Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Kỷ niệm 69 năm Quốc khánh (2-9-1945 – 2-9-2014), sáng 2-9, đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã đến đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

(SGGP).- Kỷ niệm 69 năm Quốc khánh (2-9-1945 – 2-9-2014), sáng 2-9, đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã đến đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Dự lễ viếng có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; các đồng chí nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; các đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ; cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và các đồng chí lão thành cách mạng.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 2-9.

Vòng hoa của đoàn mang dòng chữ “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”. Trong giờ phút thiêng liêng, đầy xúc động, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã bày tỏ niềm thành kính, tưởng nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Tiếp đó, đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã đến đặt vòng hoa và tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ.

Vòng hoa của đoàn mang dòng chữ “Đời đời nhớ ơn các Anh hùng liệt sĩ”. Cũng trong sáng 2-9, các đoàn đại biểu Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội, đoàn Ngoại giao, Ban Chỉ đạo phối hợp hoạt động Cụm di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình đã đến đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; đặt vòng hoa và tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ.

Cùng ngày, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà 67 thuộc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khuôn viên Phủ Chủ tịch.

Thắp nén hương thơm, tỏ lòng thành kính trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại, người Bác kính yêu của dân tộc Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xúc động nói: “Đúng vào thời khắc này 45 năm trước, ngày 2-9-1969, Bác Hồ kính yêu đã ra đi vào cõi vĩnh hằng, để lại cho dân tộc ta muôn vàn tình yêu thương, một tài sản thiêng liêng, vô cùng quý giá, đó là tư tưởng Hồ Chí Minh, sự nghiệp Hồ Chí Minh và thời đại Hồ Chí Minh. Thời gian càng lùi xa, càng thấy Bác vĩ đại, càng thấm thía công lao trời biển của Bác. Trách nhiệm của chúng ta hôm nay và mai sau là phải kế thừa và phát huy tài sản vô giá đó, quyết tâm thực hiện cho bằng được những điều mong ước của Bác. Tác phẩm cuối cùng, tác phẩm đặc biệt Bác Hồ để lại chính là bản Di chúc, trong đó từng câu, từng chữ đều thể hiện tư tưởng, trí tuệ của Người”. Nói chuyện thân mật với cán bộ, nhân viên Khu di tích, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Được làm việc trong Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh là một vinh dự, cũng là trách nhiệm to lớn trước Đảng, trước nhân dân. Tổng Bí thư mong rằng, với tất cả tình cảm yêu kính đối với Bác, anh chị em cán bộ, nhân viên Khu di tích sẽ tiếp tục làm tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao, đó là gìn giữ, bảo quản, phát huy giá trị những hiện vật quý giá, từng gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác.

° Ngày 2-9, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang cùng hàng ngàn người dân khắp nơi trong vùng đã về dự Họp mặt kỷ niệm 69 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 (1945 - 2014), 45 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ tại Đền thờ Bác Hồ (xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ). Tại buổi họp mặt, các cán bộ và người dân đã ôn lại những tình cảm thiêng liêng của người dân Hậu Giang dành cho Bác. Hiện Đền thờ Bác đã được Nhà nước đầu tư xây dựng mới và nhiều lần trùng tu và tới đây tỉnh Hậu Giang có chủ trương mở rộng diện tích Đền thờ Bác để đáp ứng nhu cầu thăm viếng Bác của nhân dân trong và ngoài tỉnh.

° Chiều 2-9, Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, trong những ngày nghỉ lễ vừa qua có hàng vạn lượt người từ khắp nơi đến thăm các di tích Bác Hồ tại Thừa Thiên - Huế gồm: ngôi nhà 112 Mai Thúc Loan (TP Huế) - nơi ở đầu tiên khi gia đình của Bác từ Nghệ An vào Huế (1895 - 1901) với tên gọi của Bác lúc ấy là Nguyễn Sinh Cung.

Di tích nhà lưu ở làng Dương Nỗ thuộc xã Phú Dương, huyện Phú Vang, là nơi Bác Hồ ở cùng với phụ thân và anh trai (1898 - 1900), cũng trong ngôi làng này đã có nhiều địa điểm gắn bó với tuổi thơ của Bác như Am Bà, Bến Đá, đình làng Dương Nỗ... Chỉ tính riêng 2 ngày lễ chính là ngày 1 và 2-9 có hơn 5.000 lượt người trong tỉnh và các địa phương trong cả nước như: Hà Nội, TPHCM, Cao Bằng, Hà Tĩnh... đến tham quan các di tích Bác Hồ tại Huế. Dịp này, Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên - Huế long trọng tiếp nhận hơn 400 tư liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh do các cá nhân, tổ chức trao tặng.

Nhân kỷ niệm 69 năm Quốc khánh 2-9, đông đảo đồng bào, chiến sĩ cả nước và du khách quốc tế đã nô nức đổ về Quảng trường Ba Đình lịch sử, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong 2 ngày 30 và 31-8, có 24.546 lượt người trong nước và 3.884 lượt khách nước ngoài vào Lăng viếng Bác. Ước lượng ngày 2-9 có khoảng 32.000 lượt người vào Lăng viếng Bác, thăm nơi làm việc và nơi ở của Người. Ban Quản lý Lăng đã tổ chức rất chu đáo cho đồng bào, nhất là các cụ già, trẻ em và khách nước ngoài vào Lăng viếng Bác.

NHÓM PV

Tin cùng chuyên mục