Biên chế tổ chức, bộ máy chính quyền ở cơ sở: Đông nhưng chưa mạnh

Biên chế tổ chức, bộ máy chính quyền ở cơ sở: Đông nhưng chưa mạnh

Tổng số cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy chính quyền và các cơ quan hành chính Nhà nước tại TPHCM hiện nay gồm hơn 13.000 người. Nếu tính chung cả khối Đảng, MTTQ và các đoàn thể thì có đến hơn 140.000 người, trong đó chiếm chủ yếu ở cấp cơ sở phường - xã - thị trấn (bình quân từ 300 đến 350 người/phường - xã - thị trấn).

        Trên sao, dưới vậy

Cấp cơ sở hiện nay theo định biên có từ 40 đến 45 cán bộ, công chức cho 3 khối gồm: Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể. Trong đó, khối MTTQ và các đoàn thể tuy có đến hơn 20 đầu mối các tổ chức thành viên, nhưng thực chia từ quỹ lương trong gói khoán định biên thì chỉ có 3 đến 5 người. Nhiều đại diện của các tổ chức thành viên như: Hội Người cao tuổi, Hội Khuyến học, Hội Chữ thập đỏ, Hội Liên hiệp Thanh niên… không có trong định biên để được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Trong khi đó, các tổ chức thành viên khác trong hệ thống MTTQ như: Đoàn TNCS, Hội LHPN, Hội CCB, Hội Nông dân…, theo quy định lại là công chức trong bộ máy chính quyền ở cơ sở.

Theo ông Nguyễn Phương Nam, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND phường 12 quận 3, bộ máy tổ chức và nhân sự của 3 khối Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể ở cấp phường thế nào thì cấp khu phố cũng y như vậy. Ở cấp này tuy không hưởng lương từ ngân sách cho từng chức danh theo định biên, nhưng “đội hình” của một khu phố có ít nhất cũng phải 45 đến 50 người. Cụ thể như ở phường 12 có 3 khu phố, mỗi khu phố được “biên chế”, bao gồm: cấp ủy chi bộ và ban điều hành khu phố: 5 đến 7 người, tổ dân phố: 30 người (15 tổ, mỗi tổ gồm tổ trưởng và tổ phó), bảo vệ dân phố: 3 đến 5 người, MTTQ và các đoàn thể: 15 đến 20 người. Đầu mối ngành dọc ở cấp này có thể kể ra đến gần 20 tổ chức, bao gồm: Chi bộ Đảng (nhiều nơi là Đảng bộ bộ phận), Ban Điều hành khu phố, ấp, Bảo vệ dân phố, Chi hội CCB, Chi đoàn TNCS, Chi hội phụ nữ, Chi hội phụ lão, Chi hội nông dân, Chi hội khuyến học, Chi hội người cao tuổi, Chữ thập đỏ, CLB Ông bà cháu, Hội mẹ… Ngân sách Nhà nước “bao” cho cấp này, theo ông Nam vào khoảng gần 20 triệu đồng/tháng/khu phố (15 tổ dân phố). Còn lại để có kinh phí hoạt động, phần lớn các tổ chức đoàn thể phải vận động dân đóng góp.

Mỗi năm Trường Cán bộ TP đào tạo và đào tạo lại hàng ngàn cán bộ, công chức, viên chức nhưng vẫn không đáp ứng đủ yêu cầu của bộ máy chính quyền cấp cơ sở. Ảnh: HOÀI NAM

Mỗi năm Trường Cán bộ TP đào tạo và đào tạo lại hàng ngàn cán bộ, công chức, viên chức nhưng vẫn không đáp ứng đủ yêu cầu của bộ máy chính quyền cấp cơ sở. Ảnh: HOÀI NAM

        Chồng chéo chức năng và hoạt động

Theo TS Nguyễn Văn Nhứt, Trưởng khoa Quản lý hành chính Trường Cán bộ TP, phường - xã - thị trấn không phải là cấp hoạch định đường lối, chính sách. Cơ sở là cấp hành động, tổ chức hành động và đưa đường lối, nghị quyết, chính sách vào cuộc sống. Do mỗi tổ chức trong hệ thống Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể có chức năng riêng, có nghị quyết, chính sách, định hướng riêng nên việc triển khai các hoạt động cũng phải bám vào đặc thù và đối tượng riêng của mình. Tuy nhiên, do một đối tượng công chúng đồng thời là thành viên, hoặc có vai trò tham gia vào nhiều hoạt động của các tổ chức, bộ máy trong hệ thống Đảng, chính quyền (có khi cả HĐND), MTTQ và các đoàn thể, nên trong thực tế đã xảy ra chồng chéo về chức năng và phương thức hoạt động. Phổ biến của tình trạng này là cùng một hoạt động, phong trào, hoặc cùng một mục tiêu đưa các chính sách, nghị quyết vào cuộc sống, nhưng mỗi tổ chức trong hệ thống Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể từ phường - xã - thị trấn xuống đến các khu phố, ấp lại có phương thức khác nhau. Điều này, như TS Nguyễn Văn Nhứt là rất lãng phí về kinh phí và thời gian hoạt động, nhưng hiệu quả đem lại rất thấp. Có tình trạng, một kết quả hoạt động được nhiều tổ chức báo cáo với số liệu khác nhau, thậm chí là thổi phồng thành tích để được nhận các danh hiệu khen thưởng…

Theo Phó Chủ tịch UBND quận 12 Nguyễn Toàn Thắng, để nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của các tổ chức, bộ máy trong hệ thống Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể ở cơ sở cần xác định rõ, rành mạch về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giữa các bộ phận; đồng thời xây dựng mối quan hệ đoàn kết, phối hợp giữa các tổ chức dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng. Mặt khác, cần thống nhất phương thức hoạt động theo hướng chung nhất giữa các tổ chức, để quá trình đưa các chính sách, nghị quyết, hoặc tổ chức các phong trào vào cuộc sống đến được nhiều người, nhiều đối tượng. Nếu làm tốt được các biện pháp trên, sẽ góp phần giảm đầu mối, giảm biên chế, tổ chức hoạt động từ cơ sở đến các khu phố, ấp.

TPHCM hiện có 322 phường - xã - thị trấn thuộc 24 quận huyện. Số liệu khảo sát của Khoa quản lý hành chính Trường Cán bộ TP về hệ thống chính trị ở cấp cơ sở cho thấy có hơn 40% phường - xã - thị trấn có số dân hơn 40.000 người, còn lại là trên 10.000 (hơn 30%) và dưới 10.000 dân (hơn 20%). Nhiều phường - xã - thị trấn có hơn 10 khu phố, ấp với số lượng cán bộ Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể lên đến hàng trăm người/khu phố, ấp…).

HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục