Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Chủ động đấu tranh chống oan sai, lọt tội trong quá trình tố tụng

(SGGP). – Ngày 1-8, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã làm việc với Liên đoàn Luật sư Việt Nam về tình hình, kết quả của nhiệm kỳ 1 (2009 – 2014) và 6 tháng đầu năm 2014.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Chủ động đấu tranh chống oan sai, lọt tội trong quá trình tố tụng

(SGGP). – Ngày 1-8, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã làm việc với Liên đoàn Luật sư Việt Nam về tình hình, kết quả của nhiệm kỳ 1 (2009 – 2014) và 6 tháng đầu năm 2014.

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Lê Thúc Anh cho biết, tại thời điểm thành lập (tháng 5-2009), cả nước có hơn 5.300 luật sư và đến tháng 6-2014, số lượng luật sư là 8.675 người. Sự phát triển luật sư chủ yếu tập trung ở các TP lớn, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM (chiếm 2/3 tổng số luật sư của các nước). Từ tháng 5-2009 đến nay, số lượng luật sư tham gia bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, cung cấp dịch vụ pháp lý cho các cá nhân, tổ chức là: 67.414 vụ án hình sự, 54.005 vụ án dân sự, 5.460 vụ án kinh tế… Trong những năm gần đây, đội ngũ luật sư đã đảm nhận 100% việc bào chữa trong các vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu. Chất lượng bào chữa trong các vụ án ngày càng được nâng cao.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp gỡ các đại biểu Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp gỡ các đại biểu Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Tại cuộc làm việc, lãnh đạo Liên đoàn Luật sư Việt Nam và ý kiến của các đại biểu cũng bày tỏ về sự thiếu quyết liệt và phối hợp trong hoạt động ngay nội bộ liên đoàn cũng như với các cơ quan Trung ương liên quan. Nhiệm kỳ qua, liên đoàn đã nhận được 141 đơn yêu cầu bảo vệ quyền lợi hợp pháp của luật sư và đã được giải quyết kịp thời, có hiệu quả. Tình hình luật sư vi phạm đạo đức, ứng xử nghề nghiệp vẫn còn diễn ra.

Trong 5 năm qua, liên đoàn đã nhận được 363 đơn thư, tố cáo liên quan đến hoạt động của luật sư các cấp. Về cơ bản, những vụ việc thuộc thẩm quyền của liên đoàn đã được giải quyết, tuy nhiên một số đoàn luật sư, các đơn thư này được giải quyết chậm, gây bức xúc cho người khiếu nại, ảnh hưởng đến uy tín đội ngũ luật sư.

Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã kiến nghị tiếp tục đổi mới và hoàn thiện các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử theo tinh thần Nghị quyết số 49 (ngày 2-6-2005) của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI; hoàn thiện mô hình tố tụng hình sự, trong đó tạo sự bình đẳng giữa luật sư với các cơ quan kiểm sát, bãi bỏ quan hệ, cơ chế xin - cho, nâng cao địa vị pháp lý của luật sư trong các quan hệ tố tụng; đối với các vụ án hình sự cần mở rộng phạm vi các vụ án bắt buộc có luật sư tham gia bào chữa tại các phiên tòa, từng bước và tiến tới chỉ có luật sư mới có quyền tham gia tranh tụng tại tòa để đảm bảo cung cấp các dịch vụ pháp lý có chất lượng cho cộng đồng xã hội.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, những kết quả đạt được trong thời gian qua của Liên đoàn Luật sư Việt Nam là rất đáng ghi nhận. Vai trò, vị trí của luật sư đã từng bước được khẳng định trong đời sống chính trị, pháp lý của đất nước. Các luật sư đã có nhiều cố gắng tham gia những hoạt động tố tụng, tích cực thực hiện chủ trương tranh tụng tại phiên tòa, góp phần làm cho các phiên tòa xét xử trở nên công bằng, dân chủ hơn.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị Liên đoàn Luật sư Việt Nam phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng liên quan để xử lý nghiêm khắc tình trạng một số luật sư còn vi phạm đạo đức nghề nghiệp, sai phạm trong quá trình hành nghề. Đặc biệt, cần phải nâng cao tỷ lệ luật sư tham gia vào các vụ án ngay từ đầu, nhất là án hình sự; nâng cao chất lượng, hoạt động tranh tụng tại các phiên tòa. Cùng với các cơ quan chức năng khác, các luật sư khi hành nghề cũng phải phát huy vai trò của mình để đấu tranh chống oan sai, lọt tội trong quá trình tố tụng, tranh tụng các vụ án. Liên đoàn cần tích cực tham gia xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật, mở rộng hợp tác quốc tế để có thể tham gia vào giải quyết tranh chấp quốc tế trong tình hình đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới.

TRẦN LƯU

Tin cùng chuyên mục