Lo lắng chuyện nợ, trăn trở kế hoạch tăng trưởng

Hôm qua, 30-10, Quốc hội đã dành trọn ngày để thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015. Lo lắng chuyện vay nợ ODA, nợ công, giải pháp để đảm bảo tăng trưởng đạt đúng kế hoạch năm 2015 là vấn đề được nhiều ĐBQH đóng góp, thể hiện quan điểm.
Lo lắng chuyện nợ, trăn trở kế hoạch tăng trưởng

Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội

Hôm qua, 30-10, Quốc hội đã dành trọn ngày để thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015. Lo lắng chuyện vay nợ ODA, nợ công, giải pháp để đảm bảo tăng trưởng đạt đúng kế hoạch năm 2015 là vấn đề được nhiều ĐBQH đóng góp, thể hiện quan điểm.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân phát biểu ý kiến.

Tăng huy động nguồn lực để tăng trưởng

Liên quan đến việc giải pháp để kinh tế phục hồi phát triển, ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) và ĐB Bùi Đức Thụ (Lai Châu) đều cho rằng, việc nền kinh tế đang phục hồi là có cơ sở khi tăng trưởng GDP cao dần từ 2012 đến nay. Đồng ý với mục tiêu GDP 2015 tăng 6,2%, lạm phát 5%, song các đại biểu đều cho rằng, tổng mức đầu tư toàn xã hội chỉ 30% là thấp và phải nâng lên 32% GDP để đảm bảo tính khả thi của mục tiêu tăng trưởng. Do vậy, Chính phủ cần có các giải pháp để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển từ trong nước, nước ngoài bởi các nguồn lực này hoàn toàn có thể khai thác được. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp vay trung dài hạn để đầu tư, tăng sản xuất trong nước, giảm độ mở nền kinh tế để tránh tổn thương…

Theo ĐB Trần Hoàng Ngân, đề nghị Chính phủ có báo cáo chi tiết tại sao, những năm gần đây, mỗi năm có đến 50.000 doanh nghiệp phá sản, giải thể (9 tháng đầu năm là hơn 51.200 doanh nghiệp) để tìm ra giải pháp. Cùng với đó là cần có chính sách hỗ trợ đồng bộ về lãi suất, thuế, thủ tục hành chính… mà trước mắt là lãi suất để doanh nghiệp vay trung, dài hạn tăng năng suất cạnh tranh trong hội nhập.

Ở khía cạnh khác, để nâng cao năng lực cạnh tranh, ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) cho rằng, năng suất lao động hiện nay đang như hòn đá tảng cản tăng trưởng. Mô hình tăng trưởng dựa vào chủ yếu là vốn, lao động đang bộc lộ bất cập. Trong khi tăng trưởng dựa vào đầu tư đang gặp khó khi nợ công sát trần thì lao động giai đoạn dân số vàng nhưng cũng đang chuyển sang già hóa và quy mô không thể tăng thêm. Do đó, để nâng cao cạnh tranh, yếu tố sống còn là phải cải thiện chất lượng lao động khi mà lĩnh vực này của Việt Nam đang bộc lộ nhiều điểm yếu như: 50% lao động chưa qua đào tạo, năng suất thuộc nhóm thấp nhất các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương…  

Thảo luận thêm về năng suất lao động, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết, nhiều ý kiến cho rằng do trình độ nghề nghiệp của lao động Việt Nam thấp nên dẫn đến tình trạng trên. “Nhận định như vậy chưa phản ánh đúng bản chất kinh tế của năng suất lao động và thực tế của Việt Nam. Bởi vì năng suất lao động là kết quả phát triển lâu dài của đất nước và do nhiều yếu tố chi phối, không phải chỉ do trình độ nghề nghiệp lao động, cách tính năng suất lao động của Tổ chức Lao động quốc tế ILO là lấy tổng sản phẩm nội địa chia cho tổng số người làm việc trong nền kinh tế. Trong khi đó, theo phân loại của Ngân hàng Thế giới thì quốc gia có GDP đầu người dưới 1.000 USD thì được xếp vào nước nghèo. Việt Nam mới thoát nghèo từ năm 2008. Lúc đó, GDP đầu người của Singapore là 40.000 USD, hơn Việt Nam 34 lần; của Nhật Bản là 38.000 USD hơn 33 lần, Hàn Quốc 18 lần, Malaysia gấp 7 lần. Tức là câu hỏi vì sao năng suất lao động của Việt Nam thấp hoàn toàn tương đương với câu hỏi vì sao Việt Nam nghèo” - đại biểu Nguyễn Thiện Nhân nói.

NGỌC QUANG - BẢO MINH

Tin cùng chuyên mục