Cả nước có gần 9.000 luật sư

(SGGPO).- Sáng 20-8, tại Hà Nội, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương do đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tối cao làm Trưởng đoàn đã có cuộc làm việc với Đảng đoàn Liên đoàn luật sư Việt Nam về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

(SGGPO).- Sáng 20-8, tại Hà Nội, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương do đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tối cao làm Trưởng đoàn đã có cuộc làm việc với Đảng đoàn Liên đoàn luật sư Việt Nam về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Tại buổi làm việc, Luật sư Lê Thúc Anh, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư (LĐLS) Việt Nam cho biết, thực hiện nhiệm vụ “đào tạo, phát triển đội ngũ luật sư đủ về số lượng, có phẩm chất chính trị, có trình độ chuyên môn” (theo Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020), ngay sau khi được thành lập, LĐLS Việt Nam đã tập trung vào công tác xây dựng tổ chức, xây dựng cơ chế tự quản của Liên đoàn và các Đoàn luật sư.

Một trong những kết quả dễ nhận thấy là hiện nay, 63 Đoàn luật sư trong cả nước đã đi vào hoạt động. Tại thời điểm Liên đoàn luật sư được thành lập tháng 5-2009, cả nước có hơn 5.300 luật sư, đến tháng 6-2014 số lượng luật sư là 8.675 người (tăng gần 40%).

Cũng theo ông Lê Thúc Anh, cùng với việc học tập quán triệt đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Đảng đoàn Liên đoàn đã chỉ đạo tổ chức tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; xây dựng Bộ Quy tắc đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam. Trong nhiệm kỳ, LĐLS đã tổ chức trên 66 lớp bồi dưỡng luật sư về kỹ năng tranh tụng với trên 4.600 lượt luật sư tham dự…

Ghi nhận nỗ lực và những kết quả mà LĐLS Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua, góp phần tích cực vào hoạt động tư pháp nói chung và cải cách tư pháp nói riêng, ông Trương Hòa Bình, đề nghị Đảng đoàn LĐLS Việt Nam cần tiếp tục chỉ đạo bám sát việc quán triệt, triển khai thực hiện tốt Kết luận 92-KL/TW và kết quả tổng kết 8 năm thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị tới các cấp ủy đảng, các Đoàn luật sư trực thuộc LĐLS Việt Nam. Trong đó, cần phát huy vai trò của đội ngũ luật sư khi tham gia tố tụng và tranh tụng tại phiên tòa để vừa chống oan sai vừa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân, bảo vệ công lý, pháp chế xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, triển khai, thực hiện hiệu quả Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư; Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020.

Từ tháng 5-2009 đến nay, các luật sư đã tham gia bào chữa: 67.414 vụ án hình sự; hơn 54.000 vụ án dân sự; 5.460 vụ án kinh tế; 4.423 vụ án hành chính; 248.129 vụ tư vấn trong các vụ việc khác; 72.809 dịch vụ pháp lý khác; 31.271 vụ việc trợ giúp pháp lý miễn phí… Những năm gần đây, đội ngũ luật sư đã đảm nhận 100% việc bào chữa trong các vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu với chất lượng bào chữa ngày càng được nâng cao.

(Trích Báo cáo của LĐLS Việt Nam)

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục