Tiếp tục cân nhắc tuổi nghỉ hưu

Sáng 18-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội và UBTVQH năm 2015. Cũng trong buổi sáng, UBTVQH đã nghe và cho ý kiến về việc gia nhập Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị di động và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay (Công ước và Nghị định thư Cape Town).

Sáng 18-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội và UBTVQH năm 2015. Cũng trong buổi sáng, UBTVQH đã nghe và cho ý kiến về việc gia nhập Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị di động và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay (Công ước và Nghị định thư Cape Town).

        Giám sát tối cao về oan sai trong tố tụng hình sự

Theo Tờ trình được Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày tại phiên họp, Văn phòng Quốc hội đề xuất dự kiến 6 nội dung cụ thể để giám sát chuyên đề trình UBTVQH xem xét, lựa chọn.

Đó là hiệu quả sử dụng vốn ODA cho đầu tư phát triển trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội; việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004 - 2013; tình hình oan, sai trong hoạt động tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự; việc thực hiện chính sách, pháp luật về chương trình xây dựng nông thôn mới và hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, giai đoạn 2011 - 2014; việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo trợ xã hội; và việc thực hiện chính sách, pháp luật về kết hợp phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn chiến lược (trọng tâm là các địa bàn Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ).

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu lưu ý rằng năm 2015 là năm có nhiều việc lớn, trong đó có việc chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc. Do đó cần tập trung vào việc đánh giá sâu sắc, toàn diện tình hình kinh tế - xã hội của đất nước trong 5 năm vừa qua. Ủy ban Kinh tế khó lòng thực hiện thêm một chuyên đề giám sát riêng nữa. Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu cũng đề nghị UBTVQH khi chuẩn bị chương trình giám sát nên tổng hợp, tham khảo chương trình giám sát của các đoàn ĐBQH nữa để phối hợp triển khai.

Không đồng ý với đề nghị giảm bớt công việc giám sát chuyên đề, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nói, giám sát là một trong 3 mảng công tác quan trọng của Quốc hội, không thể coi nhẹ. Đáng lưu ý, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và nhiều ý kiến khác trong Thường vụ thống nhất đề nghị Quốc hội giám sát tối cao về tình hình oan sai trong tố tụng hình sự và bồi thường thiệt hại cho người bị oan theo Nghị quyết 37 của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói rõ: “Giám sát là công việc không thể bỏ ngỏ, để lắng nghe toàn dân, đánh giá đúng tình hình, giúp đưa ra những quyết sách đúng đắn. Tuy nhiên, để cân đối với những công việc khác, tôi đề nghị Quốc hội giám sát 2 chuyên đề: về tình hình oan sai trong tố tụng hình sự, bồi thường thiệt hại cho người bị oan theo Nghị quyết 37 của Quốc hội và về hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế”.

        Nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động

Chiều 18-4, UBTVQH nghe và cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Liên quan đến điều kiện hưởng lương hưu, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết, nhằm đảm bảo cân đối quỹ bảo hiểm hưu trí, dự thảo luật đã bổ sung quy định về lộ trình tăng thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu của người lao động. Theo đó, “từ năm 2016 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Từ năm 2020 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của các nhóm đối tượng còn lại cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam”.

 Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội thấy rằng, theo báo cáo của Chính phủ thì quỹ hưu trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần, tỷ trọng giữa số tiền chi trả chế độ so với số thu từ đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động hàng năm có xu hướng tăng nhanh. Nếu như năm 2007, tỷ trọng số chi so với số thu chỉ chiếm 57,2% thì đến năm 2013 là khoảng 76,6%. Do vậy, cần phải điều chỉnh chính sách bảo hiểm hưu trí thông qua việc nâng thời gian đóng BHXH, nâng tuổi nghỉ hưu lên cao hơn so với quy định hiện hành.

Góp ý về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh yêu cầu nghiên cứu kỹ khả năng cân đối thu - chi trong tương lai của Quỹ BHXH. “Có nguy cơ là đất nước ta chưa giàu nhưng dân số đã già, lại đứng trước cảnh báo về bẫy thu nhập trung bình. Tôi đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình; nhưng nên tính đối với nam giới và nữ giới thế nào? Tuổi nghỉ hưu của nữ 15 năm nữa mới lên 60, nhưng nam chỉ 5 năm nữa đã lên đến 62 rồi”.

Theo ông Hiển, cơ chế xử phạt đối với các doanh nghiệp, tổ chức vi phạm pháp luật về BHXH cũng là vấn đề rất đáng quan tâm. Nhìn nhận vấn đề từ góc độ quyền lợi của người lao động, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính khuyến nghị: “Giải pháp quan trọng nhất để đảm bảo cân bằng thu - chi của Quỹ BHXH là phải thu đúng, thu đủ với mức cao hơn. Tại sao không thực hiện ngay Bộ luật Lao động về thu nhập để tính tiền đóng BHXH ngay từ năm 2015 thay vì kéo dài thời gian đóng? Nữ lao động ở khu vực hành chính có thể kéo dài thời gian làm việc, chứ nhiều ngành nghề khác không thể kéo được”. Ông Chính xót xa: “58.000 nữ công nhân cao su chỉ 48 – 50 tuổi đã không đủ sức khỏe làm việc được nữa mà vẫn phải đợi đến 60 tuổi mới được hưởng lương hưu là rất bất hợp lý”.

Theo Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, tuổi về hưu phải tính đến đặc thù ngành nghề và đặc điểm cơ cấu dân số. Chủ tịch QH yêu cầu cơ quan soạn thảo, thẩm tra tập hợp thông tin, phân tích đầy đủ các khía cạnh kinh tế - xã hội - chính trị để quy định hợp tình, hợp lý.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục