Nâng cao hiệu lực pháp lý của báo cáo kiểm toán

Báo cáo kiểm toán nhà nước có giá trị pháp lý cao nhất?
Nâng cao hiệu lực pháp lý của báo cáo kiểm toán

(SGGP).- Thảo luận ở hội trường sáng 26-11 về dự án Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi), các vị ĐBQH đã tập trung cho ý kiến vào 5 nhóm vấn đề chính: tính độc lập của kiểm toán nhà nước; đối tượng được kiểm toán; giá trị pháp lý của Báo cáo kiểm toán; trách nhiệm và quyền hạn của Tổng Kiểm toán nhà nước và các chức danh khác trong bộ máy Kiểm toán nhà nước nhà nước và việc xử lý vi phạm, giải quyết kiến nghị, khiếu nại và tố cáo trong hoạt động kiểm toán nhà nước.

Báo cáo kiểm toán nhà nước có giá trị pháp lý cao nhất?

Mở đầu phiên thảo luận, ĐB Trần Văn Minh (Quảng Ninh) bình luận: “Dự thảo Luật chưa làm rõ được giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán, do vậy không xác định được mức độ trách nhiệm thực hiện của các đơn vị được kiểm toán và các cơ quan có liên quan. Nếu như không đồng tình với kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước thì căn cứ pháp luật nào để đơn vị được kiểm toán thực hiện quyền khiếu nại của mình và khiếu nại đó sẽ được giải quyết như thế nào”?

ĐB Vũ Xuân Trường (Nam Định) cũng quan tâm đến hiệu lực pháp lý của báo cáo kiểm toán. Theo ông Trường, “tuy đã được nâng tầm lên khá nhiều so với Luật hiện hành năm 2005; song  ở một số nội dung vẫn chưa tương xứng với nhiệm vụ và quyền hạn của Kiểm toán nhà nước”. ĐB đặt câu hỏi: “Báo cáo kiểm toán được hiểu là một quyết định hành chính, quyết định về kinh tế, hay là văn bản pháp luật buộc đơn vị, những người có liên quan chấp hành hay không”?

ĐB Phạm Văn Cường (Lào Cai) đề nghị dự thảo khẳng định rõ: trong trường hợp có nhiều cơ quan, tổ chức cùng đưa ra đánh giá, kết luận về một vấn đề có sự khác nhau thì Báo cáo kiểm toán nhà nước có giá trị pháp lý cao nhất, vì Kiểm toán nhà nước là cơ quan hiến định độc lập.

ĐB Thân Đức Nam, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, góp ý: “Cần làm rõ trường hợp báo cáo kiểm toán không đúng đắn, không trung thực hoặc chỉ trung thực, hợp lý từng phần thì sẽ được thực hiện như thế nào? Đề nghị quy định cụ thể theo hướng ràng buộc trách nhiệm của kiểm toán đối với kết luận của mình, không phải chỉ là có người sử dụng kiểm toán, kiến nghị kiểm toán mới chịu trách nhiệm”.

ĐB Thân Đức Nam, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Lã Anh

ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) đồng tình. Bà nói: “Cần quy định thêm Kiểm toán nhà nước phải có trách nhiệm theo dõi việc thực hiện các kiến nghị của mình đối với các cơ quan được kiểm toán để đảm bảo tính nghiêm minh và phát huy hiệu quả của kết luận kiểm toán”.
Khoanh rõ đối tượng được kiểm toán".

Khoanh rõ đối tượng được kiểm toán

Liên quan đến các đối tượng được kiểm toán, dự thảo cũng thiết kế 2 phương án; phương án 1 là “các đối tượng có nghĩa vụ nộp thuế” và phương án 2 là “các cơ quan quản lý và các đối tượng chấp hành nghĩa vụ nộp thuế”.

Một số ý kiến ĐBQH băn khoăn vì cho rằng với cả hai phương án nói trên, số lượng đơn vị phải kiểm toán được mở rộng hơn nhiều so với hiện tại; trong khi nguồn lực cả về nhân lực, vật lực và cả thời gian để thực hiện của Kiểm toán nhà nước là có hạn. Mặt khác, việc tiến hành kiểm toán các đối tượng có nghĩa vụ nộp thuế cũng chưa thống nhất với mục đích kiểm toán (là “phục vụ cho việc kiểm tra, giám sát của nhà nước trong việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công”). Loại ý kiến này đề nghị chỉ kiểm toán các cơ quan quản lý thuế để phục vụ thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu vào ngân sách nhà nước.

ĐB Bùi Đức Thụ, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách phát biểu: “Phần lớn các nước trên thế giới chỉ tập trung vào kiểm toán chi ngân sách nhà nước, nhằm giải quyết hai vấn đề. Thứ nhất là xem xét vốn và tài sản của nhà nước có được sử dụng đúng quy định, đúng pháp luật không? Tức là phải thực hiện kiểm toán tuân thủ. Thứ hai là phải trả lời câu hỏi vốn, tài sản nhà nước đó sử dụng có hiệu quả không; tức là phải thực hiện kiểm toán hoạt động”.

Mặt khác, theo ĐB Thụ, thực tế thời gian qua, Kiểm toán nhà nước cũng chỉ mới kiểm toán được trên một nửa số bộ, ngành và trên một nửa số địa phương, việc kiểm toán ở các địa phương chủ yếu là mới kiểm toán ở cấp tỉnh, còn cấp huyện, cấp xã kiểm toán rất ít.

Với số lượng hàng trăm ngàn doanh nghiệp, tới đây thu nhập tăng lên đến hàng triệu người có nhiệm vụ, có nghĩa vụ phải nộp thuế thu nhập cá nhân thì việc mở rộng phạm vi kiểm toán nhà nước là vấn đề không khả thi.

Dự án Luật Kiểm toán nhà nước sẽ còn tiếp tục được Quốc hội cho ý kiến, sau đó sẽ được xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục