Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương: Phải phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của từng cấp chính quyền

Cân nhắc định danh chính quyền đô thị

Ngày 18-8, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã họp phiên toàn thể, nghe báo cáo về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Đại diện các bộ, cơ quan có liên quan và nhiều chuyên gia pháp luật tham dự và đóng góp ý kiến tại phiên họp.

Cân nhắc định danh chính quyền đô thị

Theo đại diện ban soạn thảo, dự án luật dự kiến điều chỉnh các vấn đề về tổ chức đơn vị hành chính; mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính; phân định thẩm quyền và quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp chính quyền địa phương; tổ chức và hoạt động của UBND, HĐND; mối quan hệ giữa HĐND, UBND với MTTQ, các đoàn thể và đảm bảo sự tham gia của nhân dân. Dự luật cũng quy định có tính nguyên tắc về hoạt động giám sát của HĐND.

Đáng lưu ý, nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013 về đơn vị hành chính tương đương quận, huyện trực thuộc thành phố trực thuộc trung ương để mở đường cho việc đổi mới tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương ở đô thị, dự thảo luật quy định, đơn vị hành chính tương đương trực thuộc thành phố trực thuộc trung ương là thành phố, thành phố này được chia thành phường và xã. Các ý kiến tại phiên họp thống nhất với sự cần thiết phải quy định như vậy; song nhận xét rằng tên gọi “thành phố trực thuộc thành phố trực thuộc trung ương” là quá rườm rà và rắc rối trong cách hiểu và gọi tên đối với đại đa số nhân dân.

Hơn nữa, việc dự thảo luật chia thành phố trực thuộc thành phố trực thuộc trung ương thành phường, xã là chưa phù hợp vì như vậy cũng chỉ tương tự như thị xã hoặc thành phố thuộc tỉnh, trong khi mức độ đô thị hóa tại các địa bàn này cần phải cao hơn nhiều và cũng chưa xác định rõ tính chất của thành phố trực thuộc thành phố trực thuộc trung ương là đô thị hay nông thôn.

Ý kiến của nhóm nghiên cứu của Ủy ban Pháp luật cho rằng, cần xác định cụ thể loại đơn vị hành chính nào là nông thôn, đô thị, hải đảo. Gắn với đó là tính chất, đặc điểm của địa bàn; từ đó quy định tổ chức chính quyền địa phương cho phù hợp. Bên cạnh đó, lý lẽ cho việc không tổ chức HĐND ở quận (trong khi các đơn vị hành chính tương đương khác cũng có tính chất đô thị như thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc thành phố trực thuộc trung ương vẫn tổ chức HĐND) chưa được làm rõ? Tương tự với trường hợp của phường và thị trấn.

Minh định cấp nào, có quyền gì

Đây là quan điểm được hầu hết các ý kiến phát biểu tại phiên họp đồng thuận. Ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nêu vấn đề: “Tinh thần của Hiến pháp năm 2013 là chấm dứt kiểu suốt ngày địa phương phải trình bẩm báo cáo lên trung ương, nhưng dự thảo thì vẫn còn lấn cấn, không giải quyết được việc này. Chúng tôi cho rằng để giải quyết căn cơ thì cần có luật về phân cấp, phân quyền, trong đó giao rõ chính quyền trung ương quyết những việc gì, chính quyền địa phương quyết việc gì. Giao xong thì cứ thẩm quyền đến đâu quyết đến đó, không phải đi xin ý kiến nữa. Nếu chưa có luật riêng thì phải đưa vào đây mới đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính và phát huy được vai trò của từng cấp chính quyền”.

Chia sẻ ý kiến này, GS-TSKH Đào Trí Úc nói: “Ở đây có 3 cụm vấn đề cần giải quyết là phân chia đơn vị hành chính lãnh thổ (để trả lời câu hỏi “địa phương” là gì); trách nhiệm và thẩm quyền của mỗi cấp chính quyền; quan hệ giữa chính quyền trung ương và từng cấp chính quyền địa phương (tỉnh, huyện, xã). Những việc này vẫn còn chưa thực sự rõ ràng trong dự thảo luật”. Trong khi đó, ông Chu Sơn Hà, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, băn khoăn: “Nếu không tổ chức chính quyền địa phương hoàn chỉnh thì hệ thống tổ chức Đảng và đoàn thể nhân dân sẽ như thế nào để đảm bảo vẫn hoạt động tốt?”.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý nhận định, đây là một dự án luật lớn, phức tạp nên cần có sự nghiên cứu rất thận trọng. Sau khi tham khảo ý kiến các chuyên gia, đại diện các cơ quan trung ương và địa phương, Ủy ban Pháp luật sẽ tiếp tục có thêm một phiên họp toàn thể nữa để xem xét toàn diện vấn đề.

ANH THƯ


Tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về người có công

(SGGP).– Ngày 18-8, tại Hà Nội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tổ chức phiên họp nghe Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết số 494/NQ-UBTVQH13 và kết quả bước đầu thực hiện Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13, Pháp lệnh số 05/2012/UBTVQH13 về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.

Theo báo cáo, các chính sách ưu đãi đối với người có công đã từng bước được hoàn thiện, tương đối toàn diện, bao phủ hầu hết các lĩnh vực đời sống người có công. Đến nay, cả nước đã xác nhận trên 8,8 triệu người có công, chiếm khoảng gần 10% dân số, trong đó có khoảng 1,4 triệu người có công và thân nhân người có công được hưởng trợ cấp ưu đãi của Nhà nước. Tuy nhiên, do chiến tranh kéo dài, phức tạp, vẫn còn một số trường hợp chưa được xác nhận và giải quyết chế độ. 

Theo bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, có thể thấy các cơ quan liên quan đã chấp hành nghiêm túc Nghị quyết 494 và 2 pháp lệnh; chính sách về người có công được điều chỉnh kịp thời, tạo niềm tin của người có công với chính sách của Đảng và Nhà nước...

Tuy nhiên, các cơ quan liên quan cần tiếp tục rà soát các thủ tục để đảm bảo cho người có công nhận được chế độ ưu đãi của mình trong thời gian sớm nhất.

BẢO VÂN

Tin cùng chuyên mục