Truy điệu Bác Hồ giữa Sài Gòn

Những ngày đầu tháng 9-1969, hàng triệu đồng bào miền Nam, trong đó có người dân Sài Gòn - Gia Định đau buồn, tiếc thương vô hạn trước tin Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần. Được một số chức sắc Phật giáo và nhân sĩ Phật tử đề nghị, Hòa thượng Thích Pháp Lan (viện chủ chùa Khánh Hưng) quyết định bí mật tổ chức lễ truy điệu Bác Hồ tại chùa, để người dân có thể bái vọng vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.
Truy điệu Bác Hồ giữa Sài Gòn

Những ngày đầu tháng 9-1969, hàng triệu đồng bào miền Nam, trong đó có người dân Sài Gòn - Gia Định đau buồn, tiếc thương vô hạn trước tin Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần. Được một số chức sắc Phật giáo và nhân sĩ Phật tử đề nghị, Hòa thượng Thích Pháp Lan (viện chủ chùa Khánh Hưng) quyết định bí mật tổ chức lễ truy điệu Bác Hồ tại chùa, để người dân có thể bái vọng vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.

Danh thơm nhắc mãi

Biết trước người dân miền Nam yêu nước nung nấu mong muốn làm lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh nên Tổng nha cảnh sát Sài Gòn tung mật vụ ráo riết lùng sục từng nhà, các cơ sở tôn giáo để xóa bỏ việc lập bàn thờ, tổ chức lễ tưởng niệm; thậm chí người dân chỉ cần nhắc chuyện Bác Hồ qua đời, nếu lọt ra ngoài thì cũng bị bắt.

Việc bí mật tổ chức lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh tại chùa Khánh Hưng (số 390/8 Lê Văn Duyệt, nay là 390/11 Cách Mạng Tháng Tám quận 3) tuy rất khó, nhưng vẫn được chuẩn bị chu đáo. Giờ truy điệu được truyền tai nhau là 9 giờ sáng ngày 9-9-1969, trùng giờ truy điệu Bác Hồ tại Hội trường Ba Đình - Hà Nội.

Bàn thờ Bác Hồ tại chùa Khánh Hưng hiện nay.

Chỉ mới 13 tuổi khi được chứng kiến lễ truy điệu, nhưng những hình ảnh trang nghiêm tại buổi lễ vẫn không phai mờ trong tâm trí Thượng tọa Thích Thiện Tâm, đệ tử Cố Đại lão Hòa thượng Thích Pháp Lan, hiện là trụ trì chùa Khánh Hưng.

Thượng tọa Thích Thiện Tâm kể: “Từ sáng sớm, hàng ngàn Chư Tôn Đức trụ trì các tự viện, Phật tử xa gần, đồng bào các giới ở Sài Gòn - Gia Định đã có mặt tại chùa, đứng chật kín từ sảnh ra sân, nối dài cả con hẻm. Để đảm bảo sự bí mật, trên bàn thờ không để ảnh Bác nhưng có tấm trướng bằng gấm Thượng Hải thêu bát tiên thay cho linh vị. Chính giữa tấm trướng là bốn chữ lớn “Quốc gia tối thượng”. Quốc gia là Nhà nước, tối thượng là cao nhất, bốn chữ này có nghĩa là Chủ tịch nước. Hai bên tấm trướng có hai câu đối “Nam Bắc Toàn Dân Quy Thượng Chính” (Đồng bào hai miền Nam - Bắc một lòng tưởng niệm Bác Hồ, bậc cao minh chính nghĩa), “Á Âu Thế Giới Kỉnh Tu Mi” (trên thế giới châu Á, châu Âu đều kính trọng Bác là bậc quân tử anh hùng). Khi đọc ngược chữ cuối của hai câu đối Chính - Mi sẽ thành tên của Bác là Chí - Minh. Mâm quả được xếp thành lá cờ Tổ quốc với mận đỏ làm nền và xoài chính tạo thành ngôi sao vàng. Bình hoa cũng được bài trí tương tự với bông trang đỏ làm nền quốc kỳ, hoa điệp vàng xếp hình ngôi sao”.

Trong tiếng khóc thương của những người dự lễ truy điệu quyện khói hương nghi ngút, Hòa thượng Thích Pháp Lan đọc bài điếu văn do hòa thượng tự viết. Bài điếu văn đã làm rung cảm lòng người với những câu đầy xúc động: “Ôi! Đáng thương thay! Đáng tiếc thay! Thương là thương đấng thiên tài duy nhất, xem cái chết nhẹ tựa lông hồng. Tiếc là tiếc bậc hào kiệt vô song, trọng nghĩa vụ nặng hơn núi cả”, “… Nay hình bóng Bác đã quay về lòng đất Việt, song thanh danh còn lừng lẫy khắp năm châu. Tuy thân Người vắng dạng với giang san, nhưng tiếng tốt danh thơm nhắc nhở mãi muôn đời sử chép”...

Biến đau thương thành hành động

Hay tin đang có lễ truy điệu Bác Hồ tại chùa Khánh Hưng, rất đông cảnh sát ngụy và mật vụ kéo tới định giải tán nhưng vấp phải nhiều lớp rào chắn được tạo thành từ lực lượng học sinh, sinh viên yêu nước. Khi mật vụ ùa vào được đến sảnh thì lễ truy điệu cũng vừa xong. Biến đau thương thành hành động, những người tham dự lễ truy điệu xuống đường tổ chức cuộc biểu tình rầm rộ đòi độc lập, dân chủ dân sinh. Băng rôn được học sinh, sinh viên chuẩn bị sẵn trong thời gian diễn ra lễ truy điệu.

Đoàn người đi đến đâu, người dân Sài Gòn nhập thêm vào đến đấy, nối dài liên tục. Đoàn biểu tình đi từ chùa Khánh Hưng đến ngã sáu Công trường Dân chủ, quẹo sang đường Trần Quốc Toản (nay là đường Ba Tháng Hai) rồi qua đường Cao Thắng. Đến đây, đoàn biểu tình bị cảnh sát ngụy đàn áp nên giải tán.

Ngay ngày hôm sau, Hòa thượng Thích Pháp Lan bị triệu đến Tổng nha cảnh sát Sài Gòn giải trình về việc tổ chức lễ truy điệu Bác Hồ. Với lý luận của Hòa thượng Thích Pháp Lan về ý nghĩa tấm trướng trên bàn thờ (quốc gia là trên cao, mong đồng bào hai miền Nam Bắc thương yêu nhau thì lúc đó sẽ được toàn thế giới kính trọng), cùng với sự hậu thuẫn của nhân dân, Tổng nha cảnh sát không có cớ bắt bẻ, đành phải thả người.

Tại buổi làm việc, Hòa thượng Thích Pháp Lan cũng nói lên chính kiến của mình: “Các ông có biết trên thế giới bao nhiêu người tưởng nhớ ông Hồ Chí Minh không? Tôi là người tu hành, không phân biệt bên này bên kia, ai lo cho dân cho nước là tôi sùng kính”.

Việc tổ chức lễ truy điệu đã đáp ứng được tình cảm, lòng kính yêu của đông đảo tầng lớp nhân dân Sài Gòn - Gia Định đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày đại tang của dân tộc. Ngay cả Hòa thượng Thích Thiện Hoa - Viện trưởng Viện Hóa đạo cũng mời Hòa thượng Thích Pháp Lan lên văn phòng, bộc bạch: “Vừa rồi, Thượng tọa có tổ chức lễ truy điệu Cụ Hồ, tôi nghe được tin này hết sức cảm kích và tán thán. Thay mặt Hội đồng lưỡng viện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất xin cảm ơn Thượng tọa, vì đúng ra việc này Giáo hội phải tổ chức”.

Từ đó, bàn thờ Bác nơi chùa Khánh Hưng thường xuyên được đồng bào yêu nước đến dâng hương tưởng niệm Bác. Chùa Khánh Hưng cũng trở thành nơi tổ chức các cuộc đấu tranh chính trị của các giới ở Sài Gòn. Đến năm 1984, Hòa thượng Thích Pháp Lan hiến tặng bảo vật bàn thờ cúng Bác nói trên cho Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TPHCM lưu giữ.

ÁI CHÂN

Tin cùng chuyên mục