Xác định rõ chính sách để tránh “đẽo cày giữa đường”

Ngày 27-11, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Ban hành văn bản pháp luật. Nhiều ĐBQH cho rằng, đây là đạo luật “ban hành luật”, có nhiệm vụ tạo khuôn khổ, thiết lập cơ chế vận hành cho toàn bộ hoạt động lập pháp và lập quy của quốc gia. Vì vậy, để có thể nâng cao được chất lượng văn bản pháp luật thời gian tới, rất cần những giải pháp đột phá trong dự thảo luật này.
Xác định rõ chính sách để tránh “đẽo cày giữa đường”

Ngày 27-11, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Ban hành văn bản pháp luật. Nhiều ĐBQH cho rằng, đây là đạo luật “ban hành luật”, có nhiệm vụ tạo khuôn khổ, thiết lập cơ chế vận hành cho toàn bộ hoạt động lập pháp và lập quy của quốc gia. Vì vậy, để có thể nâng cao được chất lượng văn bản pháp luật thời gian tới, rất cần những giải pháp đột phá trong dự thảo luật này.

Đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) phát biểu tại hội trường. Ảnh: LÃ ANH

Chấm dứt tình trạng luật nào cũng có nguyên tắc chung

Liên quan đến tên gọi của luật, ĐB Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) cho rằng việc đổi tên Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thành Luật Ban hành văn bản pháp luật là phù hợp. Cùng quan điểm, ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng, chúng ta duy trì quá lâu nhận thức “quy phạm pháp luật”, vốn là sản phẩm của nhà nước Xô viết tập quyền trước đây. Nay khi gộp lại thành Luật Ban hành văn bản pháp luật thì cần có 3 chương: lập pháp của Quốc hội, lập quy của Chính phủ, lập quy của chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, cần xác định được trật tự pháp lý, chẳng hạn như vô hiệu đương nhiên khi pháp lệnh trái luật, nghị định trái pháp lệnh…

ĐB Trần Du Lịch cũng đề nghị chấm dứt tình trạng luật nào cũng quy định nguyên tắc chung, khiến trong thực tế bị áp dụng rất tùy tiện. Luật Ban hành văn bản pháp luật cần quy định chỉ có bộ luật là quy định nguyên tắc chung, luật chỉ quy định chế định, chế tài. “Chương trình xây dựng pháp luật cũng không nên quá cứng nhắc, quá phức tạp như hiện nay: muốn xây dựng một đạo luật phải qua mấy kỳ họp. Tôi đề nghị nên có cách làm linh hoạt để ngay đầu kỳ họp nếu có vấn đề thì có thể thông qua ngay 1 luật chỉ với 5 - 3 điều” - ĐB Trần Du Lịch nói.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Thị Huệ (Đắk Lắc) kiến nghị luật làm rõ hơn quy trình xem xét sáng kiến pháp luật của ĐBQH và tổ chức, cá nhân. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước tiếp nhận sáng kiến pháp luật. Về vấn đề này, ĐB Ngô Đức Mạnh (Bình Thuận) cho biết, hiện nay cá nhân mỗi ĐBQH không có bộ máy giúp việc nên việc chuẩn bị dự luật để trình Quốc hội là rất khó khăn, tính khả thi không cao. Vì thế, cần quy định rõ trách nhiệm của đơn vị công tác, có thể giúp soạn thảo văn bản pháp luật theo sáng kiến của ĐBQH. ĐB Trần Du Lịch gợi ý thêm: “ĐBQH khi có sáng kiến pháp luật thì có thể nhờ các cơ quan của Quốc hội hỗ trợ để xây dựng dự thảo luật của mình”.

Định hình chính sách cho mỗi văn bản pháp luật

Đánh giá cao những điểm mới của dự thảo luật, nhưng ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho rằng, dường như ở một số vấn đề quan trọng vẫn chưa chạm được vào bản chất của vấn đề và chưa có được những biện pháp xử lý thỏa đáng những bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành. Phân tích cụ thể, ĐB Vũ Tiến Lộc cho biết, luật hiện hành không có giai đoạn định hình chính sách cho mỗi văn bản. Điều này khiến cho các dự thảo không có định hướng chính sách rõ ràng. Việc thiếu định hướng của các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật ngay từ khi xem xét đề xuất ý tưởng khiến cho người soạn thảo giống như “đẽo cày giữa đường”, không biết kiên định đường hướng nào.

“Thực tế cho thấy, một số văn bản được ban hành mà không rõ mục tiêu, phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh và nguyên tắc xây dựng chính sách, dẫn đến những hiểu lầm và tranh luận không cần thiết. Ví dụ như một số đề xuất trước đây về quản lý xe ôm, về sức khỏe của người lái xe...” - ĐB Vũ Tiến Lộc dẫn chứng.

Mặc dù dự luật đã chú ý đến việc này, nhưng theo ĐB Vũ Tiến Lộc, vấn đề là không có chỗ nào trong dự luật định nghĩa chính sách là gì, chính sách bao gồm những nội dung nào, căn cứ vào đâu để đánh giá chính sách?… Toàn bộ các quy trình xây dựng pháp luật sau đó chạy theo chính sách, dựa vào chính sách, nhưng cả người soạn thảo lẫn người thẩm định đều không biết chính sách đó được xác định thế nào, cần phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu gì? Đây là những vấn đề cần được làm rõ trong dự luật.

BẢO MINH

Tin cùng chuyên mục