Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng TPHCM Nguyễn Thị Như Thủy: Hướng đến người lao động trực tiếp

“Bỏ quên” người lao động tự do

° Tổ chức tuyên dương “Tấm gương thầm lặng mà cao cả”

“Chính sách khen thưởng công bằng đối với tất cả. Tuy nhiên, vấn đề là vận dụng chính sách ấy như thế nào để tất cả các tầng lớp trong xã hội khi có thành tích đều được khen thưởng tôn vinh”. Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng TPHCM Nguyễn Thị Như Thủy chia sẻ điều này khi trao đổi với PV Báo SGGP về định hướng phong trào thi đua, công tác khen thưởng của TPHCM trong thời gian tới.

“Bỏ quên” người lao động tự do

- Phóng viên: Đồng chí nói điều trên có phải vì thời gian qua công tác khen thưởng thực hiện chưa coi trọng đến đối tượng là người lao động?

>> Đồng chí NGUYỄN THỊ NHƯ THỦY: Phải khẳng định rằng, phong trào thi đua, công tác khen thưởng những năm trở lại đây có những chuyển biến tích cực. Riêng công tác khen thưởng có quan tâm hơn đến đối tượng là người lao động, người dân, đặc biệt hình thức khen thưởng nóng, khen đột xuất để kịp thời động viên những tập thể, cá nhân lập được thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất, học tập và công tác, tuy nhiên, vẫn chưa đủ. Hay nói khác hơn, công tác khen thưởng cho những người trực tiếp lao động, người dân chưa nhiều. Mặc dù tất cả các đối tượng thi đua khen thưởng đều đóng góp chung cho sự phát triển nhưng qua công tác khen thưởng lại thấy rõ khen đối với các cơ quan quản lý, các đơn vị, các lãnh đạo nhiều hơn so với cấp dưới, người lao động trực tiếp, lao động tự do...

- “Bắt mạch” tình trạng này, theo đồng chí đâu là nguyên nhân cốt lõi?

Luật Thi đua - Khen thưởng quy định có đăng ký thi đua mới được xét khen thưởng. Quy định này đã tạo yếu tố bất lợi cho các đối tượng là người lao động, người dân bình thường. Tôi ví dụ, những người lao động tự do không nằm trong bộ máy tổ chức thì đăng ký thi đua ở đâu? Cùng với đó, công tác bình xét thi đua để khen thưởng còn nể nang, thường lãnh đạo được ưu tiên vì có mấy ai không dám không bỏ phiếu cho thủ trưởng mình, nên đa phần thủ trưởng được bình xét khen thưởng. Gần 10 năm làm công tác thi đua khen thưởng, tôi thấy rất rõ điều này. Tại các sở ngành, quận huyện, bộ phận làm công tác thi đua khen thưởng đề xuất danh sách khen thưởng đa phần là lãnh đạo. Mỗi khi như vậy chúng tôi có góp ý nhưng cũng chưa chuyển biến mấy, trong khi mình có cơ chế nào để “bẻ” lại đâu. Thành phần kinh tế Nhà nước được thụ hưởng chính sách này nhiều hơn kinh tế ngoài quốc doanh. Hay những nông dân nào có trong tổ chức thì còn được đề xuất khen thưởng, còn nông dân tự do thì chưa được quan tâm xem xét để được khen thưởng

- Luật Thi đua - khen thưởng sửa đổi, bổ sung năm 2013 (hiệu lực từ tháng 7-2014) có đến 50/103 điều sửa đổi, bổ sung được đánh giá là bước đột phá lớn. Điểm mới của luật này là hướng về người nông dân, lao động trực tiếp, các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh… Như vậy, liệu có khắc phục được những tồn tại như đồng chí trình bày trên?

Khi luật này triển khai, tôi nghĩ sẽ có thay đổi. Tuy nhiên, luật cũng chỉ là văn bản quy định những chuẩn mực, còn vấn đề quan trọng là nhận thức của người làm công tác thi đua, của lãnh đạo các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị vì dù luật có phù hợp thực tế nhưng nếu nhận thức của con người chưa chuyển biến thì những chính sách khen thưởng này cũng khó đạt kết quả như mong đợi. Vấn đề quan trọng là làm sao để các chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác thi đua khen thưởng đến với tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Mấu chốt của vấn đề ở đây chính là sự nhận thức. Người lãnh đạo phải nhìn thấy công lao đóng góp của cấp dưới để động viên, khích lệ và tôn vinh khen thưởng kịp thời.

Tiến đến sự công bằng

- Vậy TPHCM vận dụng chính sách này như thế nào trong thời gian tới để tiến đến sự công bằng, thưa đồng chí?

Qua đề xuất của Ban Thi đua - Khen thưởng trong dịp Kỷ niệm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30-4 tới đây, TPHCM sẽ tổ chức buổi lễ long trọng để tôn vinh, khen thưởng những người lao động thầm lặng. Lẽ ra thành phố sẽ tổ chức lễ này ngay sau tết nhưng vì lần đầu tiên thực hiện nên chúng tôi cần có sự chuẩn bị kỹ hơn, mở rộng đối tượng tôn vinh hơn, để buổi lễ thật sự mang ý nghĩa thiết thực. Từ nay, lễ tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” sẽ được thành phố tổ chức định kỳ hàng  năm. Đây cũng là một trong những cách làm để góp phần tạo sự công bằng trong khen thưởng. Đối tượng khen thưởng là những người lao động bình thường trên các lĩnh vực đời sống xã hội, những công nhân lao động trực tiếp, công nhân vệ sinh, những hộ lý đang phục vụ cho bệnh nhân AIDS, những người đã âm thầm làm việc thiện nguyện… Trong xã hội, mỗi người mỗi cảnh và họ làm những công việc này không nghĩ để được tôn vinh, thậm chí có người còn từ chối sự tôn vinh… Nhưng những người làm công tác thi đua khen thưởng nếu không thấy được sự hy sinh thầm lặng này, những tấm lòng cao cả này, nghĩa là mình chưa làm tròn trách nhiệm.

- Như đồng chí trình bày trên, một trong những cái khó là việc phát hiện, tập hợp những người làm những công việc này để tôn vinh, khen thưởng. Như vậy, cách thức nào để phát hiện thưa đồng chí?

Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền luật, nghị định, thông tư, hướng dẫn về thi đua - khen thưởng đến mọi tầng lớp nhân dân, đến từng tổ dân phố, từng người dân. Như năm 2011, Ban thi đua - Khen thưởng đã từng tổ chức hội thi quy mô lớn tìm hiểu về Luật Thi đua - Khen thưởng với sự tham gia của hàng trăm đội với hàng ngàn thí sinh đến từ các sở ban ngành, quận huyện, phường xã. Ban vừa thành lập phòng tuyên truyền để đẩy mạnh công tác này. TPHCM là nơi đầu tiên cả nước thành lập phòng này. Đặc biệt, trong năm 2014, chúng tôi đã ký kết chương trình phối hợp trách nhiệm với các báo - đài, mặt trận, đoàn thể để tham gia tuyên truyền, trong đó có Báo SGGP. Qua các kênh thông tin của mặt trận, đoàn thể đến từng hội viên đoàn viên như vậy sẽ đảm bảo quyền lợi cho giới của mình. Mặt khác, ban thiết lập một hệ thống cộng tác viên là cán bộ chuyên trách công tác thi đua - khen thưởng từ TP đến các sở, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, quận - huyện, tổng công ty và công ty để phối hợp công tác tuyên truyền về phong trào thi đua và công tác thi đua, khen thưởng trong thời gian tới.

- Để khắc phục tình trạng không quan tâm khen thưởng đúng mức đến đối tượng người lao động, có ý kiến cho rằng nên quy định tỷ lệ nhất định khen thưởng lãnh đạo và người lao động?

Theo tôi nên có. Trong Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Thi đua - Khen thưởng sửa đổi bổ sung năm 2013 sắp ban hành tới đây, Trung ương cần quy định cụ thể tỷ lệ khen thưởng cho người lao động nhằm tạo ra sự công bằng. 

- Xin cảm ơn đồng chí!

VÂN ANH (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục