Kiến nghị của TPHCM về việc đưa người đi cai nghiện tập trung: Có thể sửa điều luật bằng nghị quyết của Quốc hội

Sáng 31-10, bên lề kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã trao đổi với phóng viên Báo SGGP xung quanh kiến nghị của TPHCM về tháo gỡ vướng mắc pháp luật liên quan đến việc đưa người nghiện đi cai nghiện tập trung.

* Phóng viên: Thưa ông, ông đã nghe kiến nghị của các vị ĐBQH TPHCM về những vướng mắc trong việc đưa người nghiện đi cai nghiện tập trung. Ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này?

* Ông NGUYỄN ĐÌNH QUYỀN: Tôi cho rằng kiến nghị của TPHCM là xuất phát từ cơ sở thực tiễn. Nhưng điều chúng tôi cần biết rõ hơn là những bất cập đó xuất phát từ việc tổ chức thực hiện hay từ cơ chế pháp luật. Nếu TPHCM khẳng định là đã thực hiện đúng quy định của pháp luật rồi, các cơ quan tổ chức thực hiện đã phối hợp tốt rồi, mà vẫn vướng mắc vì cơ chế pháp luật thì chúng tôi hoàn toàn ủng hộ TPHCM. Bất kỳ hiện tượng bất cập nào cũng cần phải phân tích kỹ như thế để có giải pháp phù hợp.

* Nhưng rõ ràng thực tế đang vướng và không chỉ vướng ở TPHCM, mà cả nhiều địa phương khác?

* Như tôi đã nói, đầu tiên là phải rà soát để xem bất cập nảy sinh từ đâu. Nếu các cơ quan tổ chức thực hiện, như tòa án, UBND... chưa phối hợp tốt, chưa làm hết trách nhiệm thì phải bàn với nhau từ trung ương đến địa phương để thực hiện tốt hơn. Còn nếu thấy thực sự là do cơ chế chứ không phải do tổ chức thực hiện thì phải trình Quốc hội ra nghị quyết sửa một điều luật.

* Như vậy việc ban hành một nghị quyết của Quốc hội trong trường hợp này là giải pháp phù hợp với pháp luật?

* Pháp luật luôn phải vì con người. Nếu thấy điều nào, khoản nào chưa khả thi thì trình để sửa. Quốc hội, bằng một nghị quyết của mình, có thể sửa điều luật đó để pháp luật đi vào cuộc sống. Và cũng phải xem pháp luật vướng ở đâu, ở luật hay ở văn bản hướng dẫn thi hành. Giả dụ tiêu chí để xác định người bị nghiện ma túy, hay giao cho tổ chức xã hội nào thực hiện việc quản lý, cai nghiện... thì đấy là Chính phủ phải ban hành hướng dẫn, chứ không phải là phải sửa luật. Tôi cũng phải nói thêm là việc bảo đảm quyền con người luôn phức tạp và rất tốn kém, vì quy trình phải rất chặt chẽ. Kỳ vọng của chúng ta là bảo đảm quyền con người, kể cả trong trường hợp người ta bị nghiện; cho nên khi muốn đưa họ đi cai nghiện bắt buộc thì phải có cách đảm bảo quyền con người của họ được tôn trọng. Đây là bài toán rất khó. Định hướng để tòa án phán xét việc này là đúng, nhưng vấn đề là làm sao để đơn giản thủ tục, nhất là phối hợp nhịp nhàng giữa cơ quan hành chính nhà nước với cơ quan tư pháp. Lâu nay các cơ quan này chưa có sự phối hợp tốt nên khi luật ban hành ra thì có thể quan hệ phối hợp đó có trục trặc; thời gian kéo dài. Đáng lẽ nên tính kỹ lộ trình thực hiện, tức là có giai đoạn quá độ; có bước chuyển đổi. Chúng ta đã không tính hết được những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn nên đã gặp khó khăn trong thực hiện.

* Được biết, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã áp dụng quy chế riêng đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc, ông có bình luận gì về cách làm này?

* Pháp luật có thứ bậc của nó, cao nhất là Hiến pháp, rồi đến luật, pháp lệnh, nghị định. Trong quá trình tuân thủ mà thấy có những vấn đề bất cập, không phù hợp với thực tiễn, không khả thi, làm cho quá trình phức tạp hơn và không hiệu quả thì các cơ quan nhà nước phải khẩn trương trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản đó để có sự sửa đổi bổ sung phù hợp. Việc gì luật giao cho Chính phủ, Chính phủ giao UBND tỉnh, thành phố quy định thì mới được ban hành quy định chứ không phải bất kỳ ai cũng có thể cụ thể hóa luật được. Việc này Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định rõ. Những quy định của Đà Nẵng có thể cũng hợp lý, nhưng vẫn phải trình cơ quan có thẩm quyền, có chức năng ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung thì mới đúng với tiêu chí nhà nước pháp quyền.

* Cảm ơn ông!

"Có hai loại cai nghiện, một loại cai nghiện tự nguyện, một cai nghiện bắt buộc. Với loại cai nghiện bắt buộc, có hạn chế quyền tự do của người ta thì phải thận trọng; trình tự, thủ tục để hạn chế quyền tự do của họ thì cũng phải bảo đảm chặt chẽ. Bước đầu thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính đang còn lúng túng, tổ chức chưa tốt, nhất là tòa án. Bây giờ chúng ta đang trình để thành lập một tòa riêng, chuyên xử lý hành chính. Quốc hội đang xem xét việc này. Với Tòa hành chính, thì những vụ việc như thế này được xem xét rất nhẹ nhàng, trình tự đơn giản. Phải có quyết định của tòa án thì đảm bảo được quyền con người, bảo đảm tính đúng đắn khi hạn chế quyền tự do của người ta. Còn việc xác định người nghiện chỉ có cơ quan y tế mới làm được, kết hợp với cơ quan lao động thương binh xã hội. Phải làm khách quan, công khai, minh bạch"

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường

ANH THƯ thực hiện

Tin cùng chuyên mục