do tung hoành

(SGGPO).- Chiều 25-10, Quốc hội tiếp tục thảo luận về Báo cáo công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; Báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Báo cáo về công tác thi hành án.

Mở đầu phiên họp chiều, ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) nhận định, tuy không có phần đánh giá riêng đối với khu vực nông thôn, nhưng qua khảo sát thực tế và giải trình của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, có thể thấy một điểm nổi bật là tình trạng vi phạm pháp luật những năm gần đây khá phức tạp, có xu hướng tăng đáng kể, mức độ ngày càng nghiêm trọng. “Không còn hình ảnh những vùng quê yên bình. Chồng giết vợ, con giết cha chỉ vì một câu nói, hành động bột phát nào đó”, ông Sơn xót xa. ĐB Nguyễn Anh Sơn đề nghị phân tích, đánh giá tình hình kỹ hơn; từ đó đưa ra những giải pháp đồng bộ để chấn chỉnh tình hình.

ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) thì bày tỏ trăn trở về tình trạng tội phạm ma túy trên cả nước nói chung và TPHCM nói riêng đang gây nhiều hệ lụy cho xã hội, trong khi Luật Xử lý vi phạm hành chính lại đang làm khó cho việc đưa bệnh nhân đi cai nghiện bắt buộc. Riêng tại TPHCM, với đặc thù là có nhiều người nghiện ngoại tỉnh, tình hình còn phức tạp hơn; làm nảy sinh nhiều loại tội phạm. Từ ngày 1-1-2014, với những quy định mới, số người đi cai nghiện chính thức rất ít, riêng TP chưa đưa đi được trường hợp nào. “Trong khi các trại giáo dưỡng thì vắng, mà người nghiện ngoài xã hội lại tràn ngập, gây nguy hiểm cho cộng đồng. Thủ tục trước đây đơn giản, nhanh gọn mà cũng không có mấy trường hợp oan sai cả. Bây giờ muốn đưa một người nghiện đi cai nghiện phải qua 5 cơ quan xem xét; rồi lại phải thông báo cho người nghiện và buộc phiên họp phải có mặt người nghiện, họ không đến là không làm gì được. Còn giao cho tổ chức xã hội quản lý là giao cho ai? Hội Phụ nữ chăng? Hội có phương tiện, nhân lực đâu để làm việc đó?”, ĐB Đương phân tích rành rọt. Theo ĐB Đỗ Văn Đương, đưa người nghiện đi cai nghiện là việc trị bệnh cứu người nên thủ tục phải nhanh gọn, nếu ngăn chặn kịp thời thì sang năm con số người nghiện còn lớn hơn nhiều.

Trước bức xúc của ĐB Đỗ Văn Đương, ngay sau đó Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chánh án Toàn án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân sân tối cao giải trình thêm về một số vấn đề, đặc biệt lưu ý nội dung này.

Phát biểu sau đó, nhiều ĐB tiếp tục bày tỏ ủng hộ quan điểm của ĐB Đương, như ĐB Phạm Trường Dân (Quảng Nam), Vũ Chí Thực (Quảng Ninh)… Ông Dân nói: “Cứ làm thế này thì cơ sở giáo dưỡng sẽ chẳng có ai vào, trong khi công an chúng tôi thì rất khó lòng đảm bảo trật tự an toàn xã hội”.

Ghi nhận và trân trọng những kết quả của công tác phòng chống vi phạm pháp luật, song ĐB Vũ Chí Thực (Quảng Ninh) chỉ ra rằng, công tác phòng ngừa tội phạm chưa được chú trọng đúng mức và chưa trở thành nhiệm vụ thường xuyên của toàn dân, toàn xã hội; trong khi tội phạm ngày nay đã phát triển rất tinh vi và có sự liên kết trong – ngoài nước chặt chẽ…

ĐB Vũ Chí Thực cũng cho rằng hệ thống pháp luật có nhiều nội dung xa rời thực tế, không đủ sức răn đe tội phạm; vô hình trung hạn chế năng lực tấn công tội phạm quyết liệt của các lực lượng bảo vệ pháp luật; mà một ví dụ là Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Ông Thực đề nghị rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản pháp luật theo hướng chặt chẽ hơn, hạn chế khả năng trục lợi chính sách. Đồng thời, cần tập trung xử lý các loại tội phạm gây tác động tiêu cực rộng rãi đến xã hội như tội phạm về kinh tế, tham nhũng, ma túy, môi trường… và tổ chức tốt phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc.
 
Là cán bộ ngành tư pháp, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nêu vấn đề: “Năm 2013 việc thi hành án tử hình bị ách tắc, nhưng năm nay cũng chỉ làm được không bao nhiêu, số tồn đọng vẫn rất lớn. Để thi hành án, có khi buộc phải di chuyển phạm nhân bằng xe đặc chủng với lực lượng bảo vệ hàng trăm km, rất phức tạp, tốn kém”. ĐB Nguyễn Bá Thuyền hiến kế tổ chức các xe đặc chủng có thể di chuyển đến các địa phương để thi hành án, “làm dứt điểm trong năm 2015; giải tỏa bức xúc của nhiều cử tri”.

Ông Thuyền còn lưu ý, một nguyên nhân quan trọng làm chậm quá trình điều tra xét xử là khâu giám định hiện nay có chất lượng không cao, lại chậm trễ; dẫn đến bỏ lọt nhiều tội phạm. Ông nói: “Có người đi lừa đảo khắp nơi, giám định lần đầu bảo tâm thần; giám định lại lại không tâm thần. Nếu không quan tâm đến các cơ quan bổ trợ tư pháp thì các cơ quan thi hành pháp luật không thể làm việc tốt được”.

* Sáng 25-10, Quốc hội nghe Báo cáo công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; Báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Báo cáo về công tác thi hành án.

Các loại tội phạm vẫn diễn biến phức tạp

Báo cáo công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2014 do Bộ trưởng Bộ Công an trình bày cho thấy, có nhiều đối tượng, thế lực thù địch có hành vi kích động, lôi kéo, chia rẽ khối đoàn kết để phạm tội.

Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang trình bày Báo cáo công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm. Ảnh: Lã Anh

Năm 2014, một số tội phạm giảm (trong đó có tội giết người) nhưng cũng có nhiều loại tội phạm gia tăng (trong đó có tội phạm mua bán người, lừa đảo chiếm đoạt tài sản)... Ngành công an đã khám phá 303 vụ án kinh tế, trong đó có nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, gần đây nhất là vụ ở tập đoàn Thiên Thanh gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng, vụ tiêu cực ở Tổng công ty đường sắt Việt Nam...

Về tội phạm ma túy, đã khởi tố 1.777 vụ. Tội phạm ma túy vẫn diễn biến phức tạp trên các địa bàn trọng điểm, tội phạm sử dụng vũ khí nóng chống trả quyết liệt công an. “Tình hình tội phạm năm 2014 vẫn diến biến phức tạp, khó lường, trong đó có nguyên nhân do thất nghiệp nhiều; công tác cai nghiện ma túy ở một số địa phương chưa hiệu quả; quản lý Nhà nước ở nhiều lĩnh vực còn sơ hở; công tác xử lý tham nhũng ở các cấp, ngành chưa triệt để..”, Bộ trưởng Bộ Công an nhận định. Cùng với đó, vi phạm hành chính xảy ra phổ biến ở nhiều địa phương, nhiều lĩnh vực, đặc biệt là ở lĩnh vực giao thông, trật tự đô thị, phòng cháy chữa cháy, vi phạm về môi trường, trong đó vi phạm về an toàn thực phẩm diễn ra nghiêm trọng (riêng lĩnh vực giao thông đã xử phạt trên 2.800 tỷ đồng..)

Từ kết quả trong năm 2014, Chính phủ xác định trong 2015, sẽ tiếp tục các giải pháp phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm. Sẽ khắc phục các sơ hở, khuyết điểm trong quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực để phòng ngừa tội phạm, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng, đất đai. Tiếp tục phòng ngừa, chống tội phạm có tổ chức, ma túy; phòng ngừa tội phạm về kinh tế, tham nhũng. Tiếp tục đấu tranh có hiệu quả đối với các thế lực thù địch, không để xảy ra bất ngờ.

Công tác xét xử vẫn còn nhiều hạn chế

Báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng cho thấy tình hình tội phạm diễn biến phức tạp. Năm 2014 đã khởi tố 77.913 vụ án, đáng chú ý là các vụ án lợi dụng biểu tình chống Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 để phạm tội. Tội phạm tham nhũng xảy ra nhiều, nhất là các vụ án ở ngân hàng. Tội phạm có tính chất xã hội đen vẫn diễn ra, liên quan đến hoạt động của nhiều doanh nghiệp…

Ông Nguyễn Hòa Bình cho rằng, công tác xét xử có nhiều nét mới, nhất là việc đẩy mạnh tranh tụng tại tòa. Tuy nhiên, việc phát hiện các vụ án có tính chất lợi dụng chức vụ, quyền hạn chưa cao. Công tác xét xử vẫn còn nhiều hạn chế, một số nơi để xảy ra oan sai, gây bức xúc dư luận, tỷ lệ xử lý tin báo tố giác chưa cao...

Trong khi đó, qua báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình cho thấy, công tác thụ lý các vụ án năm 2014 đạt 92,8%. Công tác xét xử có nhiều tiến bộ, đã khắc phục cơ bản tình trạng các vụ án để quá thời hạn. Chất lượng xét xử được cải thiện, tính tranh tụng cao hơn, chưa có trường hợp nào bị kết án oan. Chỉ có 9 trường hợp tòa trả lời kháng nghị nhưng sau đó Tòa án nhân dân tối cao phải kháng nghị. Tuy nhiên, vẫn chưa khắc phục triệt để các bản án quá luật định... Đặc biệt, có điểm đáng chú ý là theo phản ánh các địa phương, việc thi hành án tử hình bằng thuốc độc là rất tốn kém..

