Mở rộng đối tượng được vào casino

Khó chứ không phải không quản lý được

Theo Dự thảo Nghị định về kinh doanh casino vừa được Bộ Tài chính trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến tại phiên họp sáng 17-4, người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, tự nguyện chấp hành thể lệ trò chơi và các quy định tại nghị định này sẽ được phép chơi tại các điểm kinh doanh casino.

Khó chứ không phải không quản lý được

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện đồng tình với việc phải ban hành nghị định quản lý hoạt động kinh doanh casino để phục vụ cho người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài, đồng thời cũng đề nghị Bộ Tài chính cân nhắc nghiên cứu mở rộng cho cả một số đối tượng là người Việt được tham dự “trò chơi có thưởng” này. Theo người đứng đầu Ủy ban Tư pháp, nhu cầu của người Việt rất lớn, thực tế là nhiều người đã sang nước ngoài để chơi. Ông Hiện phát biểu: “Cấm thì hậu quả không chỉ là mất nguồn ngoại tệ, mà còn kéo theo biết bao nhiêu hệ lụy xã hội khác nữa”.

Vẫn theo ông Nguyễn Văn Hiện, Bộ Chính trị cũng đã có quan điểm thí điểm mở cho một số đối tượng người Việt được tham gia casino. Do đó Bộ Tài chính nên đưa ngay các điều kiện, tiêu chuẩn người Việt được chơi casino vào nghị định, tránh việc phải sớm sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật này. Các điều kiện đó có thể là có nhân thân tốt, có tiềm lực tài chính, có nguồn thu nhập cao và ổn định; không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự; chưa phạm tội liên quan đến cờ bạc, lừa đảo…

Ông Hiện nhấn mạnh, việc quản lý hoạt động của sòng bài phải hết sức chặt chẽ, đặc biệt là quản lý người Việt vào các địa điểm casino lại càng phải chặt chẽ. Nhưng chặt chẽ không đồng nghĩa với cấm, vấn đề ở đây là “khó quản lý chứ không phải là không quản lý được”.

Tán thành quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận định: “Chúng ta phải thể hiện rõ quan điểm có mở rộng đối tượng được tham gia casino cho một số đối tượng là người Việt hay không. Theo tôi thì nên và phải quy định ngay trong nghị định về đối tượng được tham gia, điều kiện được tham gia, tiêu chuẩn được tham gia và giao Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính quy định cụ thể hơn nữa”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, việc có cho người Việt được tham gia casino hay không đã được các cơ quan quản lý nhà nước bàn bạc, thảo luận từ năm 2007 và đã được Bộ Chính trị chấp thuận về mặt nguyên tắc vào năm 2013. “Chúng ta đã thảo luận, bàn bạc nhiều. Bộ Chính trị đã có chủ trương, vì vậy nghị định cần phải quy định nguyên tắc, điều kiện, tiêu chuẩn người Việt được tham gia casino” - Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước vẫn có quan điểm khác. Ông Phước cho rằng, mục đích cho kinh doanh casino là góp phần tăng thu ngân sách, tạo công ăn việc làm. Nhưng thực tế cho thấy 2 mục tiêu này không đạt được khi mà từ năm 1992 đến nay, các casino hiện có mới đóng góp vào ngân sách 254 tỷ đồng và mỗi điểm kinh doanh chỉ giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 200 - 500 lao động. Trong khi đó, các vấn đề về an ninh trật tự xã hội xung quanh khu vực có địa điểm casino vẫn chưa bảo đảm. Trước mắt, chưa nên cho người Việt tham gia casino, sau này khi hoạt động casino phát triển, trình độ quản lý tốt hơn sẽ tính sau. Thực tế ở nhiều nước trên thế giới cũng đều cấm dân bản địa tham gia casino.

Rút kinh nghiệm khi tăng bội chi ngân sách

Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội khi xem xét, thẩm tra báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012 đã yêu cầu Chính phủ “rút kinh nghiệm khi tăng bội chi ngân sách mà chưa có ý kiến của UBTVQH”, vì như vậy là chưa thực hiện đúng quy định tại khoản 2, điều 49 của Luật Ngân sách nhà nước.

Trước đó, khi trình bày báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước tại phiên họp của UBTVQH sáng 17-4, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Quốc hội quyết định mức bội chi ngân sách nhà nước năm 2012 là 140.200 tỷ đồng, bằng 4,8% GDP. Quyết toán số bội chi là 154.126 tỷ đồng, so dự toán vượt 13.926 tỷ đồng, bằng 4,75% GDP thực tế. Đây là con số nằm trong tỷ lệ bội chi được Quốc hội cho phép.

Tuy nhiên, một số ý kiến trong cơ quan thẩm tra cho rằng, số bội chi như báo cáo của Chính phủ chưa phản ánh hết tình hình bội chi, chẳng hạn như chưa tính đủ số hoàn thuế giá trị gia tăng phát sinh trong năm, nợ đọng xây dựng cơ bản, tạm ứng vốn lớn chưa thu hồi... Bên cạnh đó, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách nêu rõ, công tác thu ngân sách năm 2012 không đạt dự toán được Quốc hội quyết định. Một số khoản thu quan trọng không đạt dự toán được giao, nguồn thu chưa ổn định, vững chắc. Công tác quản lý thu thuế vẫn có mặt hạn chế, thất thu và nợ đọng thuế còn lớn. Công tác quản lý chi ngân sách nhà nước năm 2012 còn tình trạng lãng phí, chi sai chế độ quy định, không đúng mục đích...

Tại phiên họp, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội và ông K’sor Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, đề nghị Chính phủ làm rõ lý do chi không đạt theo dự toán trong lĩnh vực y tế giáo dục. Ông K’sor Phước thẳng thắn: “Cơ quan kiểm toán đã nêu ra một loạt sai phạm, thẩm tra cũng nói rõ, nhưng cuối cùng biểu quyết lại nhất trí, năm nào cũng vậy. Ở đây có 15.000 dự án đã xong, hoặc đã đưa vào sử dụng mà vẫn chưa xong quyết toán”. Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhất trí với những đề nghị của UBTVQH và cho biết sẽ bổ sung, hoàn thiện báo cáo chi tiết và đầy đủ hơn.

Chiều cùng ngày, UBTVQH đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhắc nhở, dự án luật còn nhiều điểm chưa rõ. Quy định như dự luật còn rất chung chung, rất khó đảm bảo được nguyên tắc “không dàn trải”.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục