Phải hết sức cân nhắc tính khả thi, hiệu quả của sân bay Long Thành

Phóng viên:
Phải hết sức cân nhắc tính khả thi, hiệu quả của sân bay Long Thành

(SGGPO). - Sáng nay, 29-10, Bộ trưởng Bộ GT-VT  Đinh La Thăng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội Tờ trình về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Báo cáo thẩm tra dự án này của Ủy ban Kinh tế đã đặt ra nhiều vấn đề rất đáng suy nghĩ. Bên hàng lang Quốc hội sáng nay, ông Ngô Văn Minh, Ủy viên Thường trực Uỷ ban pháp luật của Quốc hội thể hiện những băn khoăn của mình. 

Phải hết sức cân nhắc tính khả thi, hiệu quả của sân bay Long Thành ảnh 1

Đại biểu Ngô Văn Minh

Phóng viên: Ông có đồng tình làm sân bay Long Thành như tờ trình của Chính phủ?
     
Ông Ngô Văn Minh: - Khi  bước xuống một sân bay nào đó thì người ta nghĩ ngay đến trình độ phát triển của một đất  nước. Với yêu cầu phát triển thì chúng ta phải có sân bay Long Thành. Sân bay Long Thành nằm trong chiến lược phát triển của ngành giao thông vận tải nói riêng, của đất nước nói chung. Vấn đề ở đây là sự cấp thiết của nó, hồ sơ, thời điểm trình đã hợp lý chưa.

Tôi tiếc  vì thời điểm trình dự án sân bay Long Thành lần này đã là muộn.  Khi Quốc hội xem xét chủ trương đầu tư đường sắt cao tốc  Bắc Nam vào năm 2010 với trên dưới 60 tỷ USD, Quốc hội không thông qua vì nó quá lớn, tính khả thi không cao, chỉ trên 37% ĐBQH đồng ý. Nhưng tôi tin với sân bay Long Thành lần này thì tỷ lệ ủng hộ sẽ cao hơn. 

Ông ủng hộ và không còn băn khoăn gì sao?

- Không phải. Cần phải xem xét thêm một số vấn đề chứ. Đầu tiên là về trình tự thủ tục, đây là dự án phải trình Quốc hội. Theo quy định hồ sơ về dự án, công trình quan trọng quốc gia phải được gửi đến cơ quan thẩm tra chậm nhất là 60 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội. Tuy nhiên, đến ngày 1-10-2014, Chính phủ mới có Tờ trình và hồ sơ kèm theo gửi tới cơ quan thẩm tra, làm cho các cơ quan của Quốc hội và các ĐBQH phải họp rất khẩn trương, quá ít thời gian xem xét kỹ lưỡng, đầy đủ các nội dung của Dự án. Trong thời gian đó thì Chính phủ cũng đã giải trình thêm nhiều lần nhưng xét về góc độ Ủy ban pháp luật chúng tôi, trình tự thủ tục như vậy là gấp. Ngoài ra, báo cáo của Chính phủ chưa cập nhật những luật đã, sẽ ban hành như luật xây dựng, đầu tư công, đấu thầu, tới đây là luật quản lý đầu tư vốn, và sản xuất vào kinh doanh. Rất nhiều luật quan trọng nhưng khi làm dự án này thì Chính phủ chưa cập nhật, vẫn viện dẫn Luật xây dựng 2003, luật đấu thầu 2005.. như vậy là  không ổn.

Vấn đề vốn đầu tư, sau giải trình của Bộ GT-VT thì ông đã yên tâm chưa?

- Với tổng mức đầu tư so với đường sắc cáo tốc Bắc Nam trước đây không lớn,  nhưng vấn đề là  Chính phủ chỉ báo cáo giai đoạn 1. Trong khi đó Quốc hội xem xét phải biết tổng số vốn  toàn dự án. Khi được chúng tôi góp ý thì Chính phủ mới bổ sung  giai đoạn 2, 3 để ra con số tổng số vốn toàn dự án là khoảng 19 tỷ USD. Vì thế, chưa thể rõ hình hài của giai đoạn 2, 3.