Từ thực tế đó, báo cáo thẩm tra của Ủy ban tư pháp của Quốc hội cho rằng, năm 2015, Chính phủ phải tiếp tục chủ chủ động các giải pháp về phòng chống tội phạm, không để xảy ra các tình huống  bị động bất ngờ. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ thi hành án tử hình. “Cần đánh giá đầy đủ các tỷ lệ tội phạm tăng-giảm, nguyên nhân. Chống bỏ lọt tội phạm, không để xảy ra nhục hình, không để án oan. Đẩy nhanh tiến độ rà soát các trường hợp có đơn kêu an, nhất là các án có tù trên 20 năm, chung thân, tử hình..”, báo cáo thẩm tra nêu rõ.

Cần hạn chế những “kỳ án vườn mít”

Thảo luận về nội dung này, hầu hết các ĐBQH ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ nhưng tiếp tục bày tỏ lo ngại về tình hình phức tạp, khó lường hiện nay của các loại tội phạm. Bên cạnh đó là những bức xúc trong lĩnh vực xét xử, thi hành với nhiều hạn chế. ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng cho rằng, đây là mảng tối đáng báo động, gây mất lòng tin của người dân, vì vậy cần phải đánh giá thật nghiêm túc vấn đề này.

Là người đầu tiên bấm nút phát biểu về nội dung này, ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) nêu thực tế có những “kỳ án” (như kỳ án vườn mít), vì quá lâu, quá lạ, có nhiều tình tiết đưa ra để kết tội không có sự đồng thuận. “Cần hạn chế những kỳ án. Cần xem xét vụ án này, để bảo đảm không để lọt tội nhưng cũng không để được oan sai. Nếu có sai thì phải dũng cảm sửa”, ĐB Hùng nêu.

ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) nêu, Chính phủ cần đánh giá xác thực hơn nguyên nhân của những vụ án tàn bạo, bột phát mới nổi lên như giết người vứt xác phi tang, con giết cha mẹ.. Những loại tội phạm xảy ra ở ngân hàng, doanh nghiệp, gây thất thoát tài sản lớn. “Pháp luật ngày càng hoàn thiện nhưng việc thực hiện đến đâu, các lực lượng bảo vệ pháp luật?. Phong trào toàn dân phòng chống tội phạm như thế nào?. Cần đánh giá thật kỹ”- ĐB Nguyễn Thị Khá nói.

ĐB Nguyễn Thị Khá rất đau lòng vì đạo đức xã hội ngày càng xuống cấp, hiểu biết pháp luật của dân còn thấp. “Như vụ 2 vợ chồng người em giết 2 vợ chồng người anh vì tranh giành miếng đất. Tại sao họ lại hiểu pháp luật đơn giản đến vậy, khi cho rằng chỉ cần giết người là được thừa hưởng đất?. Bao hệ quả xảy ra từ những vụ như vậy, con cái đau khổ, lớn lên không ai chăm sóc. Có nhiều vụ đổ thừa trách nhiệm cho nhau, hỏi đến thì bảo “không biết”, nếu không ai hỏi đến là thôi. Tôi rất sợ cụm từ “không biết”, ĐB Khá bức xúc và đề nghị chính quyền nơi thường xuyên để xảy ra tội phạm nghiêm trọng phải chịu trách nhiệm.

ĐB Trịnh Thị Thanh Bình (Bến Tre) cũng xót xa trước thực tế tội phạm giết người ngày càng phức tạp: trong đất nước thái bình mà nhiều người bị giết hại, phải có chỉ đạo quyết liệt về vấn đề này.

Đặc biệt, theo ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) việc bồi thường oan sai hiện nay vẫn còn hiện tượng sợ trách nhiệm, đùn đẩy cho nhau, vô cảm với nỗi đau của dân, chưa thấy hết trách nhiệm của mình. “Phải xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước không phải là tranh chấp dân sự, đó là trách nhiệm phải đứng ra giải quyết bồi thường cho dân vì cơ quan Nhà nước gây thiệt hại cho dân”- ĐB Xuyền nói.

Dẫn lại vụ án của doanh nghiệp Lương Ngọc Phi (Thái Bình), ĐB Bùi Văn Xuyền cho biết, cách đây 20 năm, ông Phi bị xử phạt tù, đã ngồi tù 3 năm, sau đó được minh oan. Năm 2004 được minh oan, thì năm 2006 mới được xin lỗi. Viêc bồi thường oan sai thực hiện từ năm 2004, nhưng đến nay sau 10 năm vẫn chưa xong. Đương sự thì phải chạy khắp nơi, và chưa có hồi âm. Như vậy là khiến dân mất niềm tin, hoang mang trước các cơ quan Nhà nước. “Chúng ta hô hào người dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, nhưng chính các cơ quan Nhà nước chưa làm được điều này”, ĐB Xuyền nhấn mạnh.


Anh Phương - Phan Thảo

Tin cùng chuyên mục