Cụ thể hóa quy định “Thủ tướng Chính phủ thực hiện báo cáo trước nhân dân”

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 16, sáng nay, 19-8, Ủy ban Pháp luật Quốc hội nghe dự thảo Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi.

(SGGPO).- Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 16, sáng nay, 19-8, Ủy ban Pháp luật Quốc hội nghe dự thảo Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi.

Theo dự thảo Tờ trình, hiện còn một số vấn đề Chính phủ xin ý kiến Ủy ban và các chuyên gia. Trong đó, đáng lưu ý là quy định về phân cấp giữa Chính phủ với chính quyền địa phương, được ban soạn thảo đề xuất hai phương án.

Phương án một là quy định rõ vào luật những lĩnh vực có thể phân cấp và không thể phân cấp cho chính quyền địa phương quyết định.

Phương án hai là chỉ nêu những nguyên tắc chung.

Những vấn đề khác cũng khiến ban soạn thảo còn phải cân nhắc bao gồm chức năng phối hợp giữa Chính phủ với cơ quan lập pháp, tư pháp; quan hệ giữa Chính phủ với các tổ chức chính trị xã hội; cơ chế hoạt động của Chính phủ; vai trò của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là khi quyết định những vấn đề chưa đạt được sự đồng thuận trong tập thể Chính phủ…

Tham dự phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu gợi ý thảo luận: “Một yêu cầu đặt ra với tất cả các văn bản luật là phải thể hiện được tinh thần của Hiến pháp 2013. theo đó, cần rà soát xem việc kiểm soát chéo quyền lực giữa các cơ quan lập pháp – hành pháp – tư pháp đã được thể chế hóa như thế nào trong luật này; nên hay không nên quy định cụ thể số lượng và cơ cấu các bộ ngành vào luật…”.

Qua nghiên cứu dự án Luật, nhóm nghiên cứu của Ủy ban Pháp luật đặc biệt lưu ý đến các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ (từ điều 17 đến điều 19 của Dự thảo). Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh yêu cầu cụ thể hóa quy định “Thủ tướng Chính phủ thực hiện báo cáo trước nhân dân” – một nội dung đã được Hiến định. Bên cạnh đó, trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ với tư cách là người đứng đầu tập thể Chính phủ cũng cần được xác định rõ trong dự thảo.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ trưởng, nhóm nghiên cứu đề nghị chia thành hai nhóm quy định riêng. Một là Bộ trưởng với tư cách: thành viên Chính phủ và hai là Bộ trưởng với tư cách người đứng đầu Bộ, cơ quan ngang bộ.

Liên quan đến quy định về “Bộ trưởng phụ trách một số lĩnh vực công tác khác” trong dự thảo, nhóm nghiên cứu cho rằng quy định này chưa thuyết phục cả về cơ sở pháp lý lẫn thực tiễn”. Tuy nhiên, qua thảo luận sau đó, cũng có những ý kiến ủng hộ phương án này.

ANH PHƯƠNG 

Tin cùng chuyên mục