 Đồng ý là báo cáo tiền khả thi, nhưng bên cạnh các vấn đề kỹ thuật thì ĐBQH cần một báo cáo chi tiết hơn. Không thể nói là vì báo cáo tiền khả thi nên chỉ mới báo cáo những thông tin đó. ĐBQH rất không yên tâm. Ví dụ, trong tổng mức đầu tư thì vốn ngân sách nhà nước, vốn ODA, vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 1 là hơn 84.000 tỷ đồng, triển khai  vào 2016. Vậy thì ĐBQH chưa biết là tới đây năm 2016 sẽ phân bổ cho dự án này bao tiền. Nếu báo cáo rõ ra thì Quốc hội sẽ quyết được phải huy động trái phiếu chính phủ bao nhiêu, vì chúng ta đều biết là không thể lấy từ nguồn đầu tư công hiện nay ra.

Ủy ban Kinh tế cho rằng, Chính phủ dự báo lạc quan về lượng hành khách đạt được của sân bay Long Thành?

- Chính phủ dự  báo đến sân bay Tân Sơn Nhất sẽ quá tải, năm 2020 lượng khách sẽ vượt xa công suất thiết kế với mức 30,3 triệu người; năm 2025, con số dự tính là 40,4 triệu khách. Còn sân bay Long Thành thì dự báo mức công suất 100 triệu hành khách/năm. Điều này, chúng tôi cho là dự báo đúng theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, đó là dự báo “khách trên trời”. ĐBQH băn khoăn dự báo này. Một vấn đề khác mà ĐB quan tâm, làm sân bay hoàng tráng là đúng rồi, nhưng vẫn là sân bay trung chuyển. Vậy thì sẽ cạnh tranh với các  sân bay của các nước làng giềng thế nào?. Ví dụ sân bay của Thái Lan,  Malaysia, Singapore.. đều là những sân bay công suất đến trăm triệu hành khách, với chức năng trung chuyển quốc tế.

Điều đặc biệt quan tâm nữa là chất lượng sân  bay, từ chất lượng dịch vụ đến thái độ phục vụ. Rồi tiềm năng du lịch ra sao. Không thể lấy số dân nhiều hay ít của quốc gia để so sánh lợi thế trung chuyển quốc tế được. Vấn đề là chất lượng sân bay để họ bay tới mình rồi trung chuyển. .. Tóm lại, phải hết sức cân nhắc tính khả thi, hiệu quả của dự án.

Báo cáo của Chính phủ nói dự án chỉ làm đội nợ công thêm 0,091%. Con số này có làm ĐBQH yên tâm?

- Dù báo cáo như vậy nhưng tôi nghĩ tính toán cũng phải hết cân nhắc. Bên cạnh đó là vấn đề đời sống của người dân trong vùng dự án. Dự kiến sẽ thu hồi 5.000 ha đất, hơn 4.000 hộ dân với  14.000 người. Vấn đề bồi thường thiệt hại thì chắc không lo, nhưng quan trọng là bảm đảm được việc làm cho người lao động, sinh kế lâu dài của họ.
Về tổng mức đầu tư, phân kỳ 2 giai đoạn bồi thường đất, vậy tính toán mức bồi thường thiệt hại có đúng không, vì phải theo giá thị trường hàng năm. Trong khi đó, dự án tính tới 2026, vậy thì trên 20.000 tỷ đồng bồi thường liệu có đúng không?. Quan trọng hơn là chưa thấy cam kết của Chính phủ trong việc không tăng tổng mức đầu tư. Vì luật đầu đầu tư công không cho phép tăng tổng mức đầu tư dự án. Trong khi với phân kỳ đầu tư dài như vậy, thì ĐBQH rất lo tăng tổng mức đầu tư. Chính phủ cần khẳng định điều này cho ĐBQH yên tâm.  

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